“Thánh địa” bói toán, chữa bệnh bằng nước giữa TP Pleiku (kỳ 2)

Google News

(Kiến Thức) - Phần lớn những người đến coi bói hôm đó không ai hiểu gì cô Đồng Quyến nói nhưng vẫn gật đầu, ra ý mình có hiểu.

Đưa Bác Hồ vào chuyện mê tín
Không có sẵn tờ 100.000 đồng, tôi phải chạy ra ngoài quán tạp hóa cách đó vài trăm mét đổi tiền. Khi vào thì Chánh điện của cô Đồng Quyến nghi nghút hương khói, hơn chục người đã ngồi dưới tấm thảm ở chính giữa Chánh điện chờ cô hành lễ xong là hỏi về vận mệnh, tương lai, cách giải hạn, chữa bệnh cho gia đình.
Cô Đồng Quyến khấn vái với nội dung ca ngợi công lao to lớn của “cha mẹ”, đức phật và không quên xin “ơn trên” ban cho cô sức mạnh tinh thông mọi chuyện trên trời dưới đất để ra tay cứu rỗi nhân loại.
 Nơi hành lễ của cô Đồng Quyến rộng gần 100 m2
Tòa Chánh điện của gia đình cô Đồng Quyến rộng gần 100m2 được làm toàn bằng gỗ đen bóng hướng nhìn thẳng ra đường. Chánh điện có hai lối ra vào, cửa chính giữa bị chặn lại bằng một bàn gỗ đặt trên là hình hai con rồng nguyên khối, miệng ngậm ngà voi (có thể là ngà giả). Phía sau chiếc bàn là giá đặt các loại vũ khí như long đao, xà mâu… mà người ta thường thấy trong các phim kiếm hiệp Trung Quốc. Phía trước là những tượng gỗ uy nghi nhưng thể hiện gương mặt từ bi của đức phật và đôi lục bình bằng gỗ to lớn án ngữ cửa ra vào.
Đáng chú ý, cô Đồng Quyến không chỉ thờ tượng phật cùng nhiều hình thù kỳ lạ mà còn thờ cả tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tượng Bác Hồ được mạ vàng, đặt ở phía phải Chánh điện hướng ra đường Lê Văn Tám, bao quanh là khung thủy tinh.
Phía trước tượng đặt một chồng bia, gồm hai loại, cao ngang tới ngực tượng Bác, bên cạnh là hai đĩa táo tàu và một đĩa quả dừa gọt vỏ. Điều khó hiểu là khi cúng vái tới tượng bác hồ, cô Đồng Quyến gần như dập khuôn y như lời cúng vái ở các bàn thờ khác. Cô gọi tượng bác là cha, lúc là thần, thánh, rồi khi lại gọi mẹ…
Anh linh của Bác Hồ bị cô Đồng Quyến lợi dụng
Trong lúc cô Đồng Quyến đang hành lễ thì người đàn ông giúp việc Thanh Đồng đi sát lại phía tôi chỉ tay, gật đầu ra hiệu. Hiểu ý, tôi đành rút tờ 100.000 đồng đưa cho người đàn ông này. Kế bên, một phụ nữ trạc 40 tuổi mới vào cũng rút tiền ra đưa cho đệ tử Thanh Đồng.
Về phía cô Đồng Quyến, sau khi kể ơn của “cha mẹ” theo lối cúng vái, cô chuyển sang hát ru. Có thể nói, cô Đồng Quyến không có thế mạnh về ngoại hình nhưng đáp lại cô có giọng hát ru khá hay. “À… ơi!... Mẹ là mẹ mẹ Thủy Tề vương, đến nay lướt sóng thiên đường về đây!...”. Kết thúc mỗi đoạn hát ru, cô suỵt suỵt đẩy khí ra từ trong cổ họng, phát ra những thanh âm như thể xua đuổi gà ở vùng quê Bắc Trung bộ.
Trong lúc hát ru, người đàn ông giúp việc cho cô Đồng Quyến đứng dậy lấy những đĩa hoa quả (táo tàu) trên bàn thờ chính diện xuống đặt trước mặt cô Đồng Quyến. Sau khi khua tay làm phép, cô lần lượt cầm từng quả ném về phía sau mỗi người 5 quả. Tiếp đó, là mỗi người nhận được 1 quả dừa tươi đã cắt gọt bỏ vỏ.
 Cô Đồng Quyến và đệ tử Thanh Đồng đang hành lễ
Bất chợt, cô Đồng Quyến chỉ tay cho một số người ở dưới hát hoặc ru một bài có nội dung ca ngợi mẹ, quê hương đất nước. Theo yêu cầu của cô Đồng Quyến, ai không hát được thì đọc thơ. Vậy là lần lượt, hai người đàn ông lớn tuổi nhất trong hơn chục người đang quỳ lạy dưới nền nhà nóng lòng chờ cô ra tay trông coi tương lai, hậu vận, vạch chỉ đường lối làm ăn thay nhau hát.
Gần 12h trưa thì phần lễ của cô Đồng Quyến kết thúc, lúc này mọi người lần lượt đặt ra những câu hỏi cho cô Quyến giải đáp. Theo cô Đồng Quyến, khi đến với cô mọi chuyện đều có thể được hóa giải, “khó đến đâu binh tướng của cha nhúng tay tới đó”. Vậy là những câu hỏi từ chuyện quá khứ đến thực tại rồi tương lai lần lượt được đặt ra.
"Chiêu" lên đồng bói toán của cô Đồng Quyến
Một phụ nữ trạc 50 tuổi nhà ở huyện Phú Thiện (Gia Lai) xin “cha mẹ” sang năm bán được thửa đất với giá cao. Một người ngồi phía dưới liền xì xào “đầu năm thì ai đi mua đất mà bán!...”. Nghe câu nói này, người phụ nữ vừa xin liền lên tiếng thì thào đáp lại “thì ít người mua mà cần bán đầu năm có việc gấp nên mới phải đi xin chứ!...”.
Cô Đồng Quyến nói chuyện với âm binh bằng tiếng "dân tộc thiểu số" nên không ai hiểu gì. Sau một hồi nói về binh tướng, hội đồng của cõi âm mà ai cũng ngơ ngác, cô phán hiện chưa qua năm cũ nên chưa thể xin cho năm mới bán đất được. Nếu thành tâm thì mấy ngày nữa lên đi lễ “cha mẹ” cuối năm rồi xin “cha mẹ”, giờ thì chưa được.
 Hơn chục người chờ đợi cô Đồng Quyến hành lễ xong để "xin lộc"
Lời cô Đồng Quyến vừa dứt, đệ tử Thanh Đồng quay lại phía người phụ nữ vừa “xin lộc” xoa xoa hai đầu ngón tai cái và ngón giữa ngụ ý ra hiệu phải có tiền đi lễ “cha mẹ” cho thành tâm mới xin được. Bỗng cô Quyến hát lớn: “Khóc nữa đi em khóc để rồi mai mỗi người một đường...”. Rồi cô Quyến nói về gia cảnh người phụ nữ này.
Theo cô Quyến, nguyên nhân khiến vợ chồng người phụ nữ vừa “xin lộc” âm dương cách biệt là không biết thờ cúng, không chịu đi xin “cha mẹ” chỉ cho cách giải hạn, soi đường, chỉ lối, giờ thì đã quá muộn. Rồi cô Quyến phân tích từng câu, từng chữ mà âm binh của cô báo về bằng tiếng "dân tộc thiểu số". Dường như để rõ hơn những lời cô Đồng Quyến nói người đàn ông giúp việc cho cô thỉnh thoảng lại phải cắt nghĩa thêm.
Tôi không hiểu cô Đồng Quyến và đệ tử Thanh Đồng đang nói gì. Và tôi biết phần lớn những người đến coi bói hôm đó cũng không ai hiểu nhưng họ vẫn gật đầu, ra ý mình có hiểu.
Cô Đồng Quyến cũng không quên cảnh báo: “Các con đến cửa trời hôm nay cha đã nắm sổ Nam Tào khi sinh, khi chết. Tức là cha dạy đừng bao giờ dính vào thiên, thánh và thần. Và đừng bao giờ người phàm đùa với thánh...”. Kết thúc câu thay cha trả lời người hỏi, cô Đồng Quyến kết luận người phụ nữ mất chồng này là “dốt”.
(Còn nữa)

Khắc Lịch

Bình luận(0)