90% không biết mắc bệnh
Glôcôm là bệnh lý phức tạp, dễ dẫn đến mù lòa do làm tổn thương dây thần kinh mắt nếu việc phát hiện và điều trị không kịp thời. Là bệnh phổ biến và cũng là nguyên nhân thứ hai gây mù nhưng bệnh có thể đề phòng và chữa được. Mù do glôcôm chiếm 10%, tỷ lệ người trên 40 tuổi bị mắc bệnh glôcôm nguyên phát từ 0,18-2,1%.
Đáng lo ngại là sự tiến triển âm thầm của bệnh, đặc biệt trong giai đoạn sớm 50% số bệnh nhân ở nước phát triển và 90% bệnh nhân ở nước đang phát triển không biết mình đang mắc bệnh. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, từ lúc mới sinh đến người già. Độ tuổi thường gặp nhất là trên 40, nữ nhiều hơn nam chiếm tỷ lệ 4/1.
Phần lớn bệnh nhân bị glôcôm nhưng không biết, mắt mờ dần không nhức, đến khi phát hiện ra thì bệnh đã ở giai đoạn nặng. Khi bệnh giai đoạn nặng thì việc điều trị sẽ tốn kém, lâu dài và không phải lúc nào cũng thành công.
|
TS.BS Trần Thị Phương Thu, Giám đốc Bệnh viện Mắt kỹ thuật cao Phương Nam TPHCM đang khám mắt cho bệnh nhân. |
Khi nào đi khám bệnh?
Glôcôm thường không có triệu chứng rõ ràng mà chỉ thấy mắt mờ dần, từ từ và bản thân tưởng đơn thuần do tuổi tác. Đôi khi bệnh nhân có cảm giác nặng mắt, nặng đầu, biểu hiện đột ngột với nhức nửa đầu, đau đầu như búa bổ, mờ mắt, nhìn có sương mù trước mắt, mắt thấy vầng hào quang xanh, đỏ, buồn nôn, nôn. Dạng bẩm sinh, trẻ dưới 3 tuổi nếu bị glôcôm thường sợ ánh sáng, chảy nước mắt, giác mạc to ra, phù đục.
Những người có nguy cơ cao mắc bệnh này là người bị viễn thị, cận thị, mắt lão thị sớm, tiền sử gia đình, người lớn tuổi có các bệnh toàn thân như cao huyết áp, bệnh đái tháo đường, điều trị corticoid kéo dài, đục thể thủy tinh chín phồng, chấn thương đầu, mắt.
Để đề phòng ngừa bệnh glôcôm, nên đi khám mắt định kỳ, người trên 40 tuổi nên đi kiểm tra tổng quát để phát hiện nguy cơ, nhất là những người trong gia đình có người bị glôcôm. Nếu phát hiện có nguy cơ hoặc bệnh thì việc theo dõi sẽ theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu không có nguy cơ thì cũng nên vài năm (2 - 3 năm) nên kiểm tra định kỳ lại.