Kéo dài thời gian làm lạnh
41/50 người dân tại khu vực Thanh Nhàn, Quỳnh Mai (Hai Bà Trưng, Hà Nội) khi được hỏi về việc sử dụng tủ lạnh đều cho biết đã dùng trên 3 năm nhưng chưa bao giờ tính đến chuyện nạp gas. Chỉ có 7 người trong số đó đã từng nạp gas nhưng đó là do tủ lạnh hỏng gọi thợ đến sửa và "họ bảo hết gas thì nạp".
Ông Nguyễn Quốc Khánh (269, ngõ Quỳnh) cho biết, nhà ông vẫn dùng tủ lạnh đóng tuyết hiệu Whirlpool đến mười mấy năm nay mà chưa nạp gas bao giờ. Mặc dù vậy, ông cũng công nhận tủ bây giờ nhanh đóng tuyết và làm lạnh kém hơn trước đây. "Tuần nào cũng phải xả đá, cho tủ nghỉ thì mới chạy tiếp được, không thì tuyết dày đóng thành đá, không đóng nổi cửa tủ", ông Khánh chia sẻ.
KS điện - điện tử Nguyễn Huy Bạo, nguyên cán bộ Viện Kỹ thuật Quân sự cho hay, tủ lạnh khi sử dụng lượng gas trong máy nén sẽ bắt đầu tiêu hao dần. Tủ lạnh hoạt động thông thường bao giờ cũng có chu kỳ đóng/ngắt điện, nghĩa là tủ chạy vừa đủ độ lạnh sẽ tạm ngắt và rồi sau đó hết chu kỳ lại đóng điện tự động cho động cơ chạy làm lạnh.
Tủ lạnh yếu gas sẽ kém lạnh hơn khiến cho thời gian đóng điện để chạy lạnh kéo dài hơn, bơm gas lâu hơn nên chắc chắn sẽ ngốn điện hơn. Đấy là chưa kể đến công nghệ cũ cũng ít chú ý đến tiết kiệm năng lượng. Các tủ lạnh đời cũ thường chỉ có thiết kế dung tích nhỏ, khoảng 130 - 170 lít, nhưng công suất tủ cũng phải khoảng 250w, trong khi đó các dòng tủ lạnh đời mới dung tích đến 300 - 400 lít, công suất điện tiêu thụ cũng chỉ 90 - 130w.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Phan Kiên, Viện Điện tử Viễn thông, trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, thông thường trong vòng 1 năm, tối đa là 2 năm, người sử dụng phải thay gas, tuy nhiên, rất ít người để ý đến điều này. Khi ấy tốt nhất người sử dụng nên chủ động gọi thợ sửa chữa đến nhà kiểm tra, để có thiết bị cân xem lượng gas thiếu hụt bao nhiêu để từ đó bổ sung. Tuyệt đối không được tự ý thay gas, bởi nếu thay không đúng kỹ thuật dễ xảy ra chập, nổ.
|
Người sử dụng nên chủ động gọi thợ sửa chữa kiểm tra lượng gas thiếu hụt để bổ sung. |
Giữ tủ cũ làm ổ... chuột
Theo KS Nguyễn Huy Bạo, thông thường một chiếc tủ lạnh có tuổi thọ trong khoảng 5 - 10 năm, tuy nhiên, nhiều khi người sử dụng cũng không để ý, thậm chí có thói quen dùng đến lúc hỏng, không sửa được nữa thì mới thôi, có những tủ vừa mở cửa đã thấy có mùi khó chịu mà người dân vẫn cố dùng thêm. Tủ lạnh nên thay là khi mở cửa tủ ra thấy có mùi khó chịu của thức ăn để lâu ngày. Nếu vệ sinh mà vẫn không hết mùi thì tốt nhất nên thay tủ mới.
"Tủ lạnh dùng lâu đời, đến cả chục năm thì vỏ ngoài cũng bong tróc, gỉ sét, còn lớp nhựa bên trong cũng thoái hóa dần theo thời gian, thậm chí ố mốc, thủng nứt. Khi đó, tủ sẽ không còn đảm bảo an toàn cho người sử dụng, hiệu quả lưu trữ thực phẩm cũng kém đi. Thậm chí nếu không được vệ sinh sạch sẽ thì tủ còn là nguồn gây ô nhiễm thức ăn", KS Nguyễn Huy Bạo khuyến cáo.
TS Nguyễn Phan Kiên cho biết thêm, hiện có không ít người có thói quen giữ lại tủ cũ, hỏng với hy vọng tận dụng vào việc gì đó. Thực tế, tủ lạnh đã hỏng gần như không thể sử dụng được vào việc gì, ngoài việc dùng để đựng các đồ lặt vặt hay sách báo cũ... Tuy nhiên, thực tế diện tích bên trong tủ lạnh khá nhỏ nên chứa không được là bao, đặc biệt, phía sau tủ lạnh có gầm lớn sẽ là nơi để chuột làm ổ. Vì thế, tủ lạnh cũ, hỏng tốt nhất là nên thanh lý, dù giá có rẻ như cho.
KS Nguyễn Huy Bạo cho biết, các loại tủ lạnh đóng tuyết đời cũ sử dụng gas thải chất CFC gây ảnh hưởng xấu tới tầng ozone. Tuy nhiên, khí gas đó chỉ độc hại đối với môi trường khi lọt ra ngoài, còn khi hệ thống làm lạnh của tủ vẫn hoạt động bình thường thì khí gas đó vẫn được giữ trong hệ thống kín. Khi tủ lạnh cũ, hỏng, các hoạt động thay gas hoặc vứt bỏ bình chứa gas ra ngoài môi trường mới gây hại. Chính vì vậy, ở các nước tiên tiến, những loại rác thải từ máy móc, đồ điện, điện tử đều phải được thu gom riêng để xử lý đúng quy trình đảm bảo an toàn cho môi trường và con người.
Các chuyên gia cho biết thêm, trong khoảng 2 tuần đến 1 tháng là phải vệ sinh tủ lạnh chứ không phải là vài tháng như nhiều người nghĩ.