Thủ tướng đã đồng ý chủ trương kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động Kiểm lâm và thành lập Cảnh sát Lâm nghiệp.
Bộ Công an được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Đề án thành lập Cảnh sát Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ hoàn thiện "Đề án Kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động Kiểm lâm giai đoạn 2014 - 2020", báo cáo Thủ tướng quyết định.
|
Ảnh minh họa.
|
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc xây dựng Đề án này xuất phát từ thực tế việc bảo vệ, phát triển rừng chưa đạt hiệu quả, lực lượng kiểm lâm đang bộc lộ những vấn đề về mặt tổ chức và quản lý. Tổ chức ngành Lâm nghiệp và lực lượng Kiểm lâm thiếu thống nhất; ở địa phương, bộ máy cồng kềnh, kém hiệu lực. Năng lực tham gia tố tụng hình sự, đấu tranh với “lâm tặc” của Kiểm lâm còn hạn chế, số vụ vi phạm bị khởi tố chỉ chiếm 1% và đa số không xét xử thành công, phải chuyển về xử lý hành chính hoặc chấm dứt vụ án.
Biên chế, chế độ, chính sách, thẩm quyền của lực lượng Kiểm lâm cũng được đánh giá là chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao. Theo định mức, biên chế lực lượng này trên toàn quốc cần có trên 15.000 người, trong khi hiện nay chỉ có khoảng 11.800 người. Cơ sở vật chất, phương tiện và trang thiết bị đầu tư cho Kiểm lâm còn hạn chế và lạc hậu, làm giảm hiệu quả thi hành công vụ.
Sau khi thành lập, Cảnh sát Lâm nghiệp sẽ là lực lượng chuyên trách của Nhà nước thực hiện chức năng thừa hành pháp luật trong điều tra, xử lý tội phạm về lĩnh vực bảo vệ, phát triển rừng. Bộ Công an sẽ cùng các bộ liên quan xây dựng, đề xuất cơ cấu tổ chức lực lượng cảnh sát lâm nghiệp tương tự như cảnh sát môi trường.