Sáng 20/4, đoàn chúng tôi từ TP HCM đến vũng Chùa viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Mới hơn 9h mà nơi này đã nhộn nhịp vào ra những chuyến ô tô lớn, nhỏ mang biển kiểm soát của nhiều tỉnh, thành, ngành.
|
Trong 2 ngày nghỉ lễ vừa qua, có hơn 50.000 người tới viếng mộ Đại tướng. |
Xuống xe, cũng như bất cứ ai trải qua một hành trình dài, chúng tôi tìm chỗ đi vệ sinh. Đập vào mắt tôi là cảnh từng đoàn người tản ra khắp nơi ở khu vườn bạch đàn phía trước biển để kiếm lùm cây, bụi cỏ... Tôi thật sự bị dội. Giấy vệ sinh trắng xóa khắp nơi, mùi khai, thối nồng nặc bốc lên theo cái nắng hầm hập. Theo tấm biển chỉ dẫn, tôi đến một nơi được gọi là khu vệ sinh. Chỉ có mấy tấm bạt xanh quây tạm bợ quanh những cọc gỗ, không mái che, không cửa, không nước. Và tất nhiên trên nền cát trắng, cỏ xanh trắng xóa giấy vệ sinh, xộc mùi khai, thối.
Đã hơn sáu tháng kể từ ngày an táng Đại tướng tại vũng Chùa, khu mộ mỗi ngày có hàng ngàn người thăm viếng mà người ta chưa xây được một khu nhà vệ sinh - việc chỉ làm trong thời gian ngắn là xong. Thật buồn!
Chuyến về nguồn này trong đoàn chúng tôi có nhiều văn nghệ sĩ. Và ở nghĩa trang Độc Lập (Điện Biên), ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh), sau lễ dâng hương trang nghiêm, các văn nghệ sĩ trong đoàn lại hát, đọc thơ để tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sĩ. Việc làm ấy của đoàn được ban quản lý các nghĩa trang và nhân dân địa phương, những người đang cùng thăm viếng rất ủng hộ. Ai nấy đều xúc động và hòa theo câu hát, lời thơ. Thế nên đến mộ Đại tướng, đoàn cũng mong muốn thể hiện việc xúc động này. Thế nhưng khi xếp hàng cầm hương vừa đi lên mộ vừa khe khẽ hát thì chúng tôi ngay lập tức bị “hắt một gáo nước lạnh”, các chiến sĩ làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự ở khu mộ quát: “Không được hát!”. Họ yêu cầu chúng tôi nhanh chóng thắp hương rồi rời khu mộ. Đâu phải cứ đi viếng mộ thì phải ủ ê sầu não sụt sùi. Hát, đọc thơ để tưởng nhớ người đã khuất chứ đâu phải cười cợt vô tâm mà chúng tôi bị đối xử thiếu tế nhị, thiếu văn hóa như thế.