Ngày 16/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can số 363/C46(P12) đối với Trịnh Xuân Thanh về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 Bộ luật hình sự. Đồng thời, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra Lệnh bắt tạm giam và Lệnh khám xét đối với Trịnh Xuân Thanh. Sau khi xác định bị can Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn; căn cứ các điều 34, 82, 161, 169, 187, 256 và 260 Bộ luật Tố tụng Hình sự Nước CHXHCN Việt Nam, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an ra quyết định số 19/C46-P12 truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế đối với Trịnh Xuân Thanh. Dưới góc nhìn pháp lý, các Luật sư đã có những phân tích xung quanh những thông tin trên.
|
Đối tượng Trịnh Xuân Thanh. |
Truy nã quốc tế Trịnh Xuân Thanh thực hiện ra sao?
Liên quan việc Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an ra quyết định số 19/C46-P12 truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế đối với Trịnh Xuân Thanh. Dư luận quan tâm quá trình truy nã ông Trịnh Xuân Thanh sẽ được thực hiện ra sao?
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng VPLS Nguyễn Anh, Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội đã nêu quan điểm về vấn đề này.
Theo phân tích của Luật sư Nguyễn Anh Thơm, sau khi Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an ra quyết định truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế đối với Trịnh Xuân Thanh nếu có căn cứ xác định ông Thanh đã bỏ trốn ra ngoài lãnh thổ Việt Nam thì sẽ gửi Lệnh truy nã này đến Văn phòng Interpol Việt Nam (C55) trực thuộc Tổng cục Cảnh sát. Đây là cơ quan đầu mối trong hợp tác quốc tế phòng, chống tội phạm của Lực lượng Cảnh sát Việt Nam với Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế (INTERPOL). Văn phòng Interpol Việt Nam sẽ đề nghị Ban Tổng thư ký tổ chức Interpol ra quyết định truy nã quốc tế ông Trịnh Xuân Thanh.
“Theo các nguyên tắc hoạt động của Interpol, dẫn độ tội phạm được thực hiện theo các Điều ước quốc tế đa phương hoặc song phương nhưng trình tự, thủ tục dẫn độ tội phạm lại tuân theo quy định của pháp luật quốc gia được yêu cầu dẫn độ và pháp luật quốc gia yêu cầu dẫn độ. Theo đó, mỗi quốc gia đều có các quy định về dẫn độ tội phạm. Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã ban hành luật riêng về dẫn độ tội phạm. Nội dung của luật quy định cụ thể về trình tự, thủ tục dẫn độ tội phạm. Đối với VN, việc dẫn độ được thực hiện theo tinh thần của luật Tương trợ tư pháp 2007. Trong trường hợp Việt Nam chưa kí kết hoặc chưa gia nhập các Điều ước quốc tế liên quan thì vấn đề dẫn độ tội phạm có thể được thực hiện theo sự thoả thuận giữa hai chính phủ, trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại nhưng không trái với pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc tế và tập quán quốc tế”, Luật sư Thơm cho biết.
|
Luật sư Nguyễn Anh Thơm. |
“Nếu ông Trịnh Xuân Thanh bị bắt giữ theo Lệnh truy nã quốc tế của Interpol Việt Nam tại một quốc gia trên Thế giới thì sẽ phải được thực hiện việc dẫn độ theo qui định của pháp luật nước sở tại trên cơ sở yêu cầu dẫn độ của Bộ Công An Việt Nam. Việc dẫn độ theo yêu cầu của Việt Nam sẽ được căn cứ vào Công hàm đề nghị dẫn độ và Hồ sơ pháp lý liên quan đến hành vi phạm tội của ông Thanh tại Việt Nam như: Quyết định khởi tố vụ án hình sư, Quyết định khởi tố Bị can, Quyết định truy nã Bị can, và các tài liệu, chứng cứ khác chứng minh hành vi phạm tội mà ông Trinh Xuân Thanh đã thực hiện. Trên cơ sở yêu cầu dẫn độ của Công An Việt Nam, quốc gia bắt giữ ông Trịnh Xuân Thanh sẽ đưa ra xem xét yêu cầu dẫn độ bằng một phiên tòa hình sự hoặc một phiên họp theo qui định của pháp luật quốc gia. Tòa án quốc gia nơi bắt giữ ông Trịnh Xuân Thanh sẽ là Cơ quan ra Quyết định về việc dẫn độ về Việt Nam”, luật sư Thơm nêu ý kiến.
“Trong trường hợp nếu ông Trịnh Xuân Thanh tẩu tán tài sản ra nước ngoài thì Nhà nước Việt Nam vẫn có thể thu hồi. Trước tiên, cần xem xét giữa Việt Nam và quốc gia nơi ông Thanh hợp thức hóa tài sản bằng tiền phạm pháp đã có có chế tương trợ tư pháp, nếu có Hiệp định tương trợ tư pháp đã ký kết thì việc thu hồi tài sản sẽ thuận lợi hơn. Trường hợp Việt Nam và quốc gia có tài sản ông Thanh tẩu tán chưa có Hiệp định tương trợ tư pháp thì chúng ta vẫn có thể thực hiện. Bởi lẽ, chúng ta và các nước trên Thế giới đã gia nhập Công ước Liên hiệp quốc về chống tham nhũng 2003 (Việt Nam đã phê chuẩn Công ước này ngày 3 tháng 7 năm 2009) . Nội dung chủ yếu bao gồm những vấn đề: Công tác phòng chống; Hình sự hóa tội phạm tham nhũng; Thu hồi tài sản bị thất thoát; Hợp tác quốc tế và hỗ trợ kỹ thuật”, Luật sư Thơm cho hay.
Khởi tố, truy nã Trịnh Xuân Thanh và 4 đồng phạm theo điều 165 BLHS có đúng?
Liên quan đến thông tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can số 363/C46(P12) đối với Trịnh Xuân Thanh về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 Bộ luật hình sự, Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Công ty Luật Hợp danh Thiên Thanh cho rằng, việc khởi tố Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm theo điều 165 Bộ luật hình sự là hoàn toàn đúng luật.
Luật sư Nguyễn Thế Truyền đã gửi đến Kiến Thức những phân tích liên quan, cụ thể:
Nhiều người cho rằng điều 165 trong Luật hình sự 1999 trong luật hình sự 2015 đã không còn và theo nghị quyết 109 thì phải áp dụng theo hướng có lợi cho bị can, bị cáo và không được khởi tố theo điều luật này đối với Trinh Xuân Thanh và 4 bị can tại PVC. Dưới góc độ pháp luật, tôi cho rằng những vi pham, thua lỗ tại PVC là vô cùng nghiêm trọng, tạo nên luồng dư luận xấu, làm giảm niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước. Với cương vị người đứng đầu PVC tại thời điểm xảy ra vi phạm, ông Trịnh Xuân Thanh phải trách nhiệm về hành vi của mình. Việc khẩn trương kịp thời ra quyết định khởi tố, khám xét và truy nã toàn quốc cũng như quốc tể theo điều 165 về hành vi “Tội cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” là hoàn toàn chính xác và cần thiết lúc này.
Có nhiều ý kiến cho rằng, đối với quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can trong vụ việc này với tội danh về hành vi: "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", pháp luật hiện hành cũng còn nhiều vấn đề cần xem xét, làm rõ. Để độc giả có thể hiểu thêm về tội danh, thời điểm áp dụng cũng như những chính sách áp dụng pháp luật.
Theo tinh thần áp dụng các quy định có lợi cho bị can, bị cáo, người bị tình nghi phạm tội theo Bộ luật Hình sự 2015 (đã được hoãn thi hành) thì Điều 165 đã bị loại bỏ ra khỏi bộ luật hình sự và những hành vi vi phạm pháp luật về trật tự quản lý kinh tế trước kia được điều chỉnh bởi điều luật này sẽ được cụ thể hơn thành các tội danh độc lập quy định tại Mục 3 - chương XVII - các tội phạm khác xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, như: Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí (Điều 219), Tội vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 220), Tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 224). Tuy nhiên, việc lùi thời gian có hiệu lực của Bộ luật Hình sự 2015 dẫn đến việc chưa thể áp dụng các tội danh theo luật này.
|
Luật sư Nguyễn Thế Truyền. |
Vậy căn cứ áp dụng các quy định có lợi cho bị can, bị cáo, người bị tình nghi phạm tội được thực hiện theo Nghị quyết 144/2016/QH13 ngày 29/6/2016 và Nghị quyết 109/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội được áp dụng trong trường hợp này như thế nào khi ranh giới trước và sau thời điểm 0h ngày 01/7/2015 cho tình tiết “phát hiện” hành vi phạm tội?
Theo quy định tại Điểm e Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13 thì đối với một số tội danh trong đó có tội cố ý làm trái quy định tại Điều 165 Bộ luật hình sự 1999 mà “xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 01 tháng 7 năm 2016 mà sau thời điểm đó vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử thì tiếp tục áp dụng quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 để xử lý…”.
Còn “nếu sau thời điểm 0 giờ 00 ngày 01 tháng 7 năm 2016 mới bị phát hiện thì không khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử...”. Chính vì thế việc “phát hiện” hành vi phạm tội có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong thực tiễn cũng như trong chính vụ việc cụ thể này.
Với tính chất là một giai đoạn độc lập và đầu tiên của tố tụng hình sự, giai đoạn khởi tố vụ án hình sự có chức năng thực hiện các nhiệm vụ cụ thể để xác định các tiền đề pháp luật về nội dung (vật chất) và về pháp luật về hình thức (tố tụng) của việc điều tra vụ án hình sự; thời điểm của giai đoạn này được bắt đầu từ khi nhận được những thông tin đầu tiên về việc thực hiện hành vi phạm tội và kết thúc bằng quyết định về việc khởi tố (hoặc không khởi tố) vụ án hình sự có liên quan đến hành vi đó. Các vụ án liên quan đến xâm phạm trật tự quản lý kinh tế thường từ giai đoạn nhận tin báo tội phạm, xác minh, thu thập chứng cứ thường mất khá nhiều thời gian, việc xác định hành vi phạm tội thường rất khó khăn, việc “phát hiện” không đơn thuần là một thời điểm nào cụ thể mà nó cả một quá trình và nó phải được hiểu là từ khi tiếp nhận tin tố giác đến khi có quyết định khởi tố hay không khởi tố. Hơn thế nữa, thời điểm phát hiện những dấu hiệu của hành vi vi phạm có thể xác định căn cứ theo kết luận thanh tra chình phủ năm 2014 tại PVC những sai phạm được xác định trong thời điểm năm 2013 và những năm trước đó.
Việc xác định rõ hành vi vi phạm pháp luật đã mất thời gian quá dài để quyết định khởi tố vụ án ngày 15/9/2016 và ngày 16/9/2016 của Cơ quan cảnh sát điều tra về tội phạm kinh tế và tham nhũng thuộc Bộ Công an để xảy ra hệ quả đối tượng Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn phải truy nã toàn quốc và quốc tế gây khó khăn, tốn kém cho công tác điều tra, truy tố, xét xử sau này. Việc truy nã quốc tế hiện nay Việt nam đã có Luật tương trợ tư pháp 2009 và kể từ năm 2010 Việt Nam đã tham gia cũng như gia nhập, ký kết khá nhiều các hiệp định tương trợ tư pháp song phương, đa phương. Trong trường hợp đối tượng Trịnh Xuân Thanh đang trốn ở những nước mà Việt Nam chưa có hiệp định tương trợ tư pháp song phương và đa phương thì thường sẽ sử dụng phương pháp có qua có lại theo quan hệ quốc tế để được trợ giúp trong việc truy bắt, dẫn độ về nước phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử theo đúng quy định của pháp luật.