PV: Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị đề thi được thực hiện ra sao, thưa ông?
TS. Sái Công Hồng: Ngay từ đầu năm học, sau khi công bố phương án thi THPT Quốc gia năm 2107, bộ GD&ĐT đã tiến hành triển khai hoạt động xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa để phục vụ cho xây dựng đề thi của kỳ thi.
Quy trình xây dựng câu hỏi thi chuẩn hóa được thực hiện theo 8 bước nghiêm ngặt. Mỗi bước lại bao gồm rất nhiều quy trình nhỏ để chuẩn hóa câu hỏi trong ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa. Từ việc ra câu hỏi thô, rồi từ thô sang câu hỏi được chuẩn hóa, phải trải qua các vòng biên tập, thẩm định, thử nghiệm câu hỏi,tinh chỉnh, thử nghiệm đề thi,...
Tính đến thời điểm hiện tại, công tác thử nghiệm đề thi đã hoàn thành, Bộ đang tiếp tục triển khai các bước tiếp theo của quy trình xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa, đảm bảo kịp tiến độ phục vụ kỳ thi THPT quốc gia chính thức vào tháng 6/2017.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là hoạt động xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa. Khi tổ chức kỳ thi chính thức, bộ GD&ĐT sẽ thành lập Hội đồng đề thi gồm các chuyên gia môn học có kinh nghiệm trong chuyên môn và trong công tác xây dựng đề thi để làm việc theo hình thức cách ly hoàn toàn để chính thức chọn lựa các câu hỏi từ ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa để xây dựng các đề thi phục vụ cho kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017.
|
TS. Sái Công Hồng. (Ảnh: Tuổi trẻ) |
PV: Đề thi năm nay được phân hóa ra sao? Các câu hỏi trong đề được sắp xếp thế nào?
TS. Sái Công Hồng: Với mục đích tổ chức Kỳ thi THPT Quốc gia để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ xét tuyển sinh ĐH, CĐ thì đề thi năm nay sẽ đảm bảo khoảng 60% số câu hỏi kiểm tra kiến thức, kỹ năng cơ bản để đánh giá học sinh đạt kết quả tốt nghiệp THPT (ở mức độ nhận thức: nhận biết và thông hiểu), 40% số câu kiểm tra kiến thức, kỹ năng nâng cao để phân hóa học sinh (ở mức độ nhận thức: Vận dụng và vận dụng cao).
Điểm khác biệt lớn so với các năm trước là các câu hỏi trong đề thi trắc nghiệm được sắp xếp theo trật tự lần lượt từ câu hỏi dễ đến câu hỏi khó ở tất cả các mã đề (đối với các môn ngoại ngữ có tính đặc thù riêng nên việc sắp xếp cấp độ của các câu hỏi thi sẽ được bố trí tối ưu nhất theo qui luật trên). Với việc sắp xếp các câu hỏi trong đề thi như thế này sẽ tạo thuận lợi cho thí sinh làm bài thi theo tuần tự các câu hỏi thi trong đề thi mà không cần mất thời gian đọc toàn bộ đề thi và tạo cảm hứng cho các em làm trong quá trình làm bài thi.
Mặt khác, với việc sắp xếp các câu hỏi thi trong đề thi như vậy sẽ đánh giá sát thực hơn nữa với năng lực của các thí sinh.
PV: Với cách sắp xếp đề thi như vậy, ông có lưu ý gì với thí sinh trong quá trình làm bài để đạt hiệu quả cao nhất?
TS. Sái Công Hồng: Việc sắp xếp theo trật tự lần lượt từ câu hỏi dễ đến câu hỏi khó ở tất cả các mã đề (đối với các môn ngoại ngữ có tính đặc thù riêng nên việc sắp xếp cấp độ của các câu hỏi thi được bố trí tối ưu nhất theo quy luật trên) sẽ tạo thuận lợi cho thí sinh khi làm bài thi không phải mất thời gian đọc tìm các câu hỏi dễ để làm trước.
Đối với những học sinh có lực học trung bình thì chỉ tập trung trả lời các câu hỏi ở mức độ Nhận biết, Thông hiểu (chiếm khoảng 60% số câu hỏi). Đối với những học sinh khá, giỏi thì tập trung làm tuần tự từ cầu đầu tiên đến những câu cuối.
Ngoài ra, học sinh cần lưu ý khi làm bài thi KHTN/ KHXH là 3 môn thi thành phần của bài thi KHTN/ KHXH đều có chung 01 mã đề, mã đề của các môn thi thành phần thứ 2, thứ 3 phải trùng với mã đề của môn thi thứ nhất.
PV: Xin ông cho biết phương án trong việc đảo bảo an toàn đề thi, đặc biệt trong bối cảnh năm nay công tác thi sẽ được giao về các Sở?
TS. Sái Công Hồng: Công tác bảo mật đề thi được quy chế thi hiện hành quy định rất rõ từ khâu ra đề thi, vận chuyển, in sao đề thi và bảo quản, sử dụng khi thi. Việc ra đề thi, in sao đề thi được thực hiện trong điều kiện cách ly hoàn toàn và được bảo vệ nghiêm ngặt 3 vòng. Đề thi của kỳ thi THPT quốc gia được coi là tài liệu tuyệt mật, do vậy quá trình bảo mật cũng được thực hiện theo chế độ tuyệt mật.
Trong tất cả các khâu, mỗi giai đoạn của quá trình, xây dựng đề thi chính thức, in sao, vận chuyển, bảo quản, luôn luôn có các cán bộ an ninh bảo vệ mục tiêu trực tiếp. Ngoài ra, ngành Công an đã chỉ đạo công an các địa phương bố trí lực lượng đảm bảo an ninh, an toàn khu vực thi, khu vực liên quan đến đề thi, bố trí lực lượng an ninh bảo vệ mục tiêu đề thi vòng ngoài.
Đặc biệt, việc tổ chức thi như thế này không phải là mới với các sở GD&ĐT. Công việc này, đã được các sở GD&ĐT thực hiện thường xuyên nhiều năm qua. Hơn nữa, ban Chỉ đạo thi THPT Quốc gia cấp tỉnh rất sát sao chỉ đạo, huy động các sở ban ngành, đoàn thể, UBND các cấp vào cuộc, phối hợp với ngành giáo dục tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, khách quan.