Tại phiên khai mạc Đại hội Đảng lần thứ 12, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trình bày Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về các văn kiện Đại hội XII của Đảng; nêu rõ những tư tưởng và nội dung cốt lõi trong các văn kiện trình Đại hội.
Bên lề Đại hội, nhiều ý kiến đại biểu đánh giá Báo cáo đã thể hiện tính tổng hợp rất cao, rút ra được những bài học kinh nghiệm thực sự quý giá qua năm năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI và 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới.
Đại biểu Phan Văn Sử (Tây Ninh) đánh giá trong Báo cáo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trình bày trước Đại hội, nội dung về xóa đói giảm nghèo đã được đề cập rất toàn diện và quyết liệt. Đại biểu tin tưởng rằng những chủ trương của Đảng đề ra sẽ được triển khai hiệu quả trong cuộc sống. Báo cáo đã đánh giá, có cái nhìn đúng, khách quan về thực trạng để đề ra mục tiêu cho năm năm tới của đất nước.
Theo đại biểu, các vấn đề về tăng cường nguồn lực để đảm bảo an ninh, quốc phòng, biển đảo đã được đặc biệt quan tâm, thể hiện quan điểm kiên quyết bảo vệ an ninh, an toàn lãnh thổ, biển đảo của Tổ quốc. Đây là tư tưởng hết sức được lòng dân, được toàn bộ đảng viên đồng tình - đại biểu Phan Văn Sử nhấn mạnh.
Trước thời điểm Đại hội diễn ra, nhiều ý kiến kỳ vọng Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam toàn quốc lần thứ XII là mở đầu cho công cuộc đổi mới lần thứ hai của Đảng. Đại biểu Nguyễn Thị Thanh (Ninh Bình) tin tưởng, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng của Ban chấp hành Trung ương khóa XI cũng như sự đóng góp ý kiến của hàng triệu đảng viên và nhân dân cả nước, với tinh thần cầu thị, dân chủ, tiếp thu tối đa của Ban chấp hành Trung ương đối với các ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt với tình cảm và trách nhiệm của 1.510 đại biểu dự Đại hội, sự kỳ vọng đó hoàn toàn có cơ sở. Theo đại biểu Nguyễn Thị Thanh, giai đoạn sắp tới là giai đoạn rất quan trọng cho Việt Nam cất cánh.
Là một đại biểu trong lực lượng vũ trang nhân dân, đại biểu Cát Văn Thọ (Bắc Ninh) cho rằng nội dung quan trọng nhất, tâm huyết nhất trong Báo cáo là quan điểm của Đảng tiếp tục kiên quyết, kiên trì đấu tranh làm thất bại âm mưu diễn biến hòa bình và bạo loạn lật đổ, kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, giữ vững ổn định chính trị để phát triển kinh tế, từng bước hiện đại hóa quân đội nhân dân và công an nhân dân.
Theo đại biểu, chủ đề Đại hội đã đưa nội dung bảo vệ chủ quyền lãnh thổ vào trong nội dung về quốc phòng, an ninh và đã nhận định bảo vệ chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa luôn gắn bó chặt chẽ, mật thiết với nhau. Đối với tiềm lực của nền kinh tế đất nước, ngay trong văn kiện đã nói là phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân để xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc trong điều kiện mới.
Đại biểu Nguyễn Viết Tuấn (Bắc Giang) nhận xét, Báo cáo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, thể hiện rất đầy đủ các thành tựu cũng như tồn tại, khuyết điểm, mục tiêu của năm năm tới và những năm tiếp theo.
Là Chủ tịch Hội đồng Nhân dân huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, đại biểu rất quan tâm đến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để phát triển nông nghiệp, nông thôn, cũng như đẩy mạnh đời sống văn hóa, nhân sinh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Đánh giá phát triển nông nghiệp, nông thôn là một trong những nhiệm vụ lớn mà toàn Đảng, toàn dân phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đại biểu Nguyễn Viết Tuấn cho rằng nếu làm tốt xây dựng nông thôn mới có nghĩa là giải quyết được tất cả các vấn đề nhân dân mong muốn và làm ổn định xã hội.
Nhìn nhận Báo cáo được trình bày tại phiên khai mạc sáng nay có sự sâu sắc, tính tổng hợp rất cao, rút ra được những bài học kinh nghiệm thực sự quý giá qua năm năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI và 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, đại biểu Bùi Văn Hải (Bắc Giang) đánh giá, Báo cáo có ý nghĩa cho việc chúng ta chuẩn bị bước sang một giai đoạn, thời kỳ đổi mới tiếp theo, toàn diện, sâu sắc hơn khi Việt Nam tham gia ngày càng sâu vào kinh tế thế giới, hội nhập vào nhiều quan hệ quốc tế khác.
Đại biểu tin tưởng, tại Đại hội các đại biểu sẽ tiếp tục đóng góp ý kiến sâu sắc hơn vào Báo cáo, đánh giá toàn diện, nghiêm túc, kể cả mặt đã làm được, mặt chưa làm được, những hạn chế, khó khăn.../.