Bác sĩ Lê Thị Kim Dung, chuyên gia sản phụ khoa (nguyên bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội) cho biết, hiện nay rất nhiều phụ nữ đang chăm sóc âm đạo một cách thái quá, có nghĩa là chăm chút, thụt rửa một cách quá tỉ mỉ, dẫn tới những hệ lụy nguy hiểm.
Bác sĩ Dung đã từng gặp trường hợp chị em bị viêm nhiễm ngược dòng, hay phía ngoài âm đạo khô khốc chỉ vì sai lầm khi chăm sóc vùng kín. Trong đó, thói quen thường gặp nhất đó là thụt rửa âm đạo. “Chị em ai cũng muốn vùng kín phải sạch sẽ, thơm tho từ trong ra ngoài, muốn được như vậy họ sẵn sàng thụt rửa "cô bé". Việc làm này tưởng rất sạch sẽ, nhưng nó vô tình làm cho tình trạng viêm nhiễm, tổn thương âm đạo nặng nề hơn”, bác sĩ Dung cảnh báo.
Bác sĩ Dung lấy ví dụ về một nữ bệnh nhân tên T.D (32 tuổi, ở Hà Nội), sinh con đầu lòng năm 27 tuổi, đến năm 30 tuổi muốn sinh con thứ hai nhưng mãi không có tin vui. Trong khoảng thời gian này, chị D thi thoảng lại bị viêm nhiễm âm đạo, dù quan hệ tình dục an toàn và chung thủy. Mỗi lần viêm chị đều vệ sinh cẩn thận, dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, nhưng chỉ một thời gian lại viêm trở lại.
Nhiều chị em bị viêm nhiễm vùng kín, thậm chí hiếm muộn vì sai lầm khi chăm sóc vùng kín. Ảnh minh họa.
Lần này, khi tình trạng viêm nặng hơn, chị đã tìm đến bác sĩ Lê Thị Kim Dung thăm khám, được bác sĩ chẩn đoán bị viêm vòi trứng. Khai thác tiền sử, chị D chia sẻ, do sợ bị viêm nhiễm nên chị thường xuyên thụt rửa vùng kín, không ngờ đây lại là nguyên nhân gây bệnh. Bác sĩ Dung tư vấn, chính thói quen này gây viêm kéo dài, từ đó dẫn tới khó có con, thậm chí còn đối mặt với nguy cơ bị vô sinh thứ phát.
Với trường hợp này, trước hết phải điều trị viêm nhiễm, sau đó thay đổi thói quen vệ sinh vùng kín và thực hiện chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh. Sau 6 tháng vẫn không có tin vui, hai vợ chồng cần đi khám hiếm muộn để có sự can thiệp nếu cần.
Theo bác sĩ Dung, thụt rửa khác hoàn toàn so với rửa bên ngoài âm đạo khi tắm. Rửa ngoài âm đạo bằng nước sạch hay nước ấm sẽ không gây hại cho “cô bé”, nhưng thụt rửa có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe khác.
Theo đó, thụt rửa âm đạo sẽ làm mất cân bằng của hệ vi khuẩn và độ a xít tự nhiên trong “cô bé”, chúng có thể gây ra sự phát triển quá mức của vi khuẩn có hại. Điều này có thể dẫn đến nhiễm trùng nấm men hoặc viêm âm đạo do vi khuẩn.
“Có một điều rất thường gặp ở chị em, đó là càng bị viêm nhiễm lại càng muốn thụt rửa vì nghĩ như vậy sẽ sạch và nhanh khỏi bệnh. Tuy nhiên, việc làm này có thể đẩy vi khuẩn vào sâu bên trong, gây nhiễm trùng lên tử cung, ống dẫn trứng và buồng trứng, điều này càng làm trầm trọng hơn tình trạng bệnh”, bác sĩ Dung cho hay.
Bác sĩ Kim Dung cảnh báo, việc chị em tỉ mỉ chăm sóc vùng kín nhưng làm sai cách rất nguy hiểm. Ảnh: Lê Phương.
Bác sĩ Lê Thị Kim Dung tư vấn một số biện pháp chăm sóc vùng kín như sau:
- Rửa bên ngoài âm đạo bằng nước ấm khi tắm hoặc cũng có thể sử dụng xà phòng không hương liệu và ít chất tạo bọt. Trường hợp có làn da nhạy cảm hoặc bất kỳ nhiễm trùng âm đạo nào hiện tại, ngay cả xà phòng nhẹ cũng có thể gây khô, kích ứng và không nên sử dụng.
- Kể cả rửa phần phụ phía ngoài cũng không nên thực hiện quá thường xuyên, không cần thiết cứ đi vệ sinh xong là phải rửa, chỉ nên rửa khi tắm hàng ngày. Khi rửa không kì cọ chà xát quá mạnh và kỹ, các việc kì cọ chà xát vào “cô bé” đều để lại hậu quả kích ứng, thậm chí có những trường hợp gây phì đại cô bé.
- Tránh dùng tampon, băng vệ sinh, bột và thuốc xịt có mùi thơm. Những sản phẩm này có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng âm đạo.
- Khi dùng dung dịch vệ sinh cần lưu ý đến độ pH của dung dịch. Thông thường pH của tất cả âm đạo nói chung và của cơ quan bên ngoài âm đạo nói riêng chỉ từ 3,5 cho đến 5. Vì vậy, nên chọn các loại dung dịch vệ sinh có độ pH bằng hoặc thấp hơn ngưỡng trên. Việc chọn dung dịch vệ sinh có độ pH thấp sẽ giúp tạo môi trường thuận lợi để bảo vệ “cô bé” và chống lại vi khuẩn.
- Tuyệt đối không thụt rửa âm đạo, nhất là việc dùng vòi xịt trong nhà vệ sinh để xịt rửa “cô bé”, vì vòi xịt rất mạnh nó càng khiến các cặn bẩn bị đẩy sâu vào bên trong, gây nên viêm nhiễm nặng nề.