Ái ngại vì nghi dùng nhựa tái chế
Công ty chị Nguyễn Thanh Thúy (Đường Láng, Hà Nội) thỉnh thoảng lại tổ chức ăn uống một lần. Để tiện lợi, mỗi lần như thế mọi người lại chuẩn bị bát, đĩa, thìa, đũa ăn liền. Mỗi lần ăn, chỉ cần lấy ra dùng luôn, sau đó bỏ đi mà không mất công rửa dọn. Bát đĩa có nhiều loại, từ nhựa trắng đến nhựa trong, đĩa giấy đến đĩa nhựa được sản xuất dưới dạng dẻo và mỏng. Mỗi túi có khoảng 30 - 50 chiếc bát, hoặc 10 chiếc đĩa. Vì được sản xuất đại trà nên các sản phẩm rất giống và đều nhau.
Tuy nhiên, chị Thanh Thúy cho biết, có nhiều thông tin cho rằng, bát đĩa nhựa dùng một lần có thể gây độc hại, vì thế khi dùng chị có cảm giác "ghê ghê". Theo đó, các ý kiến cho rằng, hầu hết các sản phẩm sử dụng một lần đều làm bằng nhựa tái chế. Bởi dùng nhựa an toàn thực phẩm sẽ rất tốn kém. Trong khi mỗi lô bát 50 cái chỉ vài chục nghìn đồng, tính ra một cái bát chưa đến 1.000đ. Đấy là chưa kể, hàng được bán qua nhiều khâu trung gian nên giá gốc chưa biết là bao nhiêu.
Ngoài ra, khi sản xuất các sản phẩm này, người làm có thể cho thêm các loại chất độn, phụ gia như bột talc và cacbonate để sản phẩm dẻo và tốt hơn. Hay sáp để bôi trơn sản phẩm, chống dính cũng gây độc... Các chất này ảnh hưởng đến sức khoẻ, là nguyên nhân gây bệnh thận, ung thư.
"Tôi thấy có nhiều thông tin độc hại về sản phẩm nên rất ái ngại khi dùng. Bởi hiện nay có quá nhiều thứ không an toàn nên bát đĩa dùng một lần cũng có thể nằm trong số đó. Thậm chí, các thông tin dịch từ Trung Quốc dẫn lời quan chức của họ cũng khẳng định, 80% sản phẩm dạng này là nhựa tái chế. Nhiều mẫu tôi mua ở siêu thị nhưng không ghi cơ sở sản xuất rõ ràng", chị Thanh Thúy lo ngại.
|
Có nhiều thông tin cho rằng, bát đĩa nhựa dùng một lần có thể gây độc hại. |
An toàn tùy tay người "nặn"
Theo PGS.TS Ngô Kế Thế, Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam, những thông tin mà người dân tiếp nhận thông qua dịch từ Trung Quốc chưa hoàn toàn chính xác. Cụ thể, việc sử dụng nhựa tái chế thay thế nhựa an toàn thực phẩm không phải là dễ dàng thực hiện. Do muốn tái chế mất rất nhiều quy trình, hóa chất, nấu chảy. Sản phẩm ra thị trường thường có mùi và màu không trong hoặc trắng. Trong khi, nhựa polypropylene là một trong những loại nhựa rẻ nhất hiện nay.
Bên cạnh đó, thông tin lạm dụng các chất như bột talc và canxi carbonate trong tái chế nhựa có thể tạo ra hóa chất gây ung thư, một khi chúng tiếp xúc với dầu và thức ăn nóng cũng chưa thực sự khoa học. Bột talc được xem là một tá dược an toàn trong sản xuất thuốc, là thành phần của phấn rôm. Tương tự, canxi carbonate cũng được dùng trong thuốc tân dược, là một dạng bột đá và được phép sử dụng. Hai chất này được cho vào nhựa nhằm mục đích tăng một số tính chất nhựa như độ cứng, ép vào khuôn...
Sản phẩm nhựa dùng một lần về nguyên lý là an toàn, không gây độc hại, được dùng từ nhựa nguyên chất và là sản phẩm văn minh. Tuy nhiên, chỉ lo là khi sản xuất người ta cho thêm gì không rõ ràng mà thôi. Bởi các chất đó không thể nhìn bằng cảm quan mà phải phân tích qua máy móc. Vì thế, một trong các yếu tố tiên quyết đối với sản phẩm dạng này là mua hàng có nguồn gốc rõ ràng. Tức chỉ mua các cơ sở sản xuất có uy tín, có tiếng về sản xuất.
"Khi dùng sản phẩm dùng một lần, tốt nhất nên ăn đồ khô hoặc đồ nguội. Hạn chế mức thấp dùng các sản phẩm cho đồ nóng, axit. Điều này nhằm mục đích tránh nóng khi dùng, bị biến dạng cũng như thôi nhiễm chất không tốt nếu có".
PGS.TS Ngô Kế Thế