Là dược liệu quý với nhiều dưỡng chất, giúp chữa bệnh, tăng cao sức đề kháng, mật ong rừng - món quà từ mẹ thiên nhiên ban tặng cho con người. Đặc biệt, ở những vùng núi cao như Tây Nguyên, Tây Bắc, mật ong rừng là món “đặc sản” với vị ngọt kết tinh từ mật hoa tự nhiên, được nhiều du khách yêu thích. Thế nhưng, để thu hoạch mật ong rừng là điều khó nhằn. Bởi lẽ, ong thường làm tổ trên cành cây cao, do đó đòi hỏi người thu hoạch phải băng rừng, lội suối, vượt qua nhiều nguy hiểm đang rình rập trong đại ngàn.
Đặc điểm của ong sống trong rừng là làm tổ ở các cây cao vì thế việc thu hoạch cũng gặp nhiều cản trở.
Cứ vào tháng 6-10 hằng năm, người dân vùng núi Tây Bắc lại rộn ràng chuẩn bị cho mùa thu hoạch mật. Họ chuẩn gùi, gói cơm nắm vào rừng tìm kiếm tổ ong lấy mật. Thông thường, người dân chọn đi từng nhóm từ 2-5 người để đảm bảo an toàn và có thể hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình thu hoạch. Thời gian vào rừng kéo dài từ 3-5 ngày, có khi ở đến hơn cả tuần để săn lùng món lộc trời mà thiên nhiên ưu đãi.
Để thu được những lít mật ong nguyên chất từ rừng già, nhóm thợ phải trải qua rất nhiều công đoạn vất vả, nguy hiểm như xác định phương hướng bay của ong sau đó tìm nơi trú ngụ của chúng, lấy tổ ong, vắt mật…
Anh Vàng A Khua (sống tại bản Tá Bạ 1, tỉnh Lai Châu) đã có nhiều năm kinh nghiệm trong việc thu hoạch mật ong rừng. Anh cho biết để tìm được nơi ong làm tổ, anh và các đồng đội thường di chuyển dọc theo các con suối để quan sát đàn ong xuống lấy nước. Sau đó, nhìn hướng di chuyển của chúng để dự đoán nơi xây tổ.
“Những con ong già thường rất khôn ngoan, chúng bay vòng vèo để đánh lạc hướng, còn con ong non sẽ bay thẳng về tổ nên sẽ dễ tìm hơn. Khi phát hiện tổ ong, chúng tôi sẽ nhìn vào cách ong bám vào tổ để biết thời gian lấy mật, sao cho không để mật quá già hoặc quá non” - anh Khua chia sẻ.
Để vào rừng “săn vàng”, anh Khua chuẩn bị xô nhựa, một vài túi nylon, dao và bật lửa. Tuỳ theo thời gian vào rừng của nhóm thợ mà anh Khua sẽ đưa ra quyết định vắt mật ngay tại chỗ hoặc mang về nhà để sơ chế, tạo thành phẩm.
Trong hành trình săn mật ong rừng, anh Khua cho biết rất nhiều hiểm nguy rình rập xung quanh, có thể là thú dữ, bị ong đốt hoặc chỉ cần sơ ý, chủ quan cũng có thể trả giá bằng tính mạng. Đã có không ít nhóm thợ săn mật ong rừng do trong quá trình leo trèo khai thác mật, bị ong đốt rơi từ những ngọn cây cao xuống đất. Có trường hợp rơi xuống bị gãy tay, chân, nặng hơn là bị liệt các chi.
Anh Khua bộc bạch: “Nếu gặp trường hợp bị tổ ong dữ đốt cũng phải hết sức bình tĩnh chịu đựng đau đớn để xử lý chứ nhất định không được buông tay từ bỏ. Nhiều lần tôi gặp tổ ong dữ bị đốt sưng mặt, sưng tay, đau ê ẩm hết người, phải đến gần 1 tuần mới khỏi. Thế nhưng, vì miếng cơm manh áo của gia đình và lo cho các con ăn học nên tôi phải dấn thân vào nghề săn mật ong rừng này kiếm nguồn thu nhập trang trải cuộc sống”.
Đa phần loài ong làm tổ trong rừng có giá trị cao, thu được nhiều mật như: ong khoái, ong vò vẽ, ong vang, ong bắp cày… dù làm tổ trên ngọn cây hay cheo veo giữa vách đá cũng có thể trở thành đặc sản, giá trị kinh tế cực cao.
Tương tự với anh Khua, anh Trịnh Văn Nam (sống ở Phú Thọ) từng trong rừng cả tháng để thu hoạch mật ong khoái - loài ong hung dữ và làm tổ ở nơi hiểm trở.
Anh Nam chia sẻ về nghề nghiệp giúp bản thân mưu sinh trong nhiều năm qua: “Nhiều khi chúng tôi đi cả tuần trời, ở luôn trong rừng để kiếm ong. Gạo mang đi cho vào ống nứa rồi nấu, lặn suối bắt cá làm thức ăn. Vất vả là thế nhưng tôi thấy những trải nghiệm thú vị này ít công việc nào có được”.
Dù nghề này rất vất vả nhưng nhiều người vẫn lao vào vì kế sinh nhai. Để theo đuổi nghề thu hoạch mật ong rừng không chỉ là sức khoẻ tốt, có khả năng leo trèo, sinh tồn trong rừng mà còn phải có bản lĩnh và sự gan dạ.
Cũng như các nhóm thợ khác, anh Nam cùng phải cần sự trợ giúp từ 3-5 đồng đội trong mỗi chuyến đi. Bởi lẽ, với loài ong nguy hiểm sở hữu chiếc ngòi dài 3mm có thể xuyên qua quần áo để đốt người thì cần phải có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cộng sự.
Khi thu hoạch, anh Nam sẽ khoác lên người bộ quần áo bảo hộ chắc chắn để đảm bảo sự an toàn. Một chiếc thang dây là vật dụng không thể thiếu để trèo lên vách núi. Một người sẽ đảm nhận nhiệm vụ tạo khói, dụ ong bay ra khỏi tổ, người còn lại làm ròng rọc vận chuyển thùng đựng mật và sáp ong từ vách đá xuống đất.
Anh Nam cho biết, nếu bán cả tổ ong có thể dao động từ 250.000 - 350.000 đồng/kg. Nếu vắt mật bán, mỗi lít mật sẽ được từ 500.000 - 550.000đồng/lít. Trung bình mỗi người thợ khi đi rừng trong một tuần có thể kiếm từ 4-7 triệu đồng. Nếu chăm chỉ bám rừng cả tháng thì thu nhập có thể lên đến 20-25 triệu đồng.
Tuy nhiên, ngày nay việc thu hoạch mật ong cũng cần đảm bảo tính an toàn và sự đa dạng sinh học cho khu rừng. Trước đây, một số người dân khi đốt lửa tạo khói dụ ong ra khỏi tổ, có khi bất cẩn làm cháy khu rừng. Vì thế, nhiều người dân địa phương luôn nghiêm túc thực hiện công việc phòng chống cháy rừng.
Ngoài ra, khi thực hiện công đoạn lấy mật, lấy sáp ong, người thợ hạn chế để ong mất. Bởi lẽ, nếu loài động vật chăm chỉ nhất thế giới này không còn tồn tại thì con người mất đi nguồn dược liệu cực quý từ thiên nhiên và không kiếm được thu nhập nhờ công việc này.