Loại cỏ phơi khô, pha nước trà uống tốt cho sức khỏe
Cỏ ngọt còn có tên gọi khác là cỏ đường, cỏ mật… được trồng nhiều ở một số tỉnh phía Bắc nước ta. Đây là loại cây được sử dụng như một loại trà, nấu nước uống, thêm vào các món ăn để tạo vị ngọt tự nhiên và được sử dụng trong ngành công nghiệp chế biến thực phẩm. Giá bán mỗi kg cỏ ngọt phơi khô khoảng từ 150.000 đồng đến 200.000 đồng/kg.
Theo Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM), trong cỏ ngọt có chứa nhiều protein, chất béo, carbohydrate và nhiều steviol. Đặc biệt, chất steviol trong loại cỏ này có vị ngọt cao gấp 300 lần đường, nhưng nó không chứa năng lượng. Vì vậy, trong Đông y, cỏ ngọt kết hợp với các dược liệu khác tạo thành các bài thuốc trị huyết áp, tiểu đường, chảy máu răng, tiểu tiện không thông…
Cây cỏ ngọt. Ảnh minh họa.
ThS.BS Đặng Ngọc Hùng, Giám đốc Viện nghiên cứu và Tư vấn dinh dưỡng (TP.HCM) cũng cho rằng, cỏ ngọt là một loại thực phẩm có nhiều lợi ích với người mắc bệnh tiểu đường hoặc đang ăn kiêng để giảm cân. “Chất ngọt steviol có trong cỏ ngọt là chất ngọt tự nhiên, không thuộc nhóm đường và cũng không tạo ra năng lượng. Vì điều này, người mắc tiểu đường hay đang có nhu cầu giảm cân, thường xuyên sử dụng cỏ ngọt dưới dạng trà, nấu nước uống hoặc làm gia vị trong các món ăn… có thể thỏa mãn về vị giác mà không lo gây hại sức khỏe”, bác sĩ Hùng chia sẻ.
Cỏ ngọt cũng đã được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) công nhận là an toàn và được dùng rộng rãi trong ngành công nghiệp thực phẩm thay cho đường hóa học. Những tác dụng tốt cho sức khỏe của cỏ ngọt có thể kể đến như sau:
Phòng ngừa tăng huyết áp
Các nhà khoa học về Y học đã có nghiên cứu dưới sự tác động của steviol tiêm vào tĩnh mạch ở chuột tăng huyết áp tự phát. Kết quả nhận về cho thấy, nó có tác dụng hạ huyết áp trên cả huyết áp tâm trương và huyết áp tâm thu. Điều này còn dựa trên liều lượng tiêm tĩnh mạch là 50, 100 hay 200mg/kg. Tác dụng hạ huyết áp có thể kéo dài đến 60 phút với liều 200 mg/kg.
Trà cỏ ngọt. Ảnh minh họa.
Bên cạnh đó, một số glycoside khác có trong cỏ đường còn có lợi ích làm giãn mạch, tăng chức năng tiểu tiện. Đồng thời tạo điều kiện thải natri ra bên ngoài cơ thể, giảm huyết áp và bảo vệ tim mạch.
Hỗ trợ người bệnh tiểu đường
Tác dụng tích cực tiếp theo của cỏ ngọt là hỗ trợ kiểm soát lượng đường huyết của người tiểu đường type 2. Một số nghiên cứu chỉ ra, lượng tiêu thụ chất tạo ngọt có trong cỏ đường giúp lượng đường và hemoglobin A1C (đường máu trung bình trong 3 tháng) giảm đáng kể so với tiêu thụ tinh bột.
Tốt cho phụ nữ mang thai
Trong thành phần dinh dưỡng của cỏ ngọt có chứa hợp chất glycoside steviol đã được nghiên cứu là không ảnh hưởng đến lượng đường trong máu và khả năng sinh sản của phụ nữ mang thai. Vì sự an toàn của cả mẹ và con, bà bầu nên chọn thực phẩm chứa glycoside steviol đã được FDA công nhận và dùng liều lượng phù hợp.
Phòng ngừa ung thư vú
Một thí nghiệm về cỏ ngọt để xác định stevioside (hợp chất có trong cây cỏ ngọt) để xem có hoạt tính chống ung thư không do Khoa Sinh học Phân tử và Công nghệ Sinh học, Đại học Kalyani, Ấn Độ thực hiện. Bên cạnh đó, độc tính tế bào, cảm ứng apoptosis và con đường hoạt động giả định đều được nghiên cứu kỹ lưỡng trong tế bào ung thư vú. Kết quả đã cho thấy stevioside là hợp chất cảm ứng mạnh với việc chết rụng tế bào ung thư. Đây cũng là một tín hiệu tích cực đầy hứa hẹn với phiên mã trong tương lai.
Cỏ ngọt phơi khô, tán bột sử dụng trong ngành chế biến thực phẩm. Ảnh minh họa.
Những lưu ý khi sử dụng cỏ ngọt
Bên cạnh các lợi ích tốt cho sức khỏe, cỏ ngọt cũng có các tác dụng phụ sau:
- Người sử dụng sẽ có cảm giác bụng đầy hơi, chóng mặt, buồn nôn, đau cơ, tê tay, tê chân… khi sử dụng cỏ ngọt.
- Những người có tiền sử hay dễ dị ứng với phấn hoa như các loại hoa cúc thì không nên sử dụng cỏ ngọt.
- Người dùng sẽ bị hạ huyết áp và hạ đường huyết đột ngột nếu sử dụng liều lượng cỏ ngọt quá cao, hoặc sử dụng không đúng. Vì vậy, tốt nhất, một người trưởng thành chỉ nên sử dụng cỏ ngọt 4mg/kg/người/ngày.