Sáng 15/3, 400 cháu học sinh mẫu giáo của trường mầm non Thanh Khương - Bắc Ninh đã được bố mẹ đưa đến Bệnh viện Nhiệt đới TƯ và Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TƯ để xét nghiệm sau vụ việc trường Mầm non Thanh Khương (Thuận Thành, Bắc Ninh) bị phát hiện dùng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh thực phẩm để chế biến thức ăn cho trẻ nhỏ.
Nghi ngờ con nhiễm sán lợn do ăn thịt bẩn ở trường, 2 trong ba học sinh của trường này được gia đình đưa đi xét nghiệm và có kết quả dương tính với sán lợn.
|
Miếng thịt lợn nhiễm sán (còn gọi là lợn gạo) ở trường mầm non Thanh Khương. Ảnh: VTV. |
Clip ghi lại được hình ảnh món thịt lợn nổi đầy hạch trắng – dấu hiệu thịt lợn nhiễm sán gạo – tại trường mầm non này được phụ huynh ghi lại khiến nhiều người lo lắng cho sức khoẻ của con em mình và không khỏi bức xúc.
Đáng chú ý hơn là đơn vị cung cấp thực phẩm cho trường mầm non Thanh Khương thì vẫn cho rằng: thịt lợn "không có gì bất thường". Không đồng ý với nhận định này, phụ huynh đồng loạt cho con nghỉ học để phản đối, nhưng nhà trường vẫn không có động thái cụ thể, tiếp tục để công ty này cung cấp thực phẩm.
Gần đây nhất, ngày 5/3, tại nhà bếp của trường mầm non này cũng bị phát hiện dùng thịt gà đông lạnh không đảm bảo an toàn thực phẩm để nấu ăn cho trẻ. Cơ quan công an đã lập biên bản sự việc và lấy mẫu kiểm nghiệm.
|
2/3 học sinh của trường này được gia đình đưa đi xét nghiệm và có kết quả dương tính với sán lợn. Ảnh: Tiền Phong. |
|
Kết quả dương tính với sán lợn của một trẻ học tại trường mầm non Thanh Khương. Ảnh: Tiền Phong. |
Chia sẻ trên Báo Người lao động, TS-BS Đỗ Trung Dũng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương, phân tích sán lợn và ấu trùng sán lợn do ăn thức ăn chưa nấu chín và ăn phải trứng của sán lợn. Trứng sán dây vào cơ thể sẽ nở ra ấu trùng và đi khắp cơ thể nhưng bộ phận ấu trùng sán dây "thích" ký sinh nhất là não người. Tại não, chúng gây ra rất nhiều biểu hiện như nhìn mờ, co giật, động kinh, ngoài ra có thể chèn ép não... Tuy nhiên, theo giới chuyên môn, do ký sinh trùng thường biểu hiện âm thầm, hình ảnh não tổn thương không đặc hiệu nên đôi khi rất khó phát hiện, dẫn đến điều trị muộn.
Khi bị nhiễm bệnh, hàng ngày, ấu trùng sán lợn phát triển trong cơ thể để rụng những đốt sán kèm theo rất nhiều trứng. Sán dây lợn không chỉ hút những chất dinh dưỡng của cơ thể còn khiến cơ thể có biểu hiện dị ứng, tắc ruột vì con sán dây có thể dài từ 5-20 m cuộn trong ruột người bệnh. Đặc biệt nguy hiểm khi sán rụng trứng có thể gây hiện tượng trào ngược dạ dày và gây cơ chế tự nhiễm và lại luẩn quẩn trong cơ thể.
Nếu ấu trùng xâm nhập vào hệ thần kinh, điều này có thể khiến người mắc bệnh ấu trùng sán dây lợn ở não (neurocysticercosis), gây nhiễm trùng não nghiêm trọng. Nếu sán xâm nhập vào não thì người bệnh có thể bị động kinh.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, gần 1/3 các trường hợp bị bệnh động kinh là do bị nhiễm sán dây lợn. Loại sán này có thể dài tới 7m và thải đốt liên tục đồng thời cũng sinh ra đốt mới nên nó sẽ hút hết chất dinh dưỡng từ cơ thể người nó đang ký sinh. Người bị nhiễm sán sẽ bị thiếu dinh dưỡng, gầy còm ốm yếu, đau bụng, tiêu chảy.
Trường hợp người bị tự nhiễm ấu trùng sán hoặc nhiễm do thức ăn không vệ sinh có lẫn trứng sán thì những ấu trùng sán này sẽ vào não, mắt, cơ, da… rất nguy hiểm. Nếu sán làm tổ ở mắt có thể khiến lồi nhãn cầu gây lác mắt, nhìn đôi, làm bong võng mạc gây giảm thị lực, có thể bị mù. Khi sán chạy vào não, có thể gây nhức đầu, động kinh, rối loạn tâm thần, rối loạn thị giác, giảm trí nhớ. Sán làm ổ trong tim sẽ gây rối loạn nhịp tim, ảnh hưởng van tim, dẫn đến suy tim.
Theo các chuyên gia y tế, hiện nay điều trị bệnh sán dây và ấu trùng sán dây lợn dựa theo nguyên tắc phải chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời ngay khi phát hiện có đốt sán để tránh bị bệnh ấu trùng sán lợn.
Việc điều trị bệnh ấu trùng sán dây lợn phải thực hiện ở cơ sở y tế với trang bị phương tiện cấp cứu và phải được theo dõi.
Để chủ động phòng bệnh sán dây và ấu trùng sán dây lợn, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không ăn các thực phẩm sống như thịt lợn, nem chua, thịt lợn tái (nguy cơ nhiễm sán dây trưởng thành), rau sống không đảm bảo vệ sinh (nguy cơ mắc bệnh ấu trùng sán lợn).
Cuối tháng 2, một số phụ huynh đăng video ghi lại món thịt lợn nổi đầy hạch trắng, có dấu hiệu của bệnh sán gạo trong bữa ăn tại trường Thanh Khương. Ngay sau đó, tập thể phụ huynh lên gặp Ban giám hiệu nhà trường phản ánh, nhưng chỉ nhận được câu trả lời "vòng vo, không thỏa đáng".
Theo VTV, dù đã 2 lần liên tiếp xuất hiện tình trạng thịt lợn nổi hạch trong Trường mầm non Thanh Khương, thế nhưng Công ty TNHH Hương Thành - đơn vị duy nhất cung cấp thực phẩm cho nhà trường từ năm 2018 đến nay - lại không hoàn toàn chịu trách nhiệm, thậm chí còn cho rằng thịt lợn không có biểu hiện gì bất thường. Từ khi xảy ra sự việc đến nay, đơn vị này vẫn bán loại thịt này cho nhà trường với cái giá không hề rẻ. Công ty này còn đang cung cấp thực phẩm cho 19 trường học tại Bắc Ninh và nhiều bếp ăn tập thể.
Gần đây, phụ huynh trường Thanh Khương bất ngờ kiểm tra phát hiện thịt kém chất lượng, có mùi do công ty này cung cấp tại bếp ăn của nhà trường và chụp lại.
Toàn bộ hồ sơ năng lực của công ty Hương Thành cùng các phiếu xuất nhập thực phẩm tại trường Thanh Khương đã được cơ quan công an thu giữ để điều tra làm rõ.