Tôi đọc bài “Ngã giá nơi đất Tổ” của tác giả Trần Hòa mà thấy hả hê. Hả hê vì nghe mấy cụ già lăn lội từ Thái Bình lên thăm đất Tổ Hùng Vương đã phải bấm bụng mua vé, định tranh luận, song nghĩ họ cũng chỉ là “Thiên lôi chỉ đâu đánh đấy”, nhỡ không kiềm chế mà phũ phàng vặc lại mình: Chỉ mấy đồng bạc “bọ”, các bố già cũng ki bo la lối; ai trông nom, ai thu dọn, quét tước cho các bố?
Buồn sao! Cháu con về thăm viếng, dâng hương tổ tiên giống nòi mình mà phải è cổ ra nộp phí mới được đặt chân vào mảnh đất hương hỏa!
|
Người dân về viếng đền Hùng. |
Tôi cứ nghĩ mãi không hiểu ngày xửa, ngày xưa, ông cha ta chưa có khái niệm về cái “vé”, chưa có chiếc hòm công đức sao vẫn xây dựng được lăng miếu tổ tiên – người đã có công dựng nước, bền vững cho đến tận bây giờ. Vậy mà ngày nay, họ công khai mang “hồn thiêng sông nước” làm bình phong kiếm tiền, bảo để có kinh phí tôn tạo, duy tu.
Theo chúng tôi, để chấm dứt tình trạng đáng buồn, đáng chê trách này, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch chỉ nên cho tồn tại việc bán vé, thu lệ phí, đặt hòm công đức ở những nơi danh lam thắng cảnh, vì nó là nơi vui chơi, giải trí, thư giãn.
Còn những nơi đã là di tích lịch sử tầm cỡ quốc gia như Đền Hùng, Côn Sơn Kiếp Bạc, Cổ Loa... thì tuyệt dối không nên thu bất kỳ một khoản lệ phí, kể cả đặt hòm công đức, tránh biến nơi tôn nghiêm thành đất kiếm tiền. Không những thế, còn phải có kế hoạch tuyên truyền vận động đồng bào cả nước đến thăm viếng, nhằm nâng cao lòng tự tôn dân tộc, niềm tự hào chiến công giữ nước của nhân dân ta từ xưa đến nay.