Cùng với sẻ chia nỗi đau thương, không ít người đã đặt câu hỏi: "Tổ chức, cá nhân nào đã múc cát làm đường cho phương tiện chạy ra phía ngoài khai thác cát, tạo ra hố sâu bất thường khiến 9 em học sinh tử vong? Và ai chịu trách nhiệm về cái chết của các em?...".
Trưa ngày 19.4 chúng tôi đã liên lạc và có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THCS Nghĩa Hà cùng lãnh đạo chính quyền xã Nghĩa Hà, TP.Quảng Ngãi, nơi có 9 học sinh tử vong vì đuối nước.
Thầy Bùi Phước, Hiệu trưởng Trường THCS Nghĩa Hà bày tỏ: "Trước khi vụ đuối nước thương tâm xảy ra, nhà trường thông báo và yêu cầu học sinh lớp 6B vào 15 giờ, ngày 15.4 tập trung tại trường để duyệt lại các hoạt động Đội, chuẩn bị cho Phòng giáo dục TP.Quảng Ngãi về kiểm tra. Tuy nhiên 9 em học sinh này đã đi sớm hơn và rủ nhau ra tắm sông, để rồi dẫn đến vụ tai nạn thương tâm trên".
|
Con đường được làm dẫn ra khu vực gần giữa sông Trà Khúc để lấy cát |
"Và dù bất kỳ lý do gì, nhưng để xảy ra cùng lúc 9 học sinh của Trường tử vong vì đuối nước như vậy, bản thân tôi và toàn bộ giáo viên đều thấy có phần trách nhiệm, lỗi của mình", thầy Phước nghẹn ngào.
Về phía chính quyền địa phương, ông Trần Thanh Trạng, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hà cho biết: "Con đường trên do một tập đoàn được cấp thẩm quyền của Quảng Ngãi cho phép làm để lấy cát phục vụ thi công tuyến đường bờ Nam sông Trà Khúc từ năm 2014. Đến năm 2015 thì việc thi công hoàn thành. Tuy nhiên do phía ngoài là khu vực đất bãi bồi sản xuất của người dân địa phương, với diện tích 40-50 ha. Vì vậy sau khi người dân Nghĩa Hà có đơn kiến nghị, chính quyền đã yêu cầu giữ lại để họ ra, vào sản xuất cho tiện".
|
Hố nước sâu bất thường khiến 9 học sinh tử vong là do bị đào lấy cát để làm đường |
Trả lời câu hỏi: "Việc múc cát làm đường tạo nên những vị trí trũng sâu bất thường như vậy, trước đó tập đoàn này và sau này chính quyền địa phương có cắm biển để cảnh báo cho người dân không ?", ông Trạng thẳn thắng: "Khi tập đoàn này còn khai thác cát, chúng tôi cũng đã nhiều đi lần ra kiểm tra và giám sát, thế nhưng thú thật tôi cũng không để ý họ có cắm biển cảnh báo không".
"Còn về phía địa phương, vì đặc điểm địa hình nhiều có sông nước nên chúng tôi không thể cắm biển khắp nơi được. Tuy nhiên qua sự việc vừa rồi, tại cuộc họp vào sáng hôm nay, ngày 19.4, chúng tôi đã chỉ đạo cho các bộ phận trực thuộc tiến hành cắm biển tại 6 vị trí nguy hiểm. Và việc này được hoàn thành vào chiều hôm nay", ông Trạng nói.
Theo đó ngoài “điểm đen” khiến 9 học sinh chết đuối thuộc địa bàn thôn Thanh Khiết, 5 điểm khác mà chính quyền Nghĩa Hà cho cắm biển cảnh báo cũng là những nơi đã từng xảy ra tử vong đuối nước trước đó, hoặc thấy quá nguy hiểm như: Đập ngăn mặn Hiền Lương, Đập Gò Văn, cầu Cống Bi....
Để tiếp tục làm rõ việc chính quyền xã Nghĩa Hà có đủ thẩm quyền giữ lại con đường trên không, tại buổi làm việc với phóng viên báo điện tử Dân Việt vào chiều cùng ngày, ông Nguyễn Hà Hải, Chánh văn phòng UBND TP.Quảng Ngãi bày tỏ: "Theo kiến nghị của dân, UBND xã Nghĩa Hà đã giữ lại con đường để họ thuận tiện đi lại sản xuất là điều tốt. Tuy nhiên cần phải xem xét việc giữ con đường có làm ảnh hưởng gì đến dòng chảy, công trình khác hay không thì cần phải có ý kiến của cơ quan chức năng của tỉnh, như đơn vị quản lý đê điều...".
"Và dù không phải là cấp có đủ thẩm quyền cho phép, nhưng xã Nghĩa Hà cũng phải báo cho Thành phố biết. Đến giờ này, bản thân tôi chưa nghe xã Nghĩa Hà báo cáo gì", ông Hải cho biết.