Giành lại vỉa hè: Làm thế nào để không “đầu voi, đuôi chuột“?

Google News

Hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh đang kiên quyết ra quân giành lại vỉa hè cho người đi bộ.

Hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh đang kiên quyết ra quân giành lại vỉa hè cho người đi bộ. Xung quanh việc này Báo Nông Thôn Ngày Nay/Báo điện tử Dân Việt đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình của bạn đọc.
Giải tỏa lấn chiếm vỉa hè là việc làm cần thiết
Việc ra quân giải tỏa lấn chiếm vỉa hè của các hộ kinh doanh và nhà dân sống ở mặt đường là một việc làm cấp thiết và phải làm thường xuyên, nhất là đối với các thành phố lớn như Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Những năm gần đây, lượng người đổ về thành phố mưu sinh ngày càng đông. Lượng người tham gia giao thông dưới mặt đường luôn quá tải, vỉa hè dành cho người đi bộ bị chiếm làm nơi bán hàng quán thì còn đường nào cho người đi bộ? Rất nhiều trường hợp tai nạn đã xảy ra cho người đi bộ vì đi trên vỉa hè bị những người bán hàng chiếm dụng nên bắt buộc phải đi xuống lòng đường và bị xe đâm. Do vậy, việc giải tỏa lấn chiếm vỉa hè, trả lại đường thông thoáng cho người đi bộ và trả lại vẻ đẹp văn minh, sạch sẽ của Thủ đô là việc làm cần thiết và phải được duy trì thường xuyên.
Nguyễn Văn Tùng (phường Hàng Buồm, Hoàn Kiếm, Hà Nội)
Gianh lai via he: Lam the nao de khong “dau voi, duoi chuot“?
 Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) lập biên bản những hộ buôn bán trên vỉa hè, lòng đường. Ảnh: Việt Linh
Phải làm quyết liệt
Có ý kiến cho rằng việc cưỡng chế trả lại vỉa hè ở TP. Hồ Chí Minh vừa qua là hơi quá đà, không tuân thủ quy trình theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính. Việc có hay không tuân thủ quy trình của Luật xử lý vi phạm hành chính còn phải xem cụ thể trong từng trường hợp, chứ không thể nhìn ở bên ngoài mà đánh giá toàn bộ sự việc. Lấn chiếm vỉa hè là vi phạm rõ rồi; việc tuyên truyền vận động cũng đã làm từ nhiều năm rồi, nhưng có ai thực hiện đâu. Vậy phải đến bao giờ mới dẹp bỏ được nạn lấn chiếm vỉa hè nếu không quyết liệt như thế? Cái đáng trân trọng ở đây là chính quyền đã không ngại va chạm để làm việc vì lợi ích chung”.
Trần Đăng Tuynh (Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh)
Rất đáng hoan nghênh!
Ngày nào cũng thấy xe ô tô của công an phường đi dẹp vỉa hè, nhưng xe vừa qua là đâu lại hoàn đấy. Chứng kiến cảnh đó càng khiến người dân thất vọng. Bây giờ Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh quyết liệt trả lại vỉa hè cho người dân là việc làm rất đáng hoan nghênh. Đây không chỉ là lập lại trật tự đường phố, làm đẹp cảnh quan đô thị mà còn thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, được dư luận nhân dân đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên tôi cũng băn khoăn không biết việc này có duy trì được không, hay chỉ làm theo phong trào như trước kia. Hy vọng sự vào cuộc quyết liệt lần này của chính quyền sẽ xóa đi cái ấn tượng xấu của người dân.
Nguyễn Viết Dần (Khu đô thị Xa La, Hà Đông, Hà Nội)
Xin đừng “đầu voi đuôi chuột”
Vỉa hè dành cho người đi bộ là quy định đương nhiên nhưng từ lâu đã bị các hộ kinh doanh lấn chiếm làm nơi bán hàng ăn uống, kinh doanh các mặt hàng. Chính quyền địa phương gồm nhiều lực lượng chức năng tiến hành các biện pháp tuyên truyền, đến cưỡng chế giải tỏa. Mỗi lần ra quân như vậy quả thực bà con dân phố, người đi bộ thấy rất phấn khởi: Người đi bộ có lối đi, vỉa hè thông thoáng sạch sẽ, văn minh khác hẳn lúc trước khi giải tỏa. Nhưng không ít người nghi ngờ việc làm này liệu có duy trì được mãi và trở thành nếp sống của mọi người dân hay chỉ được ít ngày, sau đó đâu lại vào đấy mà mọi người vẫn quen gọi là kiểu làm việc “đầu voi đuôi chuột!”; Người dân mong chính quyền địa phương cần phải nâng cao trách nhiệm trong việc duy trì đường thông hè thoáng một cách thường xuyên, trở thành nếp sống văn minh của người dân Thủ đô.
Hoàng Văn Luận (phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội)
Theo Minh Quang - Lê Chiên/Dân Việt

>> xem thêm

Bình luận(0)