Nấm mèo giúp chữa mất ngủ, đau đầu

Google News

(Kiến Thức) - Nấm mèo còn gọi mộc nhĩ được coi là một loại rau khô giàu dinh dưỡng

 Ảnh minh họa.
Nói chung nấm mèo làm rau gia vị phối hợp chế biến nhiều món ăn cao cấp như xào với thịt, chả, tiềm gà vịt, làm nhân bánh, nấu canh.
Theo y học cổ truyền, nấm mèo có vị ngọt, tính bình. Tác dụng bổ âm, dưỡng huyết, nhuận phế, lợi ngũ tạng, giải độc. Chữa chứng âm huyết hư, suy nhược, ho ra máu, miệng khô khát, bệnh đường ruột, trĩ, táo bón, huyết áp, tim mạch, phụ nữ sau sinh ít sữa.... Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, trong 100g nấm mèo có 10,6g protein, 0,2g lipit, 6,5g gluxit, 7g cellulose, 6,3mg natri, 8,56mg kali, 75mg canxi, 56,1mg sắt, 201mg phốt pho, vitamin B1mg, B2 0,55mg, PP 2,7mg và betacaroten 20mg.
Gần đây, nhiều nhà khoa học trong nước và ngoài nước cho biết, ở nấm mèo có một hoạt chất có vai trò quan trọng trong việc chống kết dính tiểu cầu, có cơ chế tương tự như Aspirin, ngăn ngừa nguy cơ nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não. Ngoài ra, nấm mèo còn giúp tăng khả năng diệt khuẩn của bạch cầu, tăng hoạt động tạo máu của tuỷ xương, chống phóng xạ, chống ung thư, bảo vệ tế bào gan. Sau đây là một số món ăn, bài thuốc sử dụng nấm mèo.
* Chữa các chứng xuất huyết như chảy máu cam, ho ra máu, rong kinh, rong huyết: Nấm mèo 20g khô ngâm mềm cắt lát, gan gà 50g, hành, gia vị xào ăn.
* Chữa đau đầu chóng mặt khó ngủ: Nấm mèo 20g, gan heo 40g, hành tây 40g, miến dong 40g  gia vị xào ăn.
Tài liệu gần đây cho biết, nấm mèo trị chứng thiếu máu suy nhược toàn thân, là vị thuốc phòng trị ung thư và bệnh tim mạch huyết áp rất hiệu quả. Lưu ý không dùng nấm mèo đã mốc mọt, biến chất, cũng như nấm mọc ở cây độc. Không nên ăn nấm mèo tươi vì nấm tươi có chứa một chất Porplyrin, ăn vào dễ gây ra chứng viêm da ở những vùng cơ thể hở ra ngoài, rất dễ gây ngứa, sưng phù đau đớn...  
Lương y Minh Phúc (nguyên Phó Chủ tịch Hội Đông y TP Vũng Tàu)

Bình luận(0)