Ổ vi khuẩn, nấm mốc từ... đũa, thớt gỗ

Google News

(Kiến Thức) - Những ngày trời nồm ẩm khiến đũa, thớt gỗ ẩm ướt... nếu không chú ý sẽ làm mất vệ sinh trong nấu nướng. 

Mốc, mủn, nhớt
BS Hoàng Xuân Đại, nguyên Chuyên viên Bộ Y tế cho biết, thớt gỗ, đũa gỗ vào thời điểm này có hiện tượng bị mốc, bị mủn hay sờ vào thấy nhờn tay, thậm chí có nhớt là điều rất dễ hiểu bởi những ngày này trời nồm ẩm khiến cho độ ẩm trong không khí quá cao, đây chính là môi trường lý tưởng cho nấm mốc và vi khuẩn phát triển. Lúc này thớt, đũa gỗ rất dễ bị vi khuẩn, nấm mốc tấn công nếu dùng xong không rửa ngay, hoặc rửa không sạch, hay thậm chí là rửa sạch nhưng để nơi không khô thoáng.
Điều đặc biệt, nấm mốc có loại độc, có loại không độc và không ai biết nấm mốc ở đũa, thớt ấy có độc không, trong khi đây lại là những vật dụng liên quan đến đồ ăn thức uống, thậm chí như đũa còn tiếp xúc trực tiếp với cơ thể. Thậm chí, có những loại nấm vô cùng nhỏ (vi nấm) phát triển mà mắt thường không nhìn thấy. Khi ấy, nguy cơ gây hại cho sức khoẻ là điều cần được cảnh báo.
Vẫn theo BS Hoàng Xuân Đại, điều đáng nói, việc để thớt, đũa mốc, mủn nhiều khi cho chính thói quen của người sử dụng. Nhiều người có thói quen nấu ăn xong không rửa ngay, ví dụ, nấu bữa sáng xong vội đi làm nên để luôn đến chiều tối mới rửa, hoặc là nấu tối hôm trước nhưng để sáng hôm sau, nếu sáng hôm sau vội đi làm có khi để tiếp đến tận chiều hôm sau mới rửa. Phải nhớ rằng, đũa, thớt gỗ liên quan đến thực phẩm vì thế nếu không rửa ngay thì đấy chính là ổ bệnh, bởi vi khuẩn sinh ra từ thức ăn dư thừa cộng thêm với điều kiện thời tiết nồm ẩm sẽ khiến cho vi khuẩn, nấm mốc phát triển rất nhanh.
Một thói quen khác là nhiều người lấy khăn ra lau thớt, đũa trước khi dùng và tưởng cách này là sạch, là an toàn. Tuy nhiên, nếu dùng khăn thì phải là khăn khô, khăn sạch, dùng khăn ẩm mà lau thì có khi lại bị chính vi khuẩn, nấm mốc phát triển ở khăn ướt, ẩm lan sang thớt, đũa.
Thớt thái thịt sống không nên dùng chung vói thực phẩm chín. 
Hơ lửa để diệt nấm mốc, vi khuẩn
BS Hoàng Xuân Đại cho rằng, để đối phó với nấm mốc, vi khuẩn, vào mùa này, bát đũa, dao thớt khi dùng xong nên rửa luôn, rửa sạch rồi phải treo hoặc kê lên để thớt nhanh khô, tương tự với đũa nên để "tãi" ra cho đũa khô chứ không nên dồn đống khiến rửa từ sáng mà đến chiều ăn thấy đũa vẫn còn ẩm, ướt. Tốt nhất, trước khi dùng nếu thấy, thớt, đũa vẫn còn ẩm thì có thể hơ qua trên bếp lửa một chút, nhiệt độ cao sẽ giúp sấy khô đũa, thớt, đồng thời diệt vi khuẩn, nấm mốc.
Đồng quan điểm, chuyên gia Nguyễn Huy Tùng, Công ty vệ sinh Nhà sạch khuyến cáo, khi rửa không ngâm thớt quá lâu trong nước sẽ dễ bị mục, đồng thời vi khuẩn sinh ra từ thức ăn thừa sẽ thâm nhập trở lại. Với những dụng cụ nhà bếp bằng gỗ bị mốc hãy luộc hoặc ngâm chúng trong nước nóng có pha chanh rồi đem sấy khô. Ngoài ra, tùy theo mức độ sử dụng thớt nhiều hay ít mà chúng ta cũng nên thay thớt định kỳ 3 tháng hay 6 tháng một lần để bảo vệ sức khoẻ cho cả gia đình. 
Để tránh những nguy cơ có hại cho sức khoẻ, chị em nội trợ phải có ít nhất hai thớt trong mỗi bếp ăn, một dùng cho thức ăn chín, một dùng cho thực phẩm sống. Sau khi sử dụng, thớt phải được chà rửa thật kỹ với xà phòng và nước sạch, hong khô hay phơi nắng, để riêng rẽ từng loại và nên tráng nước sôi trước khi dùng, nhất là với thớt dùng cho thực phẩm chín. Dù là với thớt dùng cho thực phẩm sống, nhưng khi băm mạnh hoặc dùng để thái, chặt thực phẩm có mùi tanh có thể dùng muối hột để chà đánh sẽ sạch hơn. 
Sau một thời gian sử dụng thấy thớt bị cong, vênh, nứt, ngả màu đen, có mùi lạ thì nên thay thớt mới. Đặc biệt, khi mua thớt, nên chú ý đến chất liệu gỗ, nên tránh mua những loại gỗ vừa nặng và độ chịu ẩm kém. 
Chuyên gia Nguyễn Huy Tùng
Đức Anh

Bình luận(0)