Nước chanh giải say hoa quả

Google News

(Kiến Thức) - Vào mùa này, nhiều người sau khi ăn hoa quả, đặc biệt là quả vải thì có dấu hiệu bị say. Theo các chuyên gia, hiện tượng này khá phổ biến và có thể xử lý bằng cách uống nước nhiều để bão hòa các chất gây say, trong đó nước chanh đường là hữu hiệu nhất. 

Hạ đường huyết vì ăn vải
Chị Nguyễn Thị Hà, làm nghề bán hàng quần áo trên phố Bà Triệu (Hà Nội) chia sẻ, mấy ngày hôm nay vải thiều rẻ nên ngày nào chị cũng mua ăn. Tuy nhiên, sau mỗi lần ăn chị  lại có cảm giác như bị say thuốc. "Dù vẫn tỉnh táo nhưng tôi thấy rất choáng, buồn nôn, mệt mỏi toàn cơ thể. Không có biểu hiện của ngộ độc thức ăn như đau bụng, tiêu chảy. Dấu hiệu này xảy ra khoảng nửa tiếng sau khi ăn vải", chị Hà cho hay. 
Theo nhiều người, sau khi ăn hoa quả bị say không còn xa lạ. Trong đó, vải là loại quả dễ say nhất, sau đó là các loại quả có vị ngọt đậm khác. Hầu hết những người bị say thường ăn chúng khi bụng đói hoặc khát nước.  
Giải thích về vấn đề này, TS Nguyễn Công Ngữ, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu thực phẩm, Viện Công nghệ sau thu hoạch, dấu hiệu say hoa quả sau khi ăn khá phổ biến ở nhiều người. Hiện vẫn chủ yếu được giải thích rằng, do quả vải nói chung và các loài hoa quả ngọt đậm có chứa nhiều đường glucoza. Khi ăn nhiều quả cùng một lúc, cơ thể sẽ hấp thu lượng đường lớn dẫn đến tăng đường trong máu từ đó tác động đến quá trình chuyện hóa của gan. Đồng thời, cơ thể sẽ tiết ra chất insulline tăng lên để làm hạ đường huyết. Quá trình này diễn ra đồng nghĩa với việc đường huyết bị hạ nên có biểu hiện mệt mỏi, choáng, chân tay rã rời và buồn nôn. 
Các chuyên gia khuyến cáo, cùng với vải, nhãn thì các quả chứa chất ta nanh (tanin) như chuối, hồng, ổi... cũng nên ăn khi bụng no. 
Giải "say" bằng nước chanh đường
Ngoài ra, theo vị chuyên gia thực phẩm TS Nguyễn Công Ngữ, các dấu hiệu say là do bị tác động thần kinh. Vì thế, không phải ai cũng bị say hoa quả sau khi ăn mà chủ yếu do cơ địa từng người cũng như thời điểm ăn. Nếu ăn nhiều quả ngọt lúc bụng đói, nguy cơ bị say cao hơn. Khuyến cáo nên ăn quả ngọt ở một chừng mức nhất định, tức không quá 10 quả/lần. Nên ăn khi cơ thể khoẻ mạnh, no bụng, thần kinh ổn định. Sau khi ăn cần uống nhiều nước cũng như sinh hoạt ở nơi có không khí thoáng đãng. 
Khi có dấu hiệu bị say hoa quả sau khi ăn, cần đi nằm và uống nhiều nước. Đặc biệt, nên uống nước chanh đường để bão hòa lượng đường trong máu. Hoặc ăn thêm một múi cam cũng có tác dụng tương tự.  
Các chuyên gia khuyến cáo, cùng với vải, nhãn thì các quả chứa chất ta nanh (tanin) như chuối, hồng, ổi... cũng nên ăn khi bụng no. Bởi nếu ăn khi đói cũng tác động đến dạ dày khiến chúng ta có cảm giác mệt, đau bụng, tiêu hóa kém... Bởi lúc này, chất ta nanh tác động đến thành dạ dày gây tổn thương. Đối với các loại quả ngọt, nếu cho vào tủ lạnh thì lượng đường sẽ tăng cao hơn, đây cũng là lý do quả ngọt hơn khi để lạnh. Vì thế, người bị tiểu đường hoặc có nguy cơ dễ bị tụt đường huyết cần chú ý để có chế độ ăn hợp lý. 
"Nói là ăn lúc no nhưng không có nghĩa là ăn ngay sau bữa ăn. Thời điểm tốt nhất để ăn hoa quả là sau bữa ăn khoảng 30 phút. Lý do, hoa quả chứa nhiều vitamin C, chất hữu cơ, ta nanh nên ăn liền sau bữa chính thì các thực phẩm chưa tiêu hóa hết gây nên tình trạng đóng vón, khó tiêu".
TS Nguyễn Công Ngữ
Vân Đài

Bình luận(0)