Gạo lứt có tốt hơn gạo trắng?
Gạo trắng là loại gạo đã xát hết vỏ trấu, cám và mầm. Quá trình sơ chế này khiến gạo trắng bị mất đi một số chất chống oxy hoá, vitamin B, khoáng chất, chất béo, chất xơ, một lượng nhỏ protein. 100 gram gạo trắng sẽ chứa khoảng 6,3g protein. Tùy theo từng giống gạo mà chỉ số đường huyết (GI) sẽ khác nhau.
Trong khi đó, gạo lứt là loại gạo còn nguyên cám, chỉ loại bỏ lớp vỏ duy nhất bên ngoài.
So với gạo trắng, gạo lứt có giá trị dinh dưỡng cao hơn nhờ lớp cám gạo. Cám gạo chiếm 7-8% thành phần hạt. Vì vậy, gạo lứt có chứa nhiều chất xơ, vitamin B, một số khoáng chất. 100 gram gạo lứt chứa khoảng 7,2 gram protein, 3,2 gram chất xơ. Loại gạo này chứa nhiều magie, thiamine và sắt, một ít kẽm. Ngoài ra, gạo lứt còn chứa chất béo không no gamma-Oryzanol có tính chống oxy hóa cao (gấp 4 lần vitamin E) tốt cho tim mạch, giảm cholesterol trong máu.
Tuy nhiên, đã là gạo chúng đều cung cấp carbohydrate cho cơ thể. Gạo lứt và gạo trắng có sự khác biệt về mặt dinh dưỡng nhưng tỷ lệ này quá nhỏ so với nhu cầu ăn uống của mỗi người. Việc sử dụng gạo lứt hay gạo trắng mang lại hiệu quả tốt hơn còn tùy thuộc vào từng nhóm đối tượng.
Nhóm người không nên ăn gạo lứt
Người bị bệnh đường ruột
Những người mắc bệnh đường ruột như viêm ruột thừa, tiêu chảy hoặc mới làm phẫu thuật liên quan đến hệ tiêu hóa không nên ăn gạo lứt. Loại gạo này chỉ làm tăng thêm gánh nặng cho bộ máy tiêu hóa của cơ thể.
Người già và trẻ nhỏ
Chức năng tiêu hóa của người già và trẻ nhỏ đều không tốt, do đó việc tiêu thụ các loại lương thực thô như gạo lứt sẽ tạo gánh nặng lớn cho dạ dày.
Người bị bệnh thận
Người có tiền sử mắc bệnh thận cần hạn chế dung nạp phốt pho và kali. Trong khi đó, gạo lứt lại chứa hai chất này nhiều hơn gạo trắng. Do đó, khi mắc bệnh thận, gạo lứt không phải là lựa chọn lý tưởng.
Phụ nữ mang thai hoặc cho con bú
Gạo lứt có thể gây ra gánh nặng cho hệ tiêu hóa của bà bầu và mẹ đang cho con bú. Do đó, gạo trắng là sự lựa chọn thích hợp trong giai đoạn này. Ngoài ra, gạo trắng còn chứa axit folic - khoáng chất cần thiết trong quá trình mang thai, giúp giảm nguy cơ mắc một số dị tật thai bất thường.