Trẻ con cũng biết chữa bệnh
Giám đốc Khu di tích ATK hiện nay là Thạc sĩ Sử học Đồng Khắc Thọ, ông Thọ còn là nhà nhiếp ảnh nổi tiếng và là nhà báo kỳ cựu. Từ khi nhận nhiệm vụ mới ở ATK, ông Thọ vẫn không quên được nghề tay trái là viết báo, nên những lúc rảnh rỗi ông lọ mọ vào các bản làng tìm hiểu về con người vùng đất ATK.
Có lần ngồi chuyện trò với Đồng Khắc Thọ ở Thái Nguyên, ông không khỏi xuýt xoa lẫn những kinh ngạc về vùng đất này. Ông bảo, ở đây bà con giỏi y dược hơn làm ruộng. Có khi, đến đứa trẻ con cũng biết chữa bệnh vì từ khi sinh ra đã được tiếp xúc với thuốc.
Nhà văn Sơn Tùng trong thời kỳ hoạt động ở ATK cũng kể lại những chuyện lạ ở vùng đất này. Ông bảo, vùng đất ấy số đông bà con là người Tày bản địa. Là vùng rừng núi nên quy tụ nhiều loại đông trùng hạ thảo quý hiếm. Bà con hầu như không ai được học Đông y nhưng cứ cha truyền con nối nên ai cũng biết lấy thuốc, biết bào chế lẫn bắt mạch, kê đơn. Cũng nhờ người Tày ở ATK mà nhiều cán bộ cao cấp và chiến sĩ của ta được chữa trị kịp thời.
Theo nhà văn Sơn Tùng, việc trẻ em ở ATK biết chữa bệnh là không ngoa. Vì hầu hết thời xưa nhà ai cũng tự trị bệnh chứ không có bệnh xá như bây giờ. Do tập tục sống dựa vào thiên nhiên núi rừng nên trẻ em vùng này được tiếp xúc với các loại thuốc, được chỉ dạy cách tự chữa trị khi bản thân có bệnh nên dần dà mỗi người là một lương y.
Ông Nguyễn Văn Ninh, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Trung Lương cho hay: "Trên địa bàn ATK mà để thống kê số lượng các lương y thì không xuể nhưng để thực sự nổi bật, cứu được nhiều người thì bây giờ cũng hiếm hơn ngày trước. Chỉ còn lại một số gia đình có bài thuốc gia truyền thì mới hoạt động chữa bệnh mà thôi".
|
Sách về "thần chú" chữa bệnh. |
Bốn đời cứu người
Một trong những gia đình ở ATK còn giữ được nghề thuốc là ông Nguyễn Đình Su ở xã Trung Lương. Tính đến nay, ông Su là đời thứ 4 theo nghề bốc thuốc cứu người. Ông Su bảo: "Các cụ nhà tôi chỉ chuyên chữa trị về khớp nên tôi phải theo vì chẳng có ai muốn theo nghề cả. Nhiều gia đình làm thuốc lâu đời cũng đã giải tán cả rồi. Rừng không còn nhiều nên thuốc cũng cạn kiệt nên sống được với nghề không dễ".
Nhà ông Su không thuộc loại giàu có nhưng khá rộng rãi. Ông thừa nhận, đó là thành quả của nghiệp thuốc mấy chục năm mà có. Vả lại, ông phải xây dựng và cơi nới ngôi nhà thêm rộng rãi để bệnh nhân có chỗ tá túc.
Hôm chúng tôi đến, nhà ông Su cũng có hơn chục bệnh nhân đang điều trị. Ông Su cho hay, bệnh nhân đến đây chủ yếu là các bệnh liên quan đến khớp, thoái hoá cột sống, thoát vị đĩa đệm và một số bệnh liên quan đến thần kinh và gan.
Ông Su kể, nghề thuốc nhà ông bắt đầu từ cụ Nguyễn Đình Tiền. Cụ Tiền là một trong những lương y giỏi nhất nhì vùng Bắc Thái cũ, từng được triệu vào cung để chữa trị bệnh cho vua quan triều Nguyễn. Sau này khi cụ Tiền sắp qua đời mới truyền lại nghề cho con cháu.
Nhiều lúc tưởng nghề y của gia đình họ Nguyễn Đình thất truyền nhưng dần dần cũng được khôi phục. Bố của ông Su là cụ Nguyễn Đình Ngân cũng là lương y tài danh. Khi cách mạng đặt ATK là căn cứ địa, cụ Ngân cũng sôi nổi tham gia phong trào cùng nhân dân địa phương. Nhiều lần, cụ Ngân chữa trị các bệnh liên quan đến xương khớp cho cán bộ và chiến sĩ.
Ông Su bảo: "Ở ATK thì mỗi gia đình lại có chuyên ngành về một thứ bệnh. Có gia đình chuyên khớp, có người chuyên xương, lại có gia đình chỉ chữa mỗi bệnh về gan, mật hoặc mắt. Nhưng số nhiều qua thời gian năm tháng thì thất truyền. Như gia đình tôi cũng thế, trước đây các cụ còn giỏi về chữa vô sinh nhưng tôi bất tài nên không học được".
|
Ông Su ấn huyệt cho bệnh nhân bằng một loại thuốc đã chiết xuất. |
Bài thuốc bí ẩn
Trong ngôi nhà của ông Su, hơn chục bệnh nhân quấn nilon đầy người, đặc biệt là vùng cổ và thắt lưng. Tôi hỏi ông Su vì sao làm vậy? Ông Su cười bảo: "Cách chữa này nghe qua thì dị biệt nhưng kết quả cuối cùng có khỏi hay không thì mới quan trọng".
Đó là các bệnh nhân bị thoái hoá cột sống hoặc thoát vị đĩa đệm mà ông Su đang chữa trị. Cứ một ngày hai lần, ông Su cho thuốc vào chảo rang cho thật nóng rồi đắp vào chỗ đau của bệnh nhân, sau đó rịt bằng nilon cho thật kín. Chị Trần Thị Nhạn quê Xuân Trường (Nam Định) bị vôi hoá cột sống đã chữa trị ở đây một tháng, cho hay: "Chưa biết tác dụng của thuốc đến đâu nhưng lúc đầu đắp thuốc vào thì toàn thân nóng ran, có lúc lại cảm thấy lạnh ngắt".
Ông Su tiết lộ, bài thuốc chữa xương khớp mà tổ tiên để lại khá phức tạp. Nó là bài thuốc nhiều vị nhất trong các bài thuốc chữa bệnh. Ông Su khước từ tiết lộ gồm những vị thuốc gì nhưng ông thành thật là gần 100 loại thuốc tổng hợp lại. Hiện tại, ông phải thuê 3 người địa phương liên tục lên Tuyên Quang hái thuốc vì ở Thái Nguyên gần như đã cạn kiệt.
Các vị thuốc mà ông Su dùng gần như rất quen thuộc với người dân. Tuy nhiên, ông Su tiết lộ: "Có một số vị là chất kịch độc nên không phải dễ bào chế. Chỉ cần sai liều lượng một chút là bệnh nhân sẽ nguy hiểm. Không phải tôi bí mật giấu giếm phương thuốc mà sợ người khác làm theo nhưng không chuẩn thì hậu quả sẽ không thể lường được".
|
Ông Su khoe một vị thuốc lạ. |
Cách chữa trị của ông Su ngoài đắp thuốc thì còn xoa bóp ấn huyệt, thậm chí, còn có cả bùa chú. Trong khi ông Su ấn huyệt cho bệnh nhân, thì miệng lẩm bẩm gì đó. Ông Su mới đưa ra một quyển sách và bảo, đây là "thần chú" tổ tiên để lại. Thực ra đây là liệu pháp tâm lý để bệnh nhân và lương y an lòng, chứ "thần chú" không hề có tác dụng đến bệnh tật.
Theo ông Su, bệnh nhân bị xương khớp càng ít dùng thuốc Tây thì càng dễ chữa trị. Bệnh nhẹ có thể chữa từ 1 - 2 tuần, còn nếu nặng có thể lên tới cả năm trời. Thậm chí, có bệnh nhân vì bị tai nạn quá nặng mà phải chữa trị đến 2 năm mới hoàn tất.
Vì các vị thuốc ông Su không mất tiền mua mà chỉ mất công vào rừng tìm kiếm nên hầu như số tiền mà bệnh nhân bỏ ra là không đáng kể. Tuy nhiên, ông Su cũng khuyên bệnh nhân nên đến các cơ sở y tế và chữa trị bằng phương pháp y học hiện đại. Vì nếu chữa bằng Đông y, thì thời gian mà bệnh nhân phải bỏ ra là không nhỏ.
"Trên khu vực xã Trung Lương nói riêng và vùng ATK nói chung có khá nhiều lương y, số nhiều làm nghề gia truyền chứ không có bằng cấp và không được đào tạo bài bản. Vì phong tục, tập quán nên bà con người Tày bản địa có những cách chữa trị bệnh rất độc đáo, hiệu quả. Tuy nhiên, bệnh nhân cũng nên cảnh giác với những người tự xưng là lương y mà không có trình độ thực sự".
Ông Nguyễn Văn Ninh (Trạm trưởng Trạm Y tế xã Trung Lương)