Tháng 8/2012, sau khi doanh nhân Nguyễn Đức Kiên bị bắt, thị trường tài chính, ngân hàng, chứng khoán và vàng đã có nhiều biến động kéo theo sau hai chữ “bầu Kiên”.
Chứng khoán lao dốc
Việc bầu Kiên, bị bắt vào tháng 8/2012, tiếp sau đó là một loạt lãnh đạo cấp cao của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) rơi vào vòng lao lý, đã khiến thị trường tài chính Việt Nam rung chuyển.
|
Ngay sau tin bầu Kiên bị bắt, ngày 21/8/2012, chứng khoán đỏ sàn,
trong vòng 3 tháng sau đó, thanh khoản thị trường chứng khoán giảm
chỉ bằng một nửa so với trước đó.
|
Ảnh hưởng đầu tiên sau tin bầu Kiên bị bắt, đó là thị trường chứng khoán trong nước liên tục đi xuống, trong vòng 3 tháng sau đó, thanh khoản thị trường giảm, chỉ bằng một nửa trước đó.
Ngày 21/8/2012, ngày bầu Kiên bị bắt, thị trường chứng khoán (TTCK) đã lao dốc một cách mạnh mẽ. VN-Index đóng cửa giảm hơn 20 điểm (-4,67%). Nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm sàn đồng loạt. Trong đó, ba cổ phiếu của ngân hàng liên quan đến Bầu Kiên là ACB, ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (mã: EIB) và ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (mã: STB) đều có dư bán sàn hàng triệu cổ phiếu. Trong 3 phiên giao dịch tiếp theo, TTCK đã bốc hơi gần 4 tỷ USD.
Trong ngày hôm 16/4, bầu Kiên và 8 bị can khác bắt đầu được đưa ra xét xử thì chỉ số cả hai sàn chứng khoán VN-Index và HNX-Index đều giảm mạnh, khi số mã giảm chiếm áp đảo. 10h, VN-Index mất 7,54 điểm, tương ứng 1,3%, xuống 578,55 điểm. HNX-Index giảm 1,1% xuống 83,41 điểm.
Theo nhận định của công ty Chứng khoán Bản Việt, một trong những nguyên nhân tác động trực tiếp đến sự lao dốc của thị trường chứng khoán ngày hôm nay đó là bắt đầu phiên tòa xét xử thành viên đồng sáng lập Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), ông Nguyễn Đức Kiên.
Ngân hàng lao đao
Bầu Kiên là doanh nhân có tầm ảnh hưởng rất lớn trong hệ thống ngân hàng thương mại, không chỉ nắm giữ cổ phiếu của ACB, bầu Kiên còn nắm giữ cổ phiếu của một số ngân hàng như Eximbank, Sacombank, VietBank, Kiên Long, Đại Á, Techcombank.
|
Bầu Kiên là cổ đông lớn và có tầm ảnh hưởng đối với rất nhiều ngân hàng. |
Bầu Kiên là cổ đông lớn của Ngân hàng ACB từ năm 1993, ông bầu này, cùng người thân sở hữu gần 938 triệu cổ phần, chiếm 9,03% vốn điều lệ, trong đó riêng ông là gần 3,8%. Tổng số cổ phiếu ACB mà gia đình ông Kiên nắm giữ, tính tới cuối 2010 đạt giá trị khoảng 2.000 tỷ đồng.
Vào 8/2012, bầu kiên và một số lãnh đạo của ACB bị bắt đã gây rúng động dư luận, ảnh hưởng lớn đến uy tín của ACB trên thị trường. Những quý sau đó, lợi nhuận của ACB sụt giảm mạnh.
Tính đến 30/6/2013, tổng tài sản của ACB tiếp tục giảm so với thời điểm 31/12/2012, còn 169,4 nghìn tỷ đồng so với 176,3 nghìn tỷ đồng.
Tính chung, trong quý 2/2013 lợi nhuận sau thuế theo báo cáo hợp nhất của ACB chỉ đạt hơn phân nửa so với cùng kỳ 2012, 409 tỷ đồng so với 773 tỷ đồng; lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 716 tỷ đồng trong khi 6 tháng đầu 2012 đạt hơn 1.607 tỷ đồng.
Sau hơn 1 năm bầu Kiên bị bắt, giá cổ phiếu nhóm ngân hàng đang hồi phục nhưng không nhiều, những hậu quả về nợ xấu cũng đang được xử lý qua quá trình tái cơ cấu, bên cạnh đó cũng còn nhiều những hệ lụy các ngân hàng dần khắc phục.
Giá vàng biến động thất thường
Ngay sau khi bầu Kiên bị bắt, thị trường vàng biến động, chênh lệch giá vàng Việt Nam và thế giới tăng chóng mặt cho dù Ngân hàng Nhà nước vẫn đủ lượng vàng để cung cấp ra thị trường.
Bầu Kiên bắt đầu kinh doanh vàng tài khoản từ năm 2008. Dưới bàn tay của ông Bầu này, giá vàng trong nước và thế giới đã có mức chênh lệch khá cao.
|
Trong một thời gian dài, Bầu Kiên đã làm lũng đoạn thị trường vàng. |
Bầu Kiên sử dụng pháp nhân của sáu công ty không có chức năng kinh doanh vàng, để tham gia vào thị trường vàng quốc tế (Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao kết luận tội kinh doanh trái phép). Cách thức kinh doanh là bán vàng trong nước, mua vàng tài khoản nước ngoài để bù đắp trạng thái.
Điều này chẳng khác nào nghiệp vụ bán khống, mà một trong những quy tắc của bán khống là mua lại càng nhanh càng tốt. Nhưng bầu Kiên đã không làm như vậy, có những đợt phải mấy tháng sau ông Bầu này mới mua lại vàng đã bán. Chưa kể người ta bán khống trong thị trường giá xuống, ngược lại doanh nhân này còn bán khống trong thị trường giá lên.
Cuối năm 2009, đầu năm 2010, bầu Kiên vay vàng trong nước (vàng huy động của các ngân hàng), và bán. Có ngày bán 20.000 lượng vàng ở mức giá 26 triệu đồng/lượng. Vay vàng lãi suất thấp, bán và lấy tiền đồng gửi lại ngân hàng hoặc cho vay lãi suất cao, chênh lệch tới ba lần/năm.
Sau khi bầu Kiên bị bắt, thị trường vàng cũng không còn tình trạng "lực lượng vô hình" mua vào và chênh lệch giá trong nước với quốc tế giảm xuống còn khá thấp.
2 CLB bóng đá giải tán
Sau khi bầu Kiên bị bắt vào tháng 8/2012, đến tháng 11/2012, CLB bóng đá Hà Nội (V-League) và CLB bóng đá trẻ Hà Nội (hạng nhất), tuyên bố không tham dự mùa giải 2013 và bị giải tán vì không có kinh phí duy trì hoạt động.
Cả hai câu lạc bộ bóng đá trên, đều thuộc Công ty Cổ phần thể thao ACB vốn nằm dưới sự điều hành của bầu Kiên.
|
Sau 3 tháng bầu Kiên bị bắt, 2 CLB bóng đá Hà Nội (V-League) và CLB bóng đá trẻ Hà Nội (hạng nhất), tuyên bố giải tán vì không có kinh phí duy trì hoạt động. |
Không chỉ sở hữu hai CLB bóng đá, bầu Kiên còn là thành viên, sáng lập viên Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), nhưng sau khi Bầu Kiên bị bắt vai trò và hoạt động của VPF cũng mờ nhạt dần dần.
Ngoài đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng, bầu Kiên còn đầu tư vào các lĩnh vực du lịch, may mặc, bất động sản... nắm giữ những ghế quan trọng tại Du lịch Chợ Lớn, Du lịch Thiên Minh sở hữu chuỗi khách sạn Victoria, Caltex, Liên doanh KFC Việt Nam...