|
Ảnh minh họa. |
Vào giữa những năm 90 của thế kỷ trước, ông đại sứ của một nước tư bản phát triển, trước khi kết thúc nhiệm kỳ công tác ở nước ta, ông tâm sự “20, 30 năm trở lại đây, dân nước chúng tôi có giàu hơn, nhưng nhiều giá trị đạo đức bị suy giảm. Con người trước đây rất hào hiệp nhưng ngày nay họ không còn như vậy nữa... Ngày nay, ít người nghèo hơn khi tôi còn trẻ, nhưng nhìn chung người ta không hạnh phúc bằng thời trước”.
Nay, khi bình tĩnh nhìn lại một cách khách quan, thì điều tâm sự của ông đại sứ sống ở nước tư bản lại có phần phù hợp với suy nghĩ của những người tâm huyết với sự phát triển bền vững của đất nước, bởi lẽ khi phát triển kinh tế muốn bảo đảm sự bền vững thì phải quan tâm tới các mặt về đời sống xã hội, văn hóa và tinh thần của con người.
Do vậy, cùng với tăng cường phát triển kinh tế, phấn đấu đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại thì việc thực thi đồng bộ, có hiệu quả những chủ trương, chính sách về chăm lo phát triển văn hóa, để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội. Trong đó điều quan trọng là các cơ quan hữu quan cần có kế hoạch cụ thể trong việc giáo dục, bồi dưỡng đạo đức, lối sống có văn hóa, đồng thời khẩn trương đúc kết và xây dựng hệ giá trị chung của con người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH – HĐH và hội nhập quốc tế.
Cùng với đó là mỗi công dân, dù ở cương vị công tác nào, làm công việc gì cũng cần có trách nhiệm với cộng đồng, dám đấu tranh bảo vệ lẽ phải, có tình thương bao la và những khát vọng chính đáng để không ngừng vươn lên, tự hoàn thiện bản thân mình.