Những cái “bẫy tử thần” rình rập ở trong rừng

Google News

Hàng trăm người dân ở các xã biên giới thuộc huyện Vị Xuyên (Hà Giang) bị mất chân, mất tay do vướng phải đạn pháo, bom mìn còn sót lại ở trong rừng.

Thôn Giang Nam, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên có hàng chục người bị cụt chân, cụt tay do giẫm phải bom mìn. Hôm chúng tôi đến nhà, anh Nông Văn Dũng vừa đi làm về. Anh đi cà nhắc với 1 chiếc chân giả, lết từng bước rất khó nhọc. Nói về cái chân phải của mình, anh Dũng tiếc nuối: “Phải mất nhiều thời gian, tôi mới trở lại trạng thái cân bằng như hôm nay”.
Sau tuần trà, anh Dũng dùng 2 tay để nâng và duỗi cái chân giả ra cho đỡ mỏi, rồi thủng thẳng kể về vụ tai nạn thảm khốc mà anh gặp phải. Nhà anh có ít ruộng, làm ăn khó khăn, anh Dũng rủ anh trai lên núi làm trang trại để chăn nuôi. Với bản tính chăm làm, chẳng mấy chốc đàn bò, đàn dê anh thả trên núi đã sinh sôi nảy nở. Mỗi năm, anh thu được vài chục triệu đồng. Việc làm ăn đang lên như diều gặp gió, bỗng anh gặp phải tai nạn khủng khiếp.
Nhung cai “bay tu than” rinh rap o trong rung
Anh Nông Văn Dũng đã bị mất một chân do vướng phải mìn.
“Trưa hôm đó, tôi lên núi lùa đàn dê về chuồng. Đàn dê đi trước, tôi đi sau. Bỗng dưng tôi thấy chân mình lạnh ngắt khi giẫm phải vật gì cứng như đá. Tôi chưa kịp định thần đã nghe thấy tiếng nổ chát chúa bên tai…”, anh Dũng chưa hết bàng hoàng khi nhắc lại chuyện này.
Ngất đi một lúc, khi tỉnh lại anh Dũng mới biết mình giẫm phải mìn, bàn chân phải nát bươm, bê bết máu, không thể bước đi được nữa. Nghe tiếng nổ và tiếng kêu cứu, bà con làm nương quanh đó đã kịp thời đưa anh đi cấp cứu. Anh thoát chết, nhưng chiếc chân phải đã bị cắt tới đầu gối. Mãi tới gần đây, anh Dũng mới có tiền mua cái chân giả để đi lại cho tiện.
Nhung cai “bay tu than” rinh rap o trong rung-Hinh-2
Những quả đạn mà bà con phát hiện ở bìa rừng.
Trước khi vào Đồn biên phòng Thanh Thủy, chúng tôi có đi qua nương ngô của bà con trong vùng. Vừa cất bước leo núi, bỗng có một người đứng từ trên núi hô to: “Dừng lại! Chết bây giờ”. Người phụ nữ vừa ngăn chúng tôi lại là bà Nguyễn Thị Ngò. Trước đây bà Ngò công tác ở Trạm y tế xã Thanh Thủy. Gia đình bà Ngò trồng ngô trên đất này đã được mấy năm. Bà Ngò giãi bày: “Để một vụ ngô thắng lợi, ngoài trông trời, trông đất trông mây thì còn phải trông cả… mìn, đạn nữa”.
Sau mấy năm xới đất, bà cũng thu được vô số những vũ khí chiến tranh. Hễ phát hiện ra những "quái vật" ấy, bà cứ lựa lôi ra góc nương, xếp thành một đống. Dẫn chúng tôi ra thăm "thành quả" mà mình gom được, bà Ngò bảo: “Nếu số đạn tôi đã gom vô tình phát nổ thì cũng đủ để xóa xổ cả xóm này”.
Nhung cai “bay tu than” rinh rap o trong rung-Hinh-3
Quả đạn pháo mà anh Dân nhặt được đã nổ ngay trên tay anh. 
Giang Nam là thôn trung tâm của xã Thanh Thủy, có nhiều góa phụ. Họ là những người phụ nữ không may mắn, nửa đời đứt gánh do chồng vướng vào mìn, đạn. Theo tìm hiểu của chúng tôi không riêng gì ở xã Thanh Thủy mà ở nhiều xã khác như Minh Tân, Phong Quang của huyện Vị Xuyên cũng có nhiều người bị chết hoặc bị cụt chân, cụt tay do giẫm phải mìn.
Xã Minh Tân nằm trọn trong Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Quang. Nơi đây rừng già còn ngút ngàn nhưng cuộc sống của người dân vẫn bộn bề gian khó. Họ vẫn phải bám rừng để mưu sinh. Nhắc đến chuyện vướng phải đạn pháo, ông Vàng Seo Quả (ở thôn Mã Hoàng Phìn) tỏ ra lo lắng: “Ở trong rừng còn nhiều đầu đạn lắm. Thi thoảng trâu bò vẫn giẫm phải mìn, bị nổ tan xác. Nhiều người sợ quá, chẳng dám vào rừng đâu”.
Cũng theo ông Quả, sau nhiều năm sống ở vùng này, bà con đã biết một số bãi đạn nên mọi người tránh không đi vào vùng đó.
Nhung cai “bay tu than” rinh rap o trong rung-Hinh-4
 
Ông Dân đã vĩnh viễn mất đi đôi bàn tay do vướng phải mìn. 
Nhiều người bị mất chân, mất tay do giẫm phải bom, mìn nhưng nhiều người dân nơi đây vẫn coi việc đi nhặt sắt vụn là một nghề dễ kiếm sống. Trong rừng còn rất nhiều đầu đạn pháo chưa nổ. Họ nhặt về để bán. Thôn Thanh Sơn (Thanh Thủy) là nơi nhặt được nhiều đầu đạn còn sót lại. Gia đình ông Nguyễn Văn Dân đã gom được khá nhiều sắt vụn bằng cách này.
Trước đó, ông Dân khi đào mương thoát nước đã bị một quả đạn nổ ngay trên tay. Hậu quả là đôi bàn tay của ông bị cắt sạch. Góc nhà của ông Dân hiện nay vẫn để hàng chục quả đạn, pháo to bằng cổ chân. Tuy đôi tay của ông đã bị cắt cụt, nhưng khi nhắc tới đống sắt vụn ở góc nhà, ông Dân nói: “Sau nhiều năm tôi mới sưu tầm được ngần này. Đợi kiếm thêm được một ít nữa thì gọi người mua sắt vụn vào bán”.
Vào rừng nhặt sắt vụn là cách "kiếm ăn" vô cùng nguy hiểm. Trong khi đó, đội quân tìm sắt vụn vẫn hoạt động rầm rộ trên địa bàn mà chưa quản lý nổi. Vài năm trước, khi sắt vụn có giá thì đội quân này lên tới cả trăm người. Họ đến từ nhiều địa phương khác. Thời gian đó, dân xã Thanh Thủy vẫn thỉnh thoảng thấy cảnh người ta hớt hải khóc than khi đưa người bị thương, thậm chí đã chết, xuống núi.
Được biết, thời gian gần đây công binh tỉnh Hà Giang đã nhiều lần về các thôn giáp biên để dò phá bom mìn nhưng mới chỉ làm được một phần. Rừng núi nơi đây rộng bát ngát, bom mìn còn sót lại thì nhiều vô kể. Do vậy, việc người dân tự ý đi tháo ngòi nổ của mìn để bán sắt vụn là vô cùng nguy hiểm...
theo Xuân Tuấn/Danviet

>> xem thêm

Bình luận(0)