Gần đây, nhiều người dùng Facebook nhận được những tin nhắn hoặc bài viết tư vấn ưu đãi khuyến mãi nạp tiền di động của “bà chị MobiFone” nhưng lại áp dụng với thẻ cào Viettel.
Theo đó, thông tin được đăng tải có nội dung: “Nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập, tất cả ba nhà mạng đồng loạt tổ chức chương trình khuyến mãi nạp thẻ cho các nhân viên đang làm trong ba nhà mạng, thông qua hệ thống website thanh toán trực tuyến”.
Để thu hút người dùng, người chuyển tin cho biết thêm: “Mình có bà chị làm ở MobiFone nên bà ấy chỉ cho mình mua một thẻ 200k Viettel nạp, và đã được khuyến mãi. Hiện tại, tài khoản của mình đã hơn 2 triệu rồi. Mình cũng có chụp ảnh cho các bạn xem luôn nè”.
|
Nhiều người nhận được tin nhắn khuyến mãi nạp thẻ lừa đảo qua Facebook hoặc tin nhắn. Ảnh chụp màn hình. |
Sau khi đưa ra hình ảnh về tin nhắn (đã được chỉnh sửa), kẻ lừa đảo dụ người dùng truy cập vào website: http://eventnap... nạp tiền, để nhận được khuyến mãi gấp 10 lần.
Website này cũng lưu ý: “Mỗi thuê bao Bankplus nạp tiền và thuê bao nhận tiền chỉ được hưởng khuyến mãi 1 lần đầu tiên nạp thẻ. Giá trị khuyến mãi tối đa 500.000 đồng. Khuyến mãi 500% chỉ áp dụng cho thẻ nạp lớn hơn 50.000 đồng. Thời gian từ 00h00 12/6 đến 18/6/2015”.
Tuy nhiên, khi liên lạc với số điện thoại có trên website thì không có người trả lời. Khi phóng viên đến địa chỉ ghi trên trang web tìm hiểu thì công ty ở đó không liên quan gì đến các dịch vụ thẻ nạp tiền.
Anh Nguyễn Thuận - người điều hành fanpage “Không bị lừa gạt” (khuyến cáo cảnh giác với các chiêu thức lừa đảo trên mạng) cho biết, nhiều thành viên phản ánh nhận được tin nhắn điện thoại, Facebook, hoặc bị tag (gắn thẻ) vào thông tin, với nội dung lừa đảo tương tự. Tuy nhiên, những kẻ lừa đảo thay đổi thời gian khuyến mãi, trang web và mối quan hệ với các nhà mạng, như “cháu của ông chú làm ở Viettel", “cô em có chị làm ở MobiFone"…
“Gần đây nhất, thành viên Hà Linh (Hà Nội) phản ánh, cô nhận được tin nhắn Facebook với nội dung: Bộ Viễn Thông Việt Nam triển khai tặng 500% giá trị thẻ nạp. Thời gian từ 22/4 tới 30/4, và từ 6/6/2015 tới 10/6/2015, chỉ có tại địa chỉ website duy nhất http://eventnap... Để khẳng định thông tin, người nhắn cho biết, đã nạp thành công thẻ 500.000 đồng được 5 triệu, và có chụp màn hình cho khách hàng xem, đồng thời nhấn mạnh: Ai có người nhà hay người quen làm ở đấy hỏi thì sẽ rõ”, anh Thuận cho hay.
|
Công cụ nạp thẻ khuyến mãi trên website http://eventnapcard... thực chất là chuyển tiền cho kẻ lừa đảo. Ảnh chụp màn hình. |
Sau vụ những kẻ tự xưng là "cháu của ông chú ở Viettel” bị bắt, hầu hết người dùng đều cảnh giác cao độ với hình thức tương tự. Hơn nữa, những thông tin nhầm lẫn của kẻ lừa đảo, như có “bà chị MobiFone” nhưng ưu đãi khuyến mãi nạp thẻ cào Viettel cũng là cơ sở để người đọc nghi ngờ. Tuy nhiên, việc các thông tin lừa đảo xuất hiện phổ biến trở lại và tự động có trong tin nhắn, trên tường Facebook, khiến người dùng cảm thấy phiền phức và bức xúc.
Đưa ra lời khuyên cho các thành viên, admin fanpage “Không bị lừa gạt” cho biết, khi bị đăng các thông tin lừa đảo lên tường, người dùng có thể nhấn vào góc trái bức ảnh hoặc lời nhắn ngay trên tường, để không bị tin nhắn này làm phiền hoặc phát tán rộng rãi.
Theo đó, người dùng có 3 tuỳ chọn: “I don’t like this post" (cho phép bạn báo cáo với Facebook ảnh này là spam, phiền toái), “Hide from Timeline” (bài viết sẽ không xuất hiện trên tường của bạn), và “Remove Tag” (gỡ tên bạn khỏi bức ảnh).
Trao đổi với Zing.vn, đại diện Viettel cho biết, nhà mạng này không có chương trình nào khuyến mãi như vậy. Thương hiệu nói trên cũng không có kỷ niệm 20 năm trong năm nay. “Trò lừa đảo này đã quá cũ, nhưng không hiểu sao vẫn có người tiếp tục làm”, nguồn tin từ Viettel cho biết.
Còn đại diện VinaPhone cho biết, công ty kỷ niệm 19 năm thành lập trong tháng 6, và sau đó là “tuổi 20”. Tuy nhiên, việc khuyến mãi gấp 5-10 lần giá trị thẻ nạp là không có.
Một lãnh đạo cấp cao của MobiFone thì cho hay, thương hiệu này kỷ niệm 20 năm thành lập từ năm 2013. “Nhìn vào thông tin ‘bà chị làm ở MobiFone’ lại tư vấn mua thẻ cào Viettel để hưởng khuyến mãi, có thể thấy ngay là lừa đảo rồi. Tuy nhiên, việc có chụp màn hình về kết quả khuyến mãi có thể khiến mọi người bán tín bán nghi, dù đó là ảnh chỉnh sửa”, ông này nói.
Lãnh đạo này giải thích thêm, về nguyên tắc, khi người dùng nhắn tin để kích hoạt khuyến mãi theo hướng dẫn của kẻ lừa đảo, thực chất họ thực hiện cú pháp lệnh chuyển tiền. Sau khi nhận được mã thẻ, kẻ lừa đảo thường chuyển vào tài khoản game, để sau đó rao bán hoặc chơi.
Ông này cũng tiết lộ, toàn bộ các hoạt động nói trên đều bị ghi dấu trên hệ thống. Khi nhà mạng mời cơ quan công an vào cuộc thì việc bắt người lừa đảo không khó, bởi có bằng chứng và vị trí rõ ràng. Tuy nhiên, do nhận thức về nguy cơ bị bắt của người lừa đảo còn hạn chế, nên họ vẫn tiếp tục làm.