Theo trang Tin tức Y khoa Ngày nay, các nhà nghiên cứu tại Đại học George, Mỹ đang phát triển một kỹ thuật điều trị sử dụng các hạt nano để tạo ra các tế bào miễn dịch có khả năng phát hiện và tấn công ung thư. Kết quả này được công bố trên trang ACS Nano.
Cơ thể con người hoạt động trong tình trạng thiết quân luật. Đứng đầu các cơ quan thực thi nhiệm vụ duy trì trật tự là hệ thống miễn dịch, một mạng lưới phức tạp tìm kiếm và tiêu diệt các loại vi khuẩn và virus xâm nhập.
Hệ thống miễn dịch làm khá tốt công việc của mình nhưng không phải lúc nào cũng hoàn hảo. Chẳng hạn, hệ thống miễn dịch có thể không phát hiện được tế bào ung thư vì chúng rất giống tế bào bình thường. Khi đó, tế bào ung thư sẽ sinh sôi nảy nở và phát triển thành khối u đe dọa tính mạng con người.
Shanta Dhar, giáo sư hóa học tại Đại học Khoa học và Nghệ thuật Franklin UGA, thuộc Đại học Georgia cho biết bà và các đồng nghiệp đã nghiên cứu cách tăng cường hệ thống miễn dịch để chống lại tế bào ung thư bằng việc sử dụng các hạt nano ty thể.
Dhar cho biết. “Nghiên cứu của chúng tôi lần đầu tiên cho thấy rằng chúng tôi có thể kích thích hệ miễn dịch chống lại các tế bào ung thư vú bằng cách sử dụng những hạt nano và ánh sáng nhắm đến các ty thể”.
Trong các thí nghiệm của mình, Dhar và các đồng nghiệp đã cho các tế bào ung thư tiếp xúc với những hạt nano được thiết kế đặc biệt, mỏng hơn sợi tóc 1.000 lần. Những hạt nano này xâm lấn tế bào ung thư và xâm nhập vào ty thể - cơ quan tế bào chịu trách nhiệm tạo ra năng lượng mà tế bào cần để phát triển và sao chép.
Sau đó, họ kích hoạt các hạt nano này bên trong tế bào ung thư bằng cách cho chúng tiếp xúc với ánh sáng laser bước sóng dài xuyên qua mô. Khi được kích hoạt, các hạt nano này ngăn chặn các quá trình bình thường của tế bào ung thư, thậm chí dẫn đến hoại tử.
Các tế bào ung thư hoại tử được thu thập và tiếp xúc với các tế bào đuôi gai, một trong những thành phần cốt lõi của hệ thống miễn dịch của con người.
Sean Marrache, một thành viên trong nhóm nghiên cứu cho biết. “Bằng cách cho hạt nano nhắm đến ty thể của tế bào ung thư vào cho tế bào đuôi gai tiếp xúc với những tế bào ung thư đã được kích hoạt này, chúng tôi nhận thấy rằng các tế bào đuôi gai đã tạo ra mật độ tín hiệu hóa học cao mà bình thường chúng không tạo ra được, và những tín hiệu này rất cần thiết cho việc kích thích miễn dịch hiệu quả”.
Nếu quá trình này đã trở thành phương pháp điều trị, các bác sĩ có thể làm sinh thiết khối u của bệnh nhân và diệt các tế bào ung thư bằng các hạt nano. Sau đó, họ có thể tạo ra những tế bào hình cây được kích hoạt ở số lượng lớn trong phòng thí nghiệm ở những điều kiện kiểm soát trước khi các tế bào này được tiêm vào bệnh nhân.
Khi vào máu, các tế bào mới được kích hoạt này sẽ cảnh báo cho hệ miễn dịch về sự hiện diện của bệnh ung thư và tiêu diệt nó.
Giáo sư Shanta Dha lưu ý rằng đây mới chỉ là các nghiên cứu bước đầu, và hiện mới cho kết quả tốt ở ở một vài dạng ung thư vú. Tuy nhiên, nếu được nghiên cứu thêm, có thể sử dụng những kỹ thuật tương tự để chống lại những dạng ung thư khác.