Theo các chuyên gia, biết chấp nhận và tạo sự thích nghi cao với cuộc sống sẽ giúp họ giảm stress, từ đó giảm các bệnh mạn tính.
Đủ lý do bị... căng thẳng
Bà Nguyễn Thị Đào (Lò Đúc, Hà Nội) năm nay đã 72 tuổi. Mỗi khi đi chơi cùng bạn bè về là bà đều than vãn với con cái rằng, muốn có một mảnh đất nhỏ để trồng cây cho khuây khỏa. Tuy nhiên trên thực tế, điều này là không thể với ông bà lẫn con cái. Bởi nhà thì ở khu tập thể không có sân thượng, muốn cho rộng rãi hơn nhưng con cái bà cũng chưa thực hiện được chứ đừng nói đến mảnh đất trồng cây. Vì mong muốn không thực hiện được nên bà suy nghĩ, buồn chán, ốm hơn.
Theo BS Nguyễn Minh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Sức khoẻ Tâm thần T.Ư, người cao tuổi là đối tượng bị căng thẳng (stress) nhiều nhất so với các độ tuổi khác. Có nhiều lý do, từ chủ quan đến khách quan khiến họ bị như thế. Như người già thường bị cô đơn. Một người vợ, chồng mất người kia còn lại cô đơn trống vắng dẫn đến stress. Người già không còn đủ sức hoạt động như những người trẻ nên họ thường suy nghĩ dẫn đến stress. Nếu họ có cháu nhiều, đỡ đần thì đỡ, còn con cháu hắt hủi thiếu quan tâm thì càng bị stress nặng hơn.
"Đối với người già, bệnh tật thường nhiều, nhất là các bệnh mạn tính như tiểu đường, huyết áp, rối loạn trầm cảm, rối loạn chuyển hóa... Các bệnh này đòi hỏi chăm sóc y tế lớn hơn, thuốc men nhiều hơn. Trong khi đó, thu nhập giảm, tiền ít hơn khi về hưu, nên suy nghĩ về tiền cũng khiến họ stress. Đó là chưa kể đến trường hợp những người già có con cháu không thành đạt, bệnh tật nhiều nên không chỉ lo cho mình mà còn phải lo cho con cháu. Hay sự thiếu tôn trọng của lớp trẻ, đi đường gặp ức chế... cũng dẫn đến stress và tổn thương. Tất cả các yếu tố đời sống đó đi cùng với sự thoái hóa của não, kém minh mẫn, rối loạn giấc ngủ và trí nhớ khiến bệnh càng nặng", BS Nguyễn Minh Tuấn nhấn mạnh.
|
Gặp gỡ, giao lưu bạn bè để có sự cảm thông do đồng lứa tuổi. |
Học cách chấp nhận
Ở góc độ khác, vị chuyên gia này cho hay, stress là nguyên nhân làm cho bệnh mạn tính trầm trọng thêm. Với người khoẻ mạnh, stress tác động cũng khiến người ta ốm. Còn với bệnh sẵn có, càng nặng hơn. Ví dụ, khi bị tiểu đường uống thuốc sẽ cân bằng, nhưng nếu bị stress sẽ dẫn đến rối loạn giấc ngủ, căng thẳng hơn nên đường huyết tăng cao. Cùng với đó, stress khiến người già ăn không được, ngủ không yên, mệt mỏi dẫn đến bị các bệnh khác. Trường hợp này không chỉ điều chỉnh thuốc mà cần giảm stress cho người bệnh bằng liệu pháp tâm lý. Nếu không, họ càng bi quan, chán nản hơn, thậm chí dẫn đến tự sát.
Để giảm stress ở người già, chuyên gia khuyên, ngoài việc tạo điều kiện vật chất tốt cho họ (tùy vào điều kiện vật chất của từng gia đình), quan trọng hơn là tạo ra bầu không khí vui vẻ bằng sự quan tâm của con cháu. Điều này giúp có lợi cho cả đôi bên. Bởi, khi người già bị stress đồng nghĩa bệnh nặng hơn, phải đi viện, rõ ràng con cháu phải đi theo chăm sóc, tốn kém hơn. Vì thế, điều này cũng gây ảnh hưởng xấu đến con cháu. Việc cải thiện mối quan hệ các đời trong gia đình không chỉ là lợi ích của người già mà là lợi ích chung.
Vấn đề tâm lý của người già cũng rất quan trọng. Tự thân người lớn tuổi phải có suy nghĩ, tìm cách tránh sự cô đơn, nhàm chán cho mình như tham gia các hoạt động xã hội, các câu lạc bộ, sinh hoạt tập thể. Điều này giúp họ có sự thoải mái. Ở đó người đồng tuổi giúp họ chia sẻ, hỗ trợ tâm lý, giải tỏa bức xúc, nâng đỡ nhau...
"Hiện có nhiều lời khuyên được đưa ra như cần có mảnh vườn để chăm sóc cây giúp giảm stress, đi dã ngoại... Tất cả các yếu tố đó đều nên, đều đúng, nhưng người lớn tuổi nên biết phấn đấu, chấp nhận và tạo sự thích nghi cao nhất mới là quan trọng. Không nên đòi hỏi vượt quá khả năng của bản thân và con cháu khiến tất cả bị stress hơn. Ví dụ, con cháu nghèo không đủ nhà ở thì làm sao đòi hỏi vườn cây".
BS Nguyễn Minh Tuấn