Gặp gỡ nữ thợ xăm từng "gây bão" MXH: Bị mẹ ruột giận suốt 4 năm, giờ thu nhập sánh ngang chủ doanh nghiệp nhỏ

Google News

Cách đây 8 năm, Phạm Mai (SN 1990, quê Hưng Yên) bỗng dưng trở thành người nổi tiếng bất đắc dĩ nhờ một bức ảnh. Đó là khoảnh khắc chị bước đi giữa phố lồng đèn, phía sau là người lớn tuổi đang “bĩu môi” trước nhiều hình xăm trên cơ thể chị.

Sau đó Phạm Mai bày tỏ thái độ dứt khoát: “Sự dè bỉu chỉ là thứ đi sau lưng tôi, sau các hình xăm của tôi”. Song chị vẫn không thể tránh khỏi làn sóng “ném đá”, tẩy chay… từ dư luận bởi thời điểm đó xã hội chưa có cái nhìn tích cực về nghề xăm cũng như người có hình xăm.

Một ngày giữa tháng 8, chúng tôi liên hệ với Phạm Mai, mong muốn có một buổi trò chuyện để hiểu hơn về nghề xăm, về đặc thù công việc, có gì khác so với các ngành nghề khác… 

- Chào Phạm Mai! Chị có thể chia sẻ cơ duyên với nghề xăm hình của chị đến như thế nào? 

Một số người sẽ nhận ra tôi chính là cô gái “nổi tiếng” theo hướng không mấy tích cực vào mùa Trung thu năm 2015. Song ít người biết rõ lý do tôi đến với nghề xăm, khó khăn phải trải qua khi quyết định gắn bó với công việc này.

Mười mấy năm trước, tôi làm nghề thiết kế váy dạ hội, tối ngày ở cửa hàng hoặc chạy deadline lên thành phẩm cho từng chiếc đầm. Tôi không có nhiều cơ hội được đi chơi, cà phê tám chuyện cùng bạn bè. Tôi muốn đi đâu phải sắp xếp lịch trước cả tháng. 

Có đợt tôi nghỉ làm vài ngày đi chơi cùng những người bạn thợ xăm. Tôi chợt nhận thấy công việc của họ rất tự do, được đi đây đi đó, không bị gò bó hoặc kìm chân một chỗ. Đặc biệt họ vừa đi chơi vừa kiếm được tiền nên thấy ham. Tôi liền quyết định chuyển qua nghề này giống bạn bè, thế là bén duyên với mực – bút và những hình xăm.

- Ở thời điểm ấy, nghề xăm chưa phát triển như bây giờ, vẫn còn rất nhiều định kiến, bạn bè và gia đình của Phạm Mai phản ứng ra sao trước quyết định của chị?

Bạn bè của tôi chơi từ nhỏ đến lớn, không liên quan đến nghề xăm khi ấy đã nhìn tôi với ánh mắt hơi kỳ, thậm chí các mối quan hệ với người bên ngoài nghề cứ ít dần… ít dần. Còn gia đình không chấp nhận tôi xăm trên người chứ nói gì đến chuyện theo nghề xăm. Song tôi tự lập từ lâu, gia đình không thể ngăn cản ước mơ đó!

Mẹ đã giận tôi suốt 4-5 năm mới bình thường trở lại. Mẹ thấy tôi xăm nhiều hình trên người liền kêu đừng về quê nữa. Tôi đâu có làm được điều đó vì con tôi ở cùng bà ngoại, tôi về để thăm nom.

Mỗi lần tôi về quê, mẹ cấm không được ra khỏi cổng. Tôi cần mua gì sẽ nhắn mẹ mua giùm. 3 năm sau, tôi được truyền thông đưa tin nhiều dưới góc độ “người phụ nữ Việt tiên phong trong nghề xăm” mẹ mới đồng ý cho ra khỏi nhà gặp bạn bè, đi dạo mỗi lần về quê.

- Khi ấy không có nhiều thầy dạy nghề xăm, Phạm Mai đã học tập, rèn luyện ra sao để có thể “ra nghề”?

Tôi học xăm thông qua một người thầy. Sau đó tôi kiếm mẫu xăm để thực hành, nâng cao tay nghề hơn nữa.

Xưa nghề xăm chưa phổ biến như bây giờ nhưng người thích xăm nhiều lắm! Bạn bè, người quen biết tôi làm nghề là sẵn sàng giao da thịt của họ cho mình vẽ vời, sáng tạo… Sau đó tôi bắt đầu kiếm được những đồng tiền đầu tiên từ công việc này.

- Phạm Mai có gặp khó khăn gì khi vào nghề không?

Có chứ! Tôi kiếm mẫu xăm dễ, có được đồng tiền nhưng chưa đủ sống giữa thành phố phồn hoa này. Tôi lại tự mở tiệm xăm cho riêng mình nên chật vật vô cùng.

Tôi nhớ 3 năm đầu tiên khó khăn, khách chủ yếu do bạn bè giới thiệu. Sau đó hết mối, tôi đành phải kiếm khách ở các luồng khác, sử dụng vốn marketing tự có, tìm hiểu mạng xã hội để quảng cáo hấp dẫn khách hàng…

Sau 3 năm, tôi bắt đầu có lượng khách quen. Họ thấy tôi tay nghề tốt liền giới thiệu bạn bè, người quen. Lúc đó tôi mới bắt đầu có “đất sống” trong nghề này.

- Trong hơn chục năm làm nghề, Phạm Mai hẳn tiếp xúc với nhiều kiểu khách hàng cùng vô vàn câu chuyện phía sau. Có vị khách nào đặc biệt để lại dấu ấn trong tâm trí của chị hay không?

Thợ xăm và khách hàng không chỉ đơn giản là mối quan hệ giữa thợ và khách. Tôi thấy chúng tôi – người làm nghề giống như người bạn tri kỷ của khách, lắng nghe tâm sự, giúp họ vơi đi nỗi lòng. Bởi thực tế không phải ai thích là xăm, hầu hết mỗi hình đều gắn liền với câu chuyện ngoài đời thường mà họ không thể giãi bày với bạn bè, người thân.

Tôi nhớ mãi câu chuyện cách đây vài năm. Đó là một người mẹ, bà ngoại dắt bé trai 3 tuổi đến tiệm xăm nhờ tôi chấm mực lớn phía sau tai. Họ nói làm vậy để sau này gửi bé đi đâu gia đình cũng có thể tìm được, không bị thất lạc. Tôi nghe vậy liền làm theo yêu cầu, không dám hỏi nhiều vì đó là quyền riêng tư của họ.

Tôi thực sự xúc động, không biết vì lý do gì mà người mẹ phải xa con, bà ngoại không thể giữ cháu. Có lẽ họ có nỗi thống khổ không ai hiểu.

- Hiện rất nhiều bạn trẻ theo nghề xăm, xỏ khuyên… bởi họ cho rằng công việc đó không phải ngồi làm 8 tiếng, được sáng tạo, cũng không áp lực như công việc công ty mà thu nhập lại cao. Phạm Mai nghĩ sao về điều đó?

Đúng là thợ xăm không ngồi làm 8 tiếng thật (cười), thường phải ngồi 10-15 tiếng/ngày, thậm chí có hôm phải ngồi suốt 20 tiếng đồng hồ nếu mật độ khách đông. Nếu không có khách, thợ sẽ được ngồi chơi, tự do mua sắm online… có khách là trở nên gò bó, đau thắt lưng, vai gáy.

Còn chuyện có áp lực hay không, tôi nghĩ rằng bất cứ công việc nào cũng cần phải có áp lực và nghề xăm cũng vậy! Tôi có gặp áp lực từ khách hàng, gia đình và trong chính nghề nghiệp như tham gia các cuộc thi để chứng tỏ năng lực bản thân.

Ví dụ tôi thấy thợ khác giỏi hơn sẽ áp lực để tự hoàn thiện chính mình. Khi đó tôi mới có thể cạnh tranh cả về nghề lẫn dịch vụ. Tôi rất sợ thụt lùi vì như thế sẽ mất vị thế trên thị trường.

Về chuyện thu nhập cao, thực sự người làm xăm chuyên nghiệp sẽ không để ý mức lương như ngành nghề khác. Họ thường quan tâm đến khách hàng trong ngày vì chỉ khi có lượng khách ổn định thì thu nhập mới cao. Hiện tại thu nhập của tiệm tôi gần giống như một doanh nghiệp nhỏ, đương nhiên không phải con số vài tỷ (cười).

- Phạm Mai dự định tương lai ra sao, có phát triển và mở rộng quy mô kinh doanh các lĩnh vực liên quan đến nghề xăm?

Ai làm nghề cũng muốn phát triển đam mê đến đỉnh nào đó. Nghề xăm có rất nhiều “đỉnh” như xăm đẹp; mở chuỗi tiệm để phát triển thương hiệu; buôn bán sản phẩm liên quan đến xăm phục vụ thợ xăm trẻ, giới xăm hình; tổ chức lễ hội xăm bán vé;… Hiện tại tôi tập trung phát triển thương thiệu của 3 tiệm xăm trong và ngoài nước.

Cảm ơn chị đã dành thời gian chia sẻ. Chúc Phạm Mai thành công hơn nữa với nghề xăm! 

NGỌC HÀ

Bình luận(0)