Theo nhận định của Bộ Y tế, trong những ngày nghĩ lễ, số lượng bệnh nhân mắc sởi cũng như tử vong liên quan đến sởi không có gì đột biến, theo đó số ca mắc sởi được nghi nhận trên cả nước giao động khoảng 48 đến 50 ca/ ngày.
|
Đa có gần 250 ca mắc sởi trong những ngày nghỉ lễ |
Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, tích lũy từ đầu năm 2014 đến nay cả nước ghi nhận 4.030 trường hợp mắc sởi xác định trong số 14.661 trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại 62/63 tỉnh, thành phố. Có 25 trường hợp tử vong do sởi trong tổng số 133 trường hợp tử vong liên quan quan đến sởi và xin về.
Riêng trong ngày 4/5, cả nước ghi nhận thêm 48 trường hợp mắc sởi xác định. Trong đó, Bệnh viện Nhi Trung ương: 13; Bệnh viện Bạch Mai: 06; Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương: 26 trường hợp. Trong ngày không ghi nhận thêm trường hợp nào tử vong liên quan đến sởi.
Cũng tính đến ngày 04/5/2014, tỷ lệ tiêm vét vắc xin sởi trên phạm vi toàn quốc đạt 85,3%, tăng 0,1% so với ngày 03/5/2014. Trong đó, 18 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ tiêm vét vắc xin sởi cao trên 95% là: Quảng Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Khánh Hòa, Thái Bình, Kiên Giang, Phú Yên, Kon Tum, Cần Thơ, Đắc Nông, Phú Thọ, Hải Dương, Cà Mau, Ninh Bình, Hậu Giang, Hải Phòng. 40 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ tiêm vét vắc xin sởi từ 70-95%. 05 tỉnh, thành phố còn lại đạt tỷ lệ tiêm vét vắc xin sởi từ 60-70% là: An Giang, Thành phố Hồ Chí Minh, Điện Biên, Thái Nguyên, Bình Thuận.
Riêng tại Hà Nội, trong những ngày đầu tháng 5 sẽ tiến hành điều tra, thống kê, lập danh sách xây dựng kế hoạch tiêm bổ sung vắc xin sởi cho trẻ từ 2 đến 10 tuổi.
2 trường hợp tử vong do bệnh tay chân miệng
Theo thống kê của Cục Y tế Dự phòng- Bộ Y tế, từ đầu năm 2014 đến ngày 3/5, Việt Nam ghi nhận 17.410 trường hợp mắc, 2 trường hợp tử vong.
|
Bệnh tay chân miệng đang gia tăng ở một số địa phương |
Mặc dù số mắc và tử vong có giảm so với cùng kỳ năm 2013, tuy nhiên một số tỉnh, thành phố đã có số mắc tăng như TP.Hồ Chí Minh tăng 28,9%, Bà Rịa-Vũng Tàu tăng 34,4%, Cà Mau tăng 15,5%, Kon Tum và Đắk Lắk.
Theo nhận định của Bộ Y tế, bệnh tay - chân - miệng là một bệnh do vi rút gây nên, thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, đau miệng; loét miệng với vết loét đỏ hay phỏng nước ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi; phát ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông. Bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm não-màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp và dẫn tới tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử lý kịp thời.
Khuyến cáo phòng chống bệnh Tay - Chân - Miệng
1. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng.
2. Thực hiện ăn chín, uống chín, không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi.
3. Thường xuyên lau rửa đồ chơi, dụng cụ học tập, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
4. Phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
5. Theo dõi sức khỏe của trẻ hàng ngày, khi phát hiện trẻ có biểu hiện bệnh cần cách ly và đưa ngay trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị.