Cảm giác khô da đã đủ khiến bạn thấy bực bội, nhưng đôi môi nứt nẻ toác, thậm chí chảy cả máu còn tồi tệ hơn. Thời tiết, gió và tiếp xúc không khí hanh khô làm cho đôi môi của bạn dễ khô và nứt nẻ.
Sau đây là 10 nguyên nhân phổ biến làm nứt nẻ đôi môi mà bạn nên biết để có thể phòng tránh:
1. Liếm môi
Khi cảm thấy đôi môi khô và nứt nẻ, phản xạ là bạn muốn liếm môi. Nhưng ngay sau khi liếm môi, lại cảm thấy khô môi hơn, vì vậy bạn lại liếm môi và cứ thế. Chu trình này khiến môi bị mất nước, vì nước bọt bay hơi, làm giảm độ ẩm của môi, gây khô môi.
Chẳng bao lâu sau, có một lớp thượng bì thô ráp và teo tách ra khỏi lớp ẩm phía dưới môi. Cắn và nhai đôi môi của bạn có thể tạo ra hiệu ứng tương tự. Vì vậy nếu bạn thấy mình thường xuyên làm điều này, hãy cố gắng từ bỏ thói quen xấu này.
|
Ảnh minh họa. |
2. Mất nước
Môi không chứa các tuyến tạo dầu như da của bạn, vì vậy môi có thể bị khô và trở nên nứt nẻ rất dễ dàng. Trên thực tế, khô môi cũng là một trong những dấu hiệu cơ thể bị mất nước. Nếu bạn không uống đủ nước trong ngày, đôi môi của bạn sẽ trở nên khô và bong tróc. Hơn nữa, hoạt động liên tục ngoài trời, kết hợp với gió và tiếp xúc với tia cực tím, có thể dẫn đến mất nước và khiến đôi môi nứt nẻ nhanh chóng hơn. Nên uống 6-8 ly nước lọc mỗi ngày.
3. Không dưỡng môi
Đừng quên bảo vệ đôi môi của bạn bằng cách dưỡng môi và chống nắng cho làn môi. Hãy tìm một son dưỡng môi có kem chống nắng để bảo vệ làn môi, hoặc chỉ cần thoa nhẹ một chút kem chống nắng trên môi của bạn trước khi bạn ra khỏi nhà.
Giữ ẩm cho đôi môi của bạn suốt cả ngày với vaseline hoặc sáp ong để có làn môi căng mọng, nhất là trong những ngày thời tiết mùa đông và khô lạnh.
4. Do thở miệng
Do thói quen ngủ thở miệng hoặc do bệnh lý làm nghẹt mũi buộc phải thở bằng miệng, thở miệng làm cho không khí liên tục đi qua đôi môi của bạn và làm môi khô nhanh chóng. Những người ngáy hoặc mắc chứng ngưng thở khi ngủ thường thở miệng và thường xuyên thức dậy với đôi môi khô và nứt nẻ. Trong những tình huống này, tốt nhất là để giữ cho đôi môi của bạn ẩm suốt cả ngày, đặc biệt là trước khi đi ngủ và trao đổi với bác sĩ để chữa trị các vấn đề rắc rối tiềm ẩn này.
5. Kem đánh răng
Nhiều loại kem đánh răng có chứa thành phần sodium lauryl sulfate, và nhiều nghiên cứu cho thấy thành phần này có thể kích ứng khiến đôi môi khô và nứt nẻ. Nếu bạn đang khó chịu với đôi môi nứt nẻ do kem đánh răng, hãy thử chuyển đổi kem đánh răng khác.
6. Các axit trong trái cây họ cam quýt
Các axit trong trái cây họ cam quýt có thể gây kích ứng môi. Nước sốt cà chua cũng có thể gây khó chịu và đau đớn khi bạn đang bị nẻ môi. Cinnamates, một chất được sử dụng trong bánh kẹo, kẹo cao su và kem đánh răng cũng có thể có tác dụng tương tự như axit trong trái cây họ cam quýt.
7. Tiêu thụ quá nhiều vitamin A
Nếu bạn đang tiêu thụ quá nhiều vitamin A, hoặc đang dùng quá nhiều chất bổ sung vitamin A, có thể gây ra tình trạng khô môi. Nếu bạn dùng hơn 25.000 IU vitamin A mỗi ngày, nghĩa là bạn đang tiêu thụ quá nhiều vitamin A.
8. Dị ứng
Có nhiều loại dị ứng có thể gây ra khô môi, trong đó có dị ứng với coban và niken. Nếu bạn dùng quá nhiều chất bổ sung vitamin B12, nó có thể gây ra dị ứng với coban, dẫn tới khô môi và bong tróc môi.
9. Do thuốc
Một số loại thuốc kê theo toa, như Accutane để trị mụn trứng cá hay giảm nếp nhăn, thuốc huyết áp propranolol, hoặc thuốc điều trị chóng mặt prochlorperazine cũng có thể gây khô môi.
10. Do một số bệnh lý
Bệnh tự miễn dịch có thể khiến đôi môi của bạn nhạy cảm với ánh nắng mặt trời và trở nên nứt nẻ. Bệnh tuyến giáp và vẩy nến cũng có thể gây khô môi. Bệnh Perleche, hoặc viêm môi góc cạnh, hay bệnh đái tháo đường có thể dẫn tới làn da xung quanh miệng bị khô.