Đó là nhận định của TS. Nguyễn Đức Chính, Thư ký chương trình phòng chống Lao quốc gia, tại Hội nghị Tổng kết phòng chống lao năm 2013, diễn ra chiều ngày 20/3/2014.
Theo TS. Chính, hiện ngân sách nhà nước dành cho phòng chống lao năm 2014 giảm mạnh, từ 114 tỷ năm 2013 xuống còn 63 tỷ. Kinh phí được cấp từ nguồn ngân sách nhà nước chỉ đáp ứng khoảng ba tháng điều trị.
Nếu như vậy, kinh phí phòng chống lao phân bổ về cho các địa phương giảm chỉ còn 30% của năm trước, điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động chống lao tại các địa phương.
|
Bác sĩ đang điều trị cho một bệnh nhân bị bệnh lao. Ảnh: Thái Hà/TPO |
Trong khi đó, nhu cầu ngân sách để mua một năm thuốc chống lao cho khoảng 100.000 bệnh nhân lao phát hiện và điều trị hàng năm là khoảng 117 tỷ đồng.
Ngoài ra, ông chính cũng cảnh báo nguy cơ tái phát bệnh lao là rất cao nếu năm 2015 chương trình chống lao Quốc gia được đưa ra ngoài Chương trình mục tiêu Quốc gia về y tế. Lúc đó, người bệnh phải dừng điều trị do thiếu thuốc sẽ dẫn đến nguy cơ kháng thuốc, đa kháng thuốc rất cao.
Hiện mục tiêu của chương trình phòng chống lao quốc gia đến năm 2015 sẽ giảm 50% số bệnh nhân hiện mắc so với ước tính năm 2000 (từ 375/100.000 dân xuống còn 187/100.000 dân).
Trước đó, tổ chức Bác sỹ không biên giới (MSF) vừa lên tiếng cảnh báo sự gia tăng các chủng lao kháng thuốc là "một trong những mối đe dọa y tế công đáng sợ nhất mà thế giới đang phải đối mặt ngày nay".
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Việt Nam là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 12 trong 22 nước có tình hình dịch tễ lao cao nhất toàn cầu, đồng thời đứng thứ 14 trong số 27 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới.
Còn theo một thống kê tổng thể của WHO, hiện mỗi năm thế giới vẫn có 1,3 triệu người bị căn bệnh lây nhiễm này cướp đi sinh mạng. Thêm vào đó, mỗi năm trên toàn cầu có khoảng 500.000 ca nhiễm lao kháng thuốc khiến căn bệnh ngày càng khó điều trị.