Vụ án kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) là một trong những vụ án mà số tài sản tham nhũng được thu hồi cho Nhà nước rất lớn, lên đến gần 20 triệu USD, tương đương hơn 400 tỷ đồng. Việc bắt giữ Giang Kim Đạt là cả một quá trình khó khăn của lực lượng Tổng cục An ninh - Bộ Công an.
Giang Kim Đạt là ai? Tại sao lại bị truy nã?
Giang Kim Đạt (SN 1977, tại Thái Thượng, Thái Thụy, Thái Bình, có hộ khẩu tại phường Bình An, quận 2, TP HCM), nguyên quyền Trưởng Phòng kinh doanh Công ty TNHH một thành viên vận tải viễn dương Vinashin thuộc tập đoàn Vinashin (gọi tắt Vinashinlines).
Đây là đối tượng đóng vai trò chủ chốt trong vụ án xảy ra tại Vinashin, có dấu hiệu phạm tội “ cố ý làm trái” trong việc mua tàu Hoa Sen.
|
Giang Kim Đạt và hồ sơ vụ án. |
Sau khi nhập về, tàu Hoa Sen hoạt động được 39 chuyến thì phải ngừng hoạt động vì kinh doanh không hiệu quả. Đến tháng 2/2008, tàu Hoa Sen bị thủng vỏ ở đáy phải sửa chữa. Công ty CP giám định, thẩm định Việt Nam xác định nguyên nhân thủng vỏ là khuyết tật ẩn tỳ bên trong tấm tôn từ khi đóng tàu mà người sử dụng không phát hiện được.
Giang Kim Đạt cấu kết với đối tác nước ngoài gửi giá ăn chia hoa hồng 1% giá trị hợp đồng mua tàu và tiền chênh lệch so với giá trị. Tiền được chuyển thông qua công ty môi giới mua bán tàu. Đó là khi Đạt trực tiếp tham gia đàm phán giá cả, các điều khoản trong hợp đồng để mua 7 tàu cũ (chưa tính tàu Hoa Sen). Trong thương vụ này, Đạt hưởng lợi bất chính 1 triệu USD.
Khi được giao cho khai thác 9 tàu, Đạt cũng là người trực tiếp đàm phán, ký kết hợp đồng cho thuê tàu. Lợi dụng chức vụ quyền hạn, Đạt thỏa thuận với các đối tác nước ngoài giảm giá thuê để hưởng chênh lệch. Theo đó, tổng số tiền Đạt chiếm đoạt được khoảng 17,6 triệu USD.
Để thực hiện êm thấm khoản tiền tham nhũng lớn, Đạt không nhận trực tiếp mà bàn bạc với ông Giang Văn Hiển là bố ruột lập tài khoản tại nhiều ngân hàng khác nhau như ACB, Eximbank, Vietcombank, Sacombank... để nhận tiền từ các đối tác chuyển về. Sau đó, số tiền được ông Hiển rút ra.
Ngoài chi tiêu cá nhân, số tiền lớn được ông Hiển và người thân mua nhiều bất động sản trong nước (trên 30 bất động sản trên toàn quốc là biệt thự, căn hộ cao cấp, đất đai tại các vị trí “đất vàng”) và một số xe ô tô.
Ngoài ra, tại Singapore Đạt đứng tên mua một căn hộ trị giá 3,6 triệu đôla Singapore. Trước đó, Đạt mua căn hộ khác tại đảo Sentosa, Singapore nhưng đã bán.
Theo Cục An ninh kinh tế tổng hợp, gia đình Đạt có tới 40 biệt thự, căn hộ cao cấp, đất đai vị trí “vàng” trên khắp cả nước cùng nhiều ô tô đắt tiền. Khối tài sản lớn đứng tên gia đình Đạt đều hình thành từ sau thời điểm Đạt làm việc tại Vinashinlines, đảm nhận cương vị trưởng phòng kinh doanh.
1.825 ngày đêm truy lùng
Ngày 23/8/2010, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can đối với Giang Kim Đạt, đồng thời ra quyết định truy nã và ngày 8/11/2010 gửi thông báo truy nã đến Interpol.
Do đối tượng có sự chuẩn bị tâm lý lẩn trốn, sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để che giấu hành vi phạm tội nên dù Tổng cục An ninh chỉ đạo Cục An ninh kinh tế tổng hợp phối hợp các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an, Interpolcác lực lượng áp dụng mọi biện pháp nghiệp vụ truy tìm nhưng hành tung về Giang Kim Đạt vẫn mất tăm.
Khi vụ việc tưởng chừng đi vào ngõ cụt, thì CQĐT lại nhận được một số thông tin về khối tài sản bất minh ước tính hàng trăm tỷ đồng đứng tên người thân trong gia đình Giang Kim Đạt. Theo sự chỉ đạo của Tổng cục An ninh, Cục An ninh kinh tế tổng hợp một mặt tiến hành triển khai truy bắt đối tượng, một mặt điều tra làm rõ số lượng và nguồn gốc tài sản rất lớn của gia đình đối tượng.
Với những chứng cứ trong tay, sau 1.825 ngày đêm lần theo dấu vết, ngày 7/7/2015, Giang Kim Đạt bị bắt. Giang Kim Đạt đã khai nhận hành vi trong hai năm giữ chức vụ Quyền Trưởng phòng Kinh doanh (tháng 5/2006 đến tháng 6/-2008), tham mưu cho Tổng giám đốc Trần Văn Liêm kinh doanh mua bán tàu, khai thác tàu của công ty. Chỉ trong hai năm, Giang Kim Đạt đã tham nhũng số tài sản đặc biệt lớn lên tới 18,6 triệu USD.