Đứng nhìn nạn nhân TNGT: Đâu chắc đã là “vô cảm“

Google News

Mạng xã hội đăng tải ảnh bé gái bị xe tải cán nát chân trước sự đứng nhìn nạn nhân tai nạn giao thông của rất nhiều người xung quanh.

Bức ảnh đứng nhìn nạn nhân tai nạn giao thông này, ngay lập tức được chia sẻ rầm rộ trên các diễn đàn kèm theo không ít lời bình luận, chỉ trích sự “vô cảm” của những người đứng nhìn
Câu hỏi được đặt ra là: Tại sao không ai sơ cứu cho cháu bé hoặc không đưa cháu đi bệnh viện cấp cứu? Tuy nhiên, trao đổi với Dân Việt, nhiều bác sĩ cho rằng, nếu không biết cách cấp cứu mà cứ xông vào bê vác cũng không phải là tốt.
Nhận định về việc có nên can thiệp cấp cứu khi gặp người bị tai nạn giao thông (hoặc tai nạn nói chung) đi cấp cứu hay không, PGS-TS Nguyễn Xuân Hùng- Trưởng Khoa khám bệnh cấp cứu (Bệnh viện Việt Đức) cho biết, việc đầu tiên là người chứng kiến cần gọi cho cơ quan y tế để họ điều người đến cấp cứu, hỏi xem xung quanh có ai là bác sĩ hoặc biết chuyên môn cấp cứu không để trợ giúp, chặn các xe lại để tránh va chạm thêm cho người bị hại. Nếu không ai có chuyên môn thì mới tìm cách hỗ trợ bệnh nhân. Tuy nhiên, không phải lao vào bế vác mà nên xác định bệnh nhân ấy thương tổn cụ thể ra sao.
Dung nhin nan nhan TNGT Dau chac da la vo cam
Bức ảnh cháu bé bị tai nạn đăng trên một số diễn đàn. Ảnh Facebook 
“Nếu bệnh nhân còn tỉnh thì hỏi họ đau ở đâu để hỗ trợ. Nếu họ đau ở gáy, đầu hoặc hôn mê thì không nên di chuyển. Vì có thể họ bị chấn thương sọ não, chấn thương đốt sống cổ, việc bê vác mạnh sẽ khiến chấn thương này nghiêm trọng hơn, bệnh nhân bỏ mạng hoặc bị liệt… Cần có sự hỗ trợ của nhân viên y tế mới mang vác họ khỏi nơi ngã. Nếu bệnh nhân bị gãy tay chân thì nên tìm nẹp cố định chỗ gãy cho họ, băng vết thương để hạn chế chảy máu. Tuy nhiên cũng không nên băng quá chặt khiến vùng bên dưới không nhận được máu nuôi dưỡng, dễ dẫn đến tắc mạch. Không di chuyển người bệnh hoặc bế vác nhẹ nhàng, đặt bệnh nhân lên một mặt phẳng rồi hãy đưa đến cơ sở y tế gần nhất. Không nên đưa bệnh nhân đi quá xa, lên bệnh viện tỉnh, trung ương khi bệnh nhân chưa được nhân viên y tế hỗ trợ cấp cứu, xử lý vết thương. Các cơ sở y tế có phương tiện, kỹ thuật sơ cứu, đồng thời có phương tiện chuyên trở chuyên dụng” – PGS Hùng phân tích.
Cũng theo PGS Hùng, cũng cần đề phòng, người bị nạn bị sốc, bị ngạt đường thở do máu hoặc nôn trớ, dị vật, Khi thấy họ nôn, trào máu miệng thì nên lật nhẹ cho họ nằm nghiêng để tránh ngạt thở. PGS Hùng nhận định, người dân không dám can thiệp sơ cứu các vụ tai nạn là có lý do của họ. Vì không có chuyên môn cấp cứu rất khó xử lý khi gặp các tai nạn thương tích. Cho nên, việc trước hết người dân cần làm là gọi 115, gọi công an. Có thể qua điện thoại để nói cho cán bộ y tế và công an biết để họ tư vấn xử lý tại chỗ nếu như chỗ tai nạn quá xa.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Phụ trách Khoa Cấp cứu (BV Bệnh nhiệt đới Trung ương) cũng cho rằng, không nên tranh cãi nên hay không nên cấp cứu bệnh nhân bị tai nạn giao thông vì người dân thiếu chuyên môn cũng rất khó. Bác sĩ Cấp phân tích, nhiều xe cấp cứu hoặc lực lượng công an không thể đến kịp hiện trường tai nạn chỉ vì người dân không chịu nhường đường cho xe ưu tiên. Trong khi đó mới là lực lượng có chuyên môn sơ cứu tốt nhất. Do đó, việc tốt mà nhiều người dân có thể làm là “nhường đường cho xe ưu tiên”.
>>> Mời quý độc giả xem video Tai nạn giao thông (nguồn Youtube):
Theo Dân Việt

Bình luận(0)