Tìm căn nguyên trị tận gốc huyết áp cao

Google News

(Kiến Thức) - Với kinh nghiệm hơn 40 năm làm về Đông y, GS.TS Dương Trọng Hiếu, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Y học Cổ truyền T.Ư luôn cố gắng tìm ra căn nguyên gây bệnh rồi kết hợp trị bệnh.

Nhiều bệnh kết hợp
Đến với phòng khám Đông Phương Y quán, chúng tôi phải chờ đợi rất lâu mới trò chuyện được với GS.TS Dương Trọng Hiếu bởi khá đông bệnh nhân đang đợi khám và điều trị. Bệnh nhân nào cũng được ông đo huyết áp và chuẩn bệnh theo cách của Đông y. Có nhiều người đến điều trị các bệnh tiểu đường, viêm xoang, khó thở, tức ngực... nhưng lại có chỉ số HAC.
Bà Lê Thị Chúc (63 tuổi ở Đống Đa, Hà Nội) đến khám và chữa đau lưng, tiểu đường nhưng chỉ số huyết áp của bà là 160/80mmHg. Đặc biệt, bà thường xuyên bị các cơn giật ngã, tai nóng, hoa mắt, chóng mặt, ợ hơi, ợ chua, khi gắng sức khó thở, tức ngực... Bắt mạch thì thấy mạch huyền xác. Sau 12 thang thuốc và châm cứu, huyết áp của bà ổn định 120/40mmHg, lưng gần như hết đau...
Tương tự là trường hợp của ông Lê Văn Thu (64 tuổi, Tôn Đức Thắng, Hà Nội) đi chữa khớp và gút nhưng chỉ số huyết áp vẫn cao 145/90mmHg dù vẫn uống thuốc huyết áp đều đặn.
GS.TS Dương Trọng Hiếu cho biết, đa phần bệnh nhân HAC đến chỗ ông thường đã được chữa trị ở nhiều nơi, đặc biệt họ không chỉ có một bệnh mà rất nhiều các bệnh lý khác đi kèm: Tiểu đường, thận, đau cơ xương khớp, đại tràng, gan mật, ho, viêm xoang... nên bắt buộc phải tìm nguyên nhân của từng bệnh, xem các bệnh có liên kết với nhau không từ đó đưa ra cách trị liệu cụ thể mới có kết quả cao. Bởi nhiều khi HAC là do bệnh ở thận, bệnh tiểu đường, thậm chí viêm xoang... Vì vậy, nếu không tìm được gốc của bệnh, điều trị sẽ kém hiệu quả.
 GS.TS Dương Trọng Hiếu đang đo huyết áp và thăm khám cho bệnh nhân.
Kết hợp nhiều phương pháp trị liệu
GS.TS Dương Trọng Hiếu cho biết, Đông y không có bệnh danh HAC mà phải căn cứ vào các triệu chứng thường gặp trên bệnh nhân cao huyết áp như đau đầu, đau vùng sau gáy (có kinh đởm, kinh bàng quang chạy qua), hoa mắt chóng mặt khi thay đổi tư thế, miệng đắng và dễ nóng tính... Ngoài ra, có thể tê đầu chi, đi tiểu đêm... 
Đông y gọi các triệu chứng trên của cao huyết áp thuộc phạm vi các bệnh "đầu thống", "huyễn vựng", nguyên nhân chủ yếu là do các tạng can, thận, tỳ, bị mất điều hoà mà gây ra bệnh. Bệnh thường hay gặp ở người béo bệu cho nên cũng có lúc gọi là đàm trệ. Trên những bệnh nhân có các triệu chứng trên có thể có nhiều triệu chứng khác nghĩa là một người có thể có nhiều bệnh: Tiểu đường, cơ xương khớp, thận... 
Vì vậy, cách chữa phải  tùy theo các triệu chứng trên từng bệnh nhân thông qua cách khám của y học cổ truyền gồm: Nhìn (vọng) quan sát vẻ mặt, thần sắc, dáng người; Nghe (văn) âm thanh tiếng nói, tiếng ho, tiếng thở, ngửi mùi hơi thở và các chất thải như đờm, nước tiểu, phân...; Hỏi (vấn) về nguyên nhân xuất hiện triệu chứng bệnh, mức độ bệnh: nặng, nhẹ, ít, nhiều, thời gian mắc mới hay đã lâu, tính chất bệnh liên quan đến nóng, lạnh... hay thức ăn... và Sờ (thiết): xem mạch, sờ bụng, sờ da tay chân... để đưa ra cách điều trị trên từng bệnh nhân cụ thể. Thông thường bệnh nhân bệnh nhân cao huyết áp thường có mạch huyền (mạch căng cứng).
GS.TS Dương Trọng Hiếu khẳng định, cái khó nhất của người làm thuốc Đông y ngoài việc chẩn bệnh chính xác, còn phải tìm được gốc rễ của bệnh. Bởi bệnh cao huyết áp nói chung và các bệnh lý khác nói riêng, đôi khi biểu hiện bệnh tại chỗ là rõ ràng nhưng nguồn gốc bệnh lại bắt nguồn từ nơi khác. 
Chẳng hạn như nhiều bệnh nhân HAC lại do bệnh xoang, bệnh thận, tiểu đường... thậm chí do lối sống, ăn uống... gây nên. Nếu người thầy thuốc Đông y không giỏi, không tìm ra gốc để điều trị tích cực bệnh đó mà chỉ chú trọng điều trị cao huyết áp thì khi đó huyết áp cũng có thể hạ nhưng rồi lại nhanh chóng tái phát không có sự ổn định - khỏi bệnh lâu dài. Thực tế, có rất nhiều người bị HAC, sau khi trị khỏi bệnh viêm xoang, tiểu đường, bệnh thận... thì huyết áp hoàn toàn ổn định.
Theo GS.TS Dương Trọng Hiếu, về điều trị HAC, Đông y thường dùng thuốc thiên ma, câu đằng, thạch quyết minh, hòe hoa, cúc hoa, trạch tả... Ngoài ra, có thể kết hợp xoa bóp để tăng tuần hoàn não và châm cứu để tăng giấc ngủ ngon cho bệnh nhân... Thông thường từ 6 - 12 thang, huyết áp sẽ trở về chỉ số bình thường nhưng để khỏi bệnh đòi hỏi bệnh nhân phải kiên trì, chữa khỏi bệnh từ gốc thì huyết áp mới không cao trở lại. 
Để tránh tái phát và mắc bệnh HAC, người bệnh cần chú ý phòng lạnh giữ ấm, tránh gió lạnh. Nên ăn những thực phẩm giàu dinh dưỡng như thịt nạc, gà, cá, sữa và thực phẩm từ đậu. Hạn chế ăn dầu, mỡ và giữ cho đại tiện thông suốt. Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao và đặc biệt biết cách khống chế, làm chủ tâm trạng, cảm xúc. Tránh để thể lực và tinh thần rơi vào tình trạng quá mệt mỏi, tức giận, lo lắng...
Thúy Nga

Bình luận(0)