Mấy ngày nay, hàng trăm người nhà cùng người bệnh đến Bệnh viện K (Hà Nội) khám chữa ngạc nhiên khi thấy một bà lão có khuôn mặt phúc hậu dắt xe nước miễn phí, tận tình rót mời mọi người uống giữa thời tiết nắng nóng.
Người phụ nữ tốt bụng đó là bà Đinh Thị Thũng (sinh năm 1949, hiện đang sống ở phố Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Việc làm của bà Thũng khiến nhiều người vô cùng cảm kích. Những cốc nước miễn phí của bà khiến mọi người thấy mát lòng giữa cái nắng nóng như thiêu đốt của Hà Nội.
Nhưng ít ai biết rằng, đằng sau tiếng cười vui vẻ của bà lão phúc hậu khi mang nước phục vụ miễn phí cho mọi người là những câu chuyện buồn về cuộc đời, về những khó khăn mà bà đã, đang phải trải qua.
|
Nhiều người cảm kích trước những cốc mước miễn phí của bà Thũng ở Bệnh viện K (Hà Nội). |
Cả gia đình sống nhờ vào những gánh hàng rong
Sinh ra trong gia đình có 6 anh chị em ở Thanh Trì (Hà Nội), vì hoàn cảnh khó khăn nên từ nhỏ đến khi lập gia đình, bà Thũng chỉ ở nhà trông cháu (con của các anh chị) và đi bán hàng rong phụ giúp gia đình. Vì không được đi học nên bà Thũng không biết chữ.
Năm 1971, trong những lần đi bán hàng rong xung quanh phố phường Hà Nội, bà Thũng gặp ông Nghiêm Trọng Chua (sinh năm 1939, quê gốc ở Hà Tây). Sau một thời gian nói chuyện, chia sẻ và tìm hiểu về nhau, hai người trở nên rất thân thiết, rồi tình yêu trong họ nảy nở.
Khi tình yêu giữa hai người trở nên sâu đậm, họ đã về xin phép hai bên gia đình. Nhưng gia đình bà Thũng không đồng ý bởi trước đó ông Chua từng trải qua một lần đò và đã có những đứa con với người vợ trước.
Vì thương người đàn ông một thân một mình nuôi đàn con thơ dại, bà Thũng bất chấp tất cả để quyết định về ở với ông Chua, nên duyên vợ chồng.
Đến năm 1973, hạnh phúc của vợ chồng bà Thũng - ông Chua được nhân lên khi họ chào đón thêm hai thành viên mới là anh Nghiêm Trọng Kiên và một người con gái. Tuy nhiên, lên 21 tuổi, cô con gái của ông Chua và bà Thũng bất ngờ qua đời vì căn bệnh ung thư quái ác.
Để có tiền lo trang trải cho cuộc sống gia đình, nuôi các con ăn học, bà Thũng và ông Chua ngày ngày chăm chỉ lao động. Họ cùng nhau đi bán hàng rong, gánh hàng mã qua các con phố của Thủ đô để kiếm tiền lo đồng ra đồng vào. Nhiều hôm phải thức khuya, dậy sớm đi bán hàng vẫn không đủ miếng ăn, hai ông bà phải nhịn đói.
"Nhiều lần đi bán hàng bị các anh Công an phường, đội trật tự phường đuổi, chúng tôi đều phải gánh hàng chạy trốn. Biết rằng bán hàng rong trên vỉa hè là vi phạm pháp luật nhưng không có công ăn việc làm ổn định, vì cuộc sống mưu sinh nên đành phải chấp nhận như vậy chứ biết làm sao nữa. Nhớ những lần bị Công an phường bắt, tiếc số hàng nếu không nộp phạt thì không xin được về, nếu không xin được về sẽ không biết lấy gì bán mà nuôi sống gia đình nên đành phải bỏ số tiền bán được lên nộp phạt, xin lại...", bà Đinh Thị Thũng chia sẻ.
Sau bao năm tháng đi bán hàng rong, dành dụm và chắt chiu, cả hai vợ chồng bà Thũng cũng xây dựng một ngôi nhà 3 tầng trên phố Phúc Tân.
Vợ 2 năm mổ 3 lần, chồng bại liệt ngồi một chỗ rơi nước mắt
Chưa kịp hưởng niềm vui, niềm vui sướng có nhà mới thì tai họa lần lượt ập đến với gia đình bà Thũng. Năm 2009, đôi mắt của bà Thũng bỗng dưng mờ mờ rồi tối hẳn. Gia đình phải đưa bà đi mổ mắt. Bệnh này chưa qua thì đến năm 2010, bà tiếp tục phải trải qua hai lần mổ mật. Cũng trong năm 2010, ông Chua bỗng dưng bị liệt nửa người.
Để có tiền mua thuốc, chữa trị cho hai ông bà, các con bà Thũng phải bán hết mọi vật dụng có giá trị trong nhà và đi vay mượn. Sau quãng thời gian nằm viện, sức khỏe bà Thũng đã hồi phục nhưng còn ông Chua thì vĩnh viễn liệt nửa người.
|
Chồng bị bại liệt, con đi bán hàng rong nhưng bà Thũng vẫn tự nguyện nấu nước vối miễn phí cho mọi người. |
Thời gian qua đi, các con của bà Thũng và ông Chua dần dần trưởng thành, lập gia đình và ra ở riêng nên thỉnh thoảng mới về thăm bố mẹ. Cũng từ khi chồng bị bại liệt, bà Thũng bỏ hẳn đi bán hàng rong để có thời gian ở nhà chăm sóc cho chồng nên kinh tế càng khó khăn.
"Tụi nó có về nhà đâu, cũng chẳng hay gửi tiền về nữa. Hiện tại, có mỗi Kiên sống nuôi vợ chồng chúng tôi thôi. Trước đây, Kiên cưới vợ nhưng gia đình nhà vợ muốn Kiên ở rể mà nó không ở, vì ở nhà không ai chăm sóc bố mẹ già, chính vì thế nên hai đứa chia tay. Bây giờ Kiên đi chợ bán hàng rong, còn tôi ở nhà phụ giúp việc nhà và chăm sóc cho ông chồng", bà Thũng cho hay.
"Tôi thương ông ấy lắm! Nhiều hôm ông ấy kêu đau người, hai thân già chỉ biết ôm nhau mà khóc thôi. Ông ấy vẫn còn tỉnh táo và nhận thức được, chúng tôi rất muốn chữa bệnh cho chồng nhưng giờ chẳng biết lấy tiền đâu ra?", nói xong đôi mắt bà Thũng đỏ hoe và khẽ đưa ánh mắt nhìn về phía ông Chua đang ngồi im trên chiếc ghế, lúc này đôi mắt của ông Chua cũng đang rưng rưng.
Làm từ thiện giúp mọi người chỉ để đổi lấy tiếng cười
Mặc dù, cuộc sống và kinh tế gia đình còn khó khăn nhưng bà Thũng vẫn dành thời gian và tiền chi tiêu để nấu nước vối miễn phí mời mọi người đến Bệnh viện K (Hà Nội) thăm khám uống.
Nếu hôm nào con trai của bà Thũng đi chợ, bà sẽ cắm trước nồi cơm hoặc nồi cháo, có khi chỉ hấp lại cơm nguội từ tối hôm trước, rồi tranh thủ đem nước ra cho mọi người uống.
|
Bà Thũng tranh thủ nấu trước nồi cháo rồi đem nước miễn phí cho mọi người. |
Theo chia sẻ của bà Thũng, việc làm từ thiện của bà xuất phát từ tấm lòng chứ không ai bắt ép. "Khi đi qua Bệnh viện K, tôi thấy người dân vào khám bệnh rất khát nước, nhưng nhiều người vì khó khăn nên không dám bỏ tiền ra mua nước. Sự thương cảm với họ đã thôi thúc tôi làm như thế này. Tôi nấu nước cho người ta uống miễn phí thì thấy vui, hạnh phúc vì được giúp đỡ người khác, mặc dù gia đình tôi chẳng khá giả gì".
Bà Thũng cho biết: "Việc làm từ thiện của tôi được gia đình ủng hộ. Tiền mua nguyên liệu nấu nước mỗi ngày là tiền tôi bớt lại một ít từ số tiền mà con trai tôi đưa cho mua thức ăn mỗi ngày. Khi nào sức khỏe còn tôi vẫn còn làm từ thiện, chứ không thể hứa trước làm được lâu dài. Được giúp đỡ người khác khiến lòng tôi vui rồi".
Mới đầu, hình ảnh bà Thũng dắt xe nước miễn phí đến trước cổng Bệnh viện K khiến mọi người rất ngạc nhiên. Nhiều người chưa dám uống vì sợ rằng phải mất tiền, nhưng sau khi nghe những lời từ tấm lòng mong muốn làm từ thiện của bà Thũng thì mọi người ai nấy cũng đều rất cảm kích.
Bà Thũng cho hay, buổi sáng bà thường dậy từ lúc 4h30 để bắt đầu đun nước, đến khoảng 9h30 thì mang nước ra trước Bệnh viện K, còn chiều thì 15h. Nước vối được bà Thũng đun sôi kĩ cho đảm bảo vệ sinh. Chi phí mua nụ vối, than, cốc có thể lên đến hàng trăm nghìn mỗi ngày nhưng bà Thũng thấy rất vui khi được chia sẻ tấm lòng với mọi người.
Nói về hoàn cảnh gia đình bà Thũng, ông Nguyễn Sĩ Chi, Tổ trưởng tổ 21 phố Phúc Tân, cho biết: "Gia đình bà Thũng có chồng bại liệt, gần như toàn bộ việc kiếm tiền cho gia đình đều dựa vào một cậu con trai. Việc làm từ thiện của bà Thũng khiến chúng tôi cũng bất ngờ, nhưng thấy tấm lòng thơm thảo của bà nên mọi người cũng gửi lời động viên và ủng hộ bà một cách nhiệt tình".