Cụ thể, vụ việc xảy ra với em Hoàng L. N., học sinh lớp 6.2, Trường THCS Duy Ninh huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), do N. nói tục, bị cô giáo chủ nhiệm là Nguyễn Thị Phương Thủy phát hiện. Cô Thủy đã yêu cầu tất cả học sinh trong lớp tát liên tiếp vào má em N. Lớp 6.2 có 27 học sinh, trong đó 3 bạn bị phạt vì quên vở học tập về nhà lấy, còn lại 24 bạn, thì 23 bạn mỗi bạn phải tát vào má N. 10 cái.
Cô Thủy quy định, bạn nào tát nhẹ thì tát lại 10 cái thật mạnh nếu không sẽ bị phạt ngược 10 cái tát. Khi các bạn tát mạnh, em đau quá đã buột mồm văng tục, cô giáo đứng cạnh, vung tay tát một cái cuối cùng thành 231 cái tát. Sự việc đã khiến học sinh này phải nhập viện điều trị.
|
Cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy, người đã yêu cầu cả lớp tát em N. - ảnh VOV |
Theo BS Nguyễn Văn Hùng, nguyên bác sỹ Bệnh viện 105 Sơn Tây (Hà Nội) việc cô giáo phạt học sinh 231 cái tát vào mặt có thể gây thương tích cho trẻ ở dạng chấn thương phần mềm. Những cái tát mạnh tương tự như những va đập, tác động mạnh, xảy ra liên tiếp hàng trăm lần trên cùng một vị trí tiếp xúc có thể dẫn đến dập mô cơ, đứt, vỡ mạch máu gây bầm tím, sưng nóng, phù nề. Tình trạng tổn thương này ở trẻ có thể dẫn đến sốt cao, viêm sưng, đau đớn, thậm chí nếu không được cấp cứu, xử trí kịp thời có thể gây hoại tử. Tốt nhất trong trường hợp này trẻ cần được chườm lạnh vết thương, hạn chế tình trạng chảy máu trong, giảm sưng, hạ nhiệt vùng tổn thương,…
Mặc dù chấn thương phần mềm không hề nhẹ như vậy, nhưng theo ThS. tâm lý Trần Mạnh Hoàng, Trung tâm tư vấn đào tạo kỹ năng mềm Hà Nội, những tổn thương tâm lý tác động đến trẻ còn “ghê gớm” hơn nhiều. Chúng ta ngày càng lo ngại về một xã hội mà thanh thiếu niên đang giải quyết mọi khúc mắc trong cuộc sống bằng bạo lực, thì chính cách phạt học sinh thô bạo và thiếu nhân văn này lại là một động thái thúc đẩy suy nghĩ bạo lực của học sinh. Không chỉ em học sinh bị phạt 231 cái tát đó tổn thương tâm lý, bị uất ức, bị cô lập, bị “phản bội”. Không phải chỉ là cảm giác bị tất cả các bạn quay lưng, không nơi bấu víu, không người bênh vực, mà còn là cảm giác bị chà đạp, bị đàn áp. Chắc hẳn một người trong hoàn cảnh bị đối xử như vậy không thể có những cảm xúc tích cực, tốt đẹp về con người, cuộc sống xung quanh mình, để nuôi dưỡng những cách ứng xử ấm áp đầy tình người trong cuộc sống sau này.
Chị Nguyễn Huyền Thanh, một phụ huynh ở Hà Nội, cũng là người làm công tác sư phạm nhiều năm, cho rằng cách giáo dục đó vô cùng phản giáo dục, thậm chí có thể nói còn góp phần nuôi dưỡng thù hận, nuôi dưỡng tính côn đồ, vũ phu, không chỉ trong một đứa trẻ bị phạt mà trong tất cả những đứa trẻ tham gia hình phạt đó. Việc bắt ép bạn nào tát nhẹ thì tát lại 10 cái thật mạnh nếu không sẽ bị phạt ngược 10 cái tát vô cùng tàn nhẫn. Đó là cách giáo dục tiếp tay cho sự phát triển những nhân cách yếu hèn, chấp nhận đàn áp bạo lực, không phân biệt đúng sai, triệt tiêu sự phản kháng, triệt tiêu tinh thần đấu tranh vì chính nghĩa, bảo vệ kẻ yếu.
Biện minh cho lý do cô giáo phạt học sinh 231 cái tát, cả cô giáo và nhà trường lại cho rằng do áp lực thành tích, vì lớp lúc nào cũng đứng cuối bảng thi đua, vì trường sắp đón nhận danh hiệu trường chuẩn quốc gia cấp độ 2,… Lý giải đó hoàn toàn không thể chấp nhận được. Một nhà giáo dục, một môi trường sư phạm không thể vì thành tích mà chà đạp con người, mà có những hành động và sự lý giải phản giáo dục như vậy.
Cô giáo Trần Hoa Mai, nguyên giáo viên một trường CĐSP, cho rằng không thiếu cách phạt học sinh. Cho đứng lên khoanh tay, chép phạt, mời ra khỏi lớp, mời lên phòng giám hiệu ngồi viết kiểm điểm, mời phụ huynh lên trao đổi,… vô số cách phạt, nhưng tuyệt đối không thể chấp nhận hình phạt động đến thân thể học sinh. Một cô giáo yêu trẻ, thực sự biết dùng tình thương để dạy trẻ sẽ không bao giờ làm tổn thương đến thân thể và tinh thần một đứa trẻ.
Box: Cơ quan cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an huyện Quảng Ninh đã quyết định khởi tố vụ án “Hành hạ người khác” đối với vụ việc cô giáo phạt học sinh 231 cái tát, xảy ra tại Trường THCS Duy Ninh, huyện Quảng Ninh. Cơ quan CSĐT Công an huyện Quảng Ninh cũng đã gửi quyết định khởi tố sang Viện Kiểm sát nhân dân huyện chờ phê duyệt, đồng thời cũng cố hồ sơ để sớm khởi tố bị can.