Chấn thương rách sụn chêm như Văn Toàn nguy hiểm ra sao?

Google News

(Kiến Thức) - Tiền đạo Nguyễn Văn Toàn, đang gặp chấn thương rách sụn chêm, được dự đoán là có khả năng sẽ không thể đồng hành cùng tuyển Việt Nam trong phần còn lại của hành trình chinh phục AFF Cup 2018.

Dính chấn thương trong buổi tập trước trận đấu với Campuchia, cầu thủ Nguyễn Văn Toàn không thể ra sân thi đấu. Anh được chẩn đoán là rách sụn chêm đầu gối, cần theo dõi để đánh giá mức độ. Nếu không may phải mổ rách sụn chêm khớp gối thì chân sẽ phải bất động bằng nẹp trong thời gian khoảng 3 tuần.
Chan thuong rach sun chem nhu Van Toan nguy hiem ra sao?
Tiền đạo Nguyễn Văn Toàn gặp chấn thương rách sụn chêm đầu gối trong buổi tập trước trận đấu với Campuchia. Ảnh: Zing. 
Sụn chêm là một sụn xơ có dạng chữ C ở đầu gối, chức năng của sụn chêm như một "miếng đệm" đón nhận những áp lực do va đập vào đầu gối và là một lớp mềm ngăn cách giữa các xương của khớp gối. Mỗi đầu gối có hai sụn chêm nằm giữa đầu xương đùi và xương chày và được gọi là sụn chêm giữa và bên.
Sụn chêm hoạt động như các giảm xóc, giúp hấp thu và truyền lực đều từ lồi cầu xương đùi xuống xương chày, giúp giảm sang chấn sụn khớp. Sụn chêm góp phần tạo nên sự vững chắc cho khớp gối.
Chấn thương rách sụn chêm khá phổ biến trong bóng đá. Có khá nhiều hình thức rách sụn (thường gặp là rách dọc, rách ngang, rách hình nan hoa, hình vạt, hình mỏ, hình quai vali và rách phức tạp. Theo vị trí: rách sừng trước, sừng sau, thân; rách vùng vô mạch, vùng có mạch nuôi).
Cần để ý hai loại sụn chêm ngoài đặc biệt là có nang hay phì đại hình đĩa (discoïde). Nhìn chung nó khá lành tính tuy nhiên lại rất dễ đối mặt với nguy cơ tổn thương nghiêm trọng
Nang sụn chêm ngoài: Là dạng nang nhỏ nằm ở rìa của sụn chêm bị rách, trong nó chứa chất keo. Nó là nguồn gốc của đau gối mặt ngoài gối, khi khám thấy một cục nhỏ nằm ngay dưới da ngay trên đường khớp.
Sụn chêm ngoài hình đĩa: Thay vì có dạng hình trăng lưỡi liềm, nó lại có dạng hình đĩa, che phủ hoàn toàn mâm chày ngoài. Trong trường hợp không có tổn thương, sụn chêm ngoài hình đĩa không có triệu chứng. Nhưng nó thường lại rất mỏng mảnh, dễ rách, đặc biệt là ở trẻ em.
Rách sụn chêm không chỉ phổ biến ở những người trẻ, mà ở người già do quá trình lão hóa, thoái hóa sụn khớp cũng khiến cho sụn chêm dễ bị rách đi kèm với các triệu chứng như bong, xói mòn sụn khớp.
Chan thuong rach sun chem nhu Van Toan nguy hiem ra sao?-Hinh-2
Vị trí sụn chêm ở khớp gối. Ảnh: Webthethao. 
Khi sụn mới rách cảm giác rất đau, sau đó cường độ đau có thể tăng hoặc giảm theo thời gian và vận động. Người rách sụn chêm cần phải nghỉ ngơi để bớt đau. Khi có những triệu chứng này xuất hiện cần đi thăm khám để được chẩn đoán và điều trị .
Phẫu thuật hồi phục tổn thương sụn chêm
Tùy vào mức độ nghiêm trọng của tổn thương, loại và vị trí của tổn thương, các kết quả chẩn đoán hình ảnh ở khớp gối (chụp X-quang và chụp cộng hưởng từ MRI), tuổi và mức độ vận động thể chất hàng ngày của bệnh nhân, bác sỹ Ngoại khoa sẽ quyết định phẫu thuật là có cần thiết hay không.
Do mặt ngoài của sụn chêm có nguồn cung cấp máu rất tốt nên các vết rách sụn chêm ở vị trí đó có khả năng tự lành khá cao. Tuy nhiên, nếu những tồn thương ở hai phần ba trong của mặt sụn chêm thì thường không có khả năng chữa lành nếu không can thiệp phẫu thuật.
Bệnh nhân trẻ tuổi thường sẽ được phẫu thuật nội soi khớp gối để sửa chữa những tổn thương ở sụn chêm. Trong thủ thuật này một máy quay nhỏ và đèn được đưa vào khớp và truyền hình ảnh ra màn hình bên ngoài giúp các bác sĩ phẫu thuật điều hướng các dụng cụ trong khi đang "sửa chữa" hoặc loại bỏ những phần sụn bị hư hỏng. Phần sụn không bị tổn thương sẽ được bác sĩ bảo tồn tối đa để không làm ảnh hưởng tới chuyển động của khớp.
Đối với bệnh nhân đã lớn tuổi bị một vết rách sụn do bệnh thoái hóa khớp hoặc viêm xương khớp tuổi già, điều trị không phẫu thuật là phương pháp được ưu tiên hơn.
Điều trị không phẫu thuật khi rách sụn chêm
Điều trị không phẫu thuật sẽ được chỉ định trong các trường hợp:
- Tổn thương nhỏ và nằm ở mặt bên ngoài của sụn
- Các triệu chứng của tổn thương có thể sẽ tự lành lại được
- Đầu gối cử động ổn định và phạm vi vận động của khớp không bị hư hỏng
- Bệnh nhân vẫn thực hiện các hoạt động hàng ngày được như bình thường
Điều trị không phẫu thuật sẽ giúp hồi phục các tổn thương ở sụn chêm, bằng bốn hoạt động chính:
Nghỉ ngơi, hạn chế vận động mạnh, nhiều. Bác sĩ có thể tư vấn bệnh nhân sử dụng nạng để tránh dồn trọng lượng lên chân.
Chườm đá lạnh một ngày vài lần, mỗi lần khoảng 20 phút.
Băng ép để ngăn chặn sưng thêm, phù nề và mất máu.
Nâng cao chi so với vị trí của tim bằng cách kê một cái gối ở dưới chân hoặc gác chân lên một miếng đệm cao hơn khi nằm sẽ giúp giảm sưng khớp gối.
Thảo Nguyên (TH)

>> xem thêm

Bình luận(0)