Sáng 23/2, ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng có buổi tiếp công dân để giải quyết những vấn đề bức xúc.
Dân xin gặp chủ tịch nhưng không được
Tại buổi tiếp, bà Dương Thị Nga (trú tại Lý Tự Trọng, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho biết nhà của bà ở xã Hòa Sơn (huyện Hòa Vang) thuộc diện giải tỏa để chỉnh trang đô thị. Năm 2010, chính quyền Đà Nẵng tạo điều kiện để bà mua lại 220 m2 đất ở vị trí cũ theo giá đất tái định cư. Quyết định này do nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hoàng Tuấn Anh ký.
|
Ông Huỳnh Đức Thơ nghiên cứu hồ sơ giải quyết vụ việc của bà Nga tại buổi tiếp dân. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Sau khi ông Hoàng Tuấn Anh ra Hà Nội công tác, các cấp chính quyền Đà Nẵng cho rằng việc bố trí 220 m2 đất cho bà Nga là không đúng nên họ không làm thủ tục cấp sổ đỏ.
"Từ đó đến nay, nhiều lần tôi làm đơn kiến nghị lên các cấp chính quyền để xin được nộp tiền, làm sổ đỏ nhưng vẫn không được. Thậm chí, tôi xin họ làm căn nhà tạm ở trên mảnh đất đó vẫn không được đồng ý", bà Nga bức xúc trình bày.
Theo lời người phụ nữ, suốt 7 năm qua gia đình bà phải đi thuê chỗ ở, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều lần, bà Nga lên Trung tâm hành chính để xin gặp Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ nhưng không được. "Tôi gọi cho một vị cán bộ công tác ở Văn phòng UBND TP Đà Nẵng nhưng anh ấy tắt máy. Tôi chỉ muốn gặp chủ tịch một lần để trình bày bức xúc thôi mà sao họ lại không cho tôi gặp", bà Nga nói.
Nghe bà Nga trình bày, ông Thơ nghiêm nghị nhìn về dãy bàn - nơi nhiều cán bộ phụ trách việc tiếp công dân ngồi, nói: "Có chuyện này không? Tại sao công dân Đà Nẵng xin gặp chủ tịch mà các anh không cho họ gặp. Dân có thực sự bức xúc thì họ mới cần đến chính quyền, thế mà các anh lại làm như vậy à?", ông Thơ nói rồi nhìn về vào bộ hồ sơ dày cộp đang đặt ở trước mặt.
Sau đó, Chủ tịch Đà Nẵng, chỉ đạo: "Trung tâm phát triển quỹ đất, văn phòng UBND thành phố ngay lập tức hoàn tất hồ sơ để làm sổ đỏ cho dân để họ ổn định cuộc sống. Sự chậm trễ này là lỗi do chính quyền. Hôm nay, với tư cách là chủ tịch, tôi công khai xin lỗi chị".
"Làm cán bộ, các anh phải xuống hiện trường lắng nghe dân"
Trước đó, ông Thơ cũng tiếp công dân Mai Tấn Dân (trú tại đường Lý Tự Trọng). Người này cho biết khi giải tỏa để xây dựng Khu Công nghệ cao (ở huyện Hòa Vang), thành phố đã thu hồi hơn 22.000 m2 đất của nhà ông ở xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang). Sau khi giải tỏa, thành phố tạo điều kiện cho ông mua một lô đất ở đường 5,5 m2 và bồi thường tài sản trên đất với số tiền hơn 660 triệu đồng.
|
Ông Dân (ngồi giữa đối diện), cho biết ông rất hài lòng với cách giải quyết thấu tình, đạt lý của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Ông Dân cho biết việc áp giá bồi thường như trên là chưa hợp lý. Bởi trong khu đất trên, ông trồng cây cau từ 7 năm trước. Khi đó, số tiền mà ông đầu tư hơn 380 triệu đồng. Thế nhưng, khi áp giá thì thành phố chỉ đền bù lại thấp hơn rất nhiều.
Sau khi lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân, ông Thơ nói rằng trong quá trình phát triển thành phố, hàng nghìn hộ dân đã phải nhường đất cũng vì sự phát triển chung.
Thế nhưng, khi áp giá đền bù, do sự thiếu sâu sát của các cấp lãnh đạo cơ sở nên có nhiều người dân bị thiệt. "Diện tích của anh Dân trồng cây cau từ 7 - 8 năm trước với số tiền đầu tư rất lớn. Họ trồng cau để lấy quả bán, nhưng các anh lại áp giá đền bù theo kiểu cào bằng "cây cau cũng có giá như bụi tre" nên họ bị thiệt", ông Thơ nói.
Người đứng đầu UBND TP Đà Nẵng giải quyết trường hợp này như sau: thành phố sẽ đổi lô đất từ đường 5,5 m sang lô đất ở đường 7,5 m cho ông Dân. Về vườn cây, ông Thơ chỉ đạo bộ phận phụ trách việc giải tỏa đền bù phải xuống hiện trường xác minh lại. Theo đó, vườn cây của ông Dân có nhiều loại cây thì cơ quan chức năng phải phân loại từng loại một để áp giá đền bù cho chính xác.
"Trước khi giải tỏa đền bù, các anh phải lội xuống hiện trường để kiểm tra thực tế, lắng nghe ý kiến người dân. Bụi tre không thể có giá đền bù bằng cây cau được. Xem xét lại để giải quyết thỏa đáng cho người dân", ông Thơ chỉ đạo.
Tại buổi tiếp, ông Thơ chỉ đạo Phó Chánh văn phòng UBND TP Đà Nẵng Hoàng Sơn Trà lưu ý đến các đối tượng tiếp công dân. "Khi lên lịch, các anh phải xếp những người có bức xúc nhiều lên trước để họ được gặp lãnh đạo. Còn những người gặp vấn đề không bức xúc lắm thì xếp sau. Lập tức chấm dứt tình trạng, dân muốn gặp lãnh đạo mà không được", ông Thơ chốt lại.