Con số thiệt hại do mưa lũ tăng cao
Liên quan đến tình hình thiệt hại do mưa lũ tại miền Trung, theo báo cáo mới nhất của các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế cho thấy, mưa lũ đã làm các tỉnh miền Trung thiệt hại nặng nề cả về người, nhà cửa, tài sản hoa màu...
Cụ thể, đã có 15 người chết (Nghệ An 02 người, Hà Tĩnh 02 người, Quảng Bình 09 người, Huế 02 người), 9 người mất tích (Hà Tĩnh 01 người, Quảng Bình 8 người) và 18 người bị thương (Quảng Bình 13 người, Quảng Trị 03 người, Huế 02 người).
Thiệt hại về nhà ở, đã có 7 nhà bị sập hoàn toàn gồm Quảng Trị 1 nhà, Huế 6 nhà. Nhà bị ngập, hư hỏng (tổng số nhà hiện còn ngập/tổ số nhà đã, đang ngập) là 98.215/100.383 nhà (Thanh Hóa 30/30 nhà, Nghệ An 2.835/2.835 nhà, Hà Tĩnh 24.158/24.158 nhà, Quảng Bình 71.251/71.251 nhà, Quảng Trị 0/1.589 nhà, Huế 0/520 nhà).
|
Mưa lũ đã làm các tỉnh miền Trung bị thiệt hại nặng nề. |
Thiệt hại về nông nghiệp: Khoảng 1.598ha lúa bị ngập (Thanh Hóa 60ha, Nghệ An 815ha, Hà Tĩnh 723ha). Diện tích hoa màu bị ngập nước (tổng diện tích hiện còn ngập/tổng diện tích còn ngập): 9.143/9.485ha (Nghệ An 6.982/6.982ha, Hà Tĩnh 1.416/1.416ha, Quảng Bình 745/745ha, Quảng Trị 0/244ha, Huế 0/98ha).
Thiệt hại về giao thông: Đường Quốc lộ bị ngập, sạt lở gây ách tắc giao thông: 36 điểm (Nghệ An 5 điểm, Hà Tĩnh 5 điểm, Quảng Bình 26 điểm), cụ thể: Nghệ An tại Quốc lộ 48E, 15; Hà Tĩnh tại Quốc lộ 8A; Quảng Bình tại Quốc lộ 15, 12A, 12C, 9B. Tính đến sáng ngày 16/10 các tuyến đường QL1A, QL9B tại Quảng Bình đã thông tuyến.
Đường tỉnh lộ, huyện lộ và giao thông nông thôn bị ngập, sạt lở gây ách tắc giao thông: 13 điểm (Nghệ An 6 điểm, Hà Tĩnh 02 điểm, Quảng Bình 05 điểm). Tính đến sáng ngày 16/10 các tuyến đường 570B, 561 tại Quảng Bình đã thông tuyến.
Đường sắt bị ngập 07 điểm ở Quảng Bình (Phú Trạch – Tân Ấp, Ngọc Lâm – Lạc Sơn, Lạc Sơn – Lệ Sơn, Lệ Sơn – Mỹ Lệ, Phúc Tự - Đồng Hới, ga Đồng Hới, ga Lệ Thủy).
05 tàu chở hàng clinke (công ty Trường Thành) neo đạu tại cửa Gianh bị đứt neo. Trong đó, 01 tàu đang trở về cảng Hòn La; 01 tàu mắc kẹt tại phao số 0; 01 tàu mắc kẹt tại cửa Gianh; 01 tàu HD2138/04 người ở cửa Gianh bị chìm lúc 4h/15; 01 tàu HD 2155/04 người lật chìm tại phao số 0 lúc 10h/15. Hiện các lực lượng chức năng đã cứu được 03 người của tàu HD2138 và đang tiếp tục tìm kiếm 05 người mất tích.
Thiệt hại về thủy lợi: 2.770m kênh mương nội đồng bị sạt lở (Nghệ An 2.500m, Hà Tĩnh 10m, Quảng Bình 60m, Quảng Trị 200m); 04 đập loại nhỏ bị hư hại (Nghệ An: 03; Quảng Bình: 01).
Thiệt hại về thủy sản: 3.074ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập (Nghệ An 1.971ha, Hà Tĩnh 337ha, Quảng Bình 597ha, Quảng Trị 39ha, Huế 130ha).
Tỉnh Quảng Bình xin hỗ trợ 5.000 tấn gạo cứu đói
Quảng Bình tỉnh có nhiều thiệt hại nhất trong đợt mưa lũ kỷ lục ở miền Trung. Theo thống kê mới nhất, hiện Quảng Bình đã có 9 người chết, 8 người mất tích và 13 người bị thương do mưa lũ. Mưa lũ cũng đã gây ngập 71.000 nhà. Cùng với đó, khoảng 1.100 ha hoa màu và cây công nghiệp bị hư hại cùng hươn 2.000 gia súc, 100.000 gia cầm chết hoặc bị trôi.
Để khắc phục những thiệt hại, cứu đói cho người dân vùng lũ, tỉnh Quảng Bình vừa đề nghị Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp 5000 tấn gạo cứu đói người dân vùng thiên tai và 250 tỷ đồng khắc phục hậu quả hư hỏng các công trình, nhà cửa, 50 tỷ đồng xử lý môi trường, 500 tấn lúa giống, 100 tấn ngô giống, 100 tấn lạc giống, 15 tấn hạt giống rau...
Phó Thủ tướng Chính Phủ Trịnh Đình Dũng đang kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão tại Quảng Bình đã lắng nghe những đề xuất của tỉnh Quảng Bình. Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng hứa sẽ đề xuất Chính phủ có phương án kịp thời hỗ trợ cho tỉnh Quảng Bình.
|
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra tình hình lũ lụt tại TP Đồng Hới (Quảng Bình). (Nguồn ảnh:Quangbinh.gov.vn). |
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo các Bộ, ngành tăng cường phối hợp công tác cứu hộ cứu nạn; cấp gạo cứu đói cho người dân; nghiên cứu và chủ động có phương án sửa chữa kịp thời đối với những tuyến đường bị hư hỏng nặng; thống kê cụ thể, chính xác các hạng mục cơ sở hạ tầng bị hư hỏng, sau mưa lũ, trình Chính phủ xem xét, hỗ trợ; tập trung rà soát để có kế hoạch di dời dân khẩn cấp, nhất là những khu vực bị lũ quét và sạt lở đất.