Trên thực tế, mọi thiết bị đều có thể dựng, có thể nhái và có thể làm giả, tuy nhiên, trên thị trường xuất hiện nhiều nhất cũng như hay gặp nhất đó chính là điện thoại. Cho dù là một sản phẩm cao cấp hay một sản phẩm giá rẻ đều có thể được làm giả, làm nhái hay đạo đức hơn một chút đó chính là hàng dựng. Vậy hàng dựng là gì? Điểm khác biệt giữa hàng dựng hàng nhái và những cách phân biệt hàng dựng so với thiết bị thông thường? những thông tin giới đây sẽ phần nào giải đáp những thắc mắc đó.
Thế nào là hàng dựng?
Đây là một khái niệm khá rộng lớn và tùy theo cách hiểu của từng người. Phải là một người thực sự có kinh nghiệm trên thị trường điện thoại mới có thể thể định nghĩa một cách chính xác hàng dựng là như thế nào? Tuy nhiên, về phía người dùng chúng ta cũng sẽ có những nhận định riêng.
Hàng dựng (hay ngôn ngữ thương gia gọi là hàng đóng lại) là các sản phẩm thường được nhập từ các xưởng gia công dựng lại đặt tại Trung Quốc. Ở đây, các công nhân sẽ thay thế và tái chế các sản phẩm đã qua sử dụng và hỏng hóc để có một thiết bị mới có thể sử dụng được. Các sản phẩm thường được nhập lại với số lượng vô cùng lớn từ nhà mạng hay các nhà phân phối sau quá trình đổi trả bảo hành cũng như nhập mua các sản phẩm hỏng hóc từ người sử dụng. Ở đây, các thiết bị sẽ được phân loại thành nhiều mức với giá thành khác nhau.
|
Thị trường điện thoại cũ chứa đựng rất nhiều rủi ro |
Với hàng đẹp, nguyên bản, chưa sửa chữa có thể được đẩy đi ngay với mức giá cao và không cần phải bàn cãi. Còn tất cả các thiết bị còn lại sẽ được sửa chữa và thay thế để tạo thành sản phẩm sử dụng tốt, mẫu mã tương đối đem đi tiêu thụ. Tùy vào hình thức và mức độ sửa chữa, các máy sẽ có giá bán, số lượng khác nhau. Tất nhiên, với đặc điểm như vậy, hàng dựng chỉ xuất hiện ở thị trường điện thoại cũ và đáng tiếc, đây là thị trường sôi nổi nhất hiện nay tại Việt Nam.
Một điểm cần lưu ý đối với người tiêu dùng đó là hàng nhái và hàng dựng khác nhau rất nhiều. Hàng nhái thông thường chỉ có ngoài hình tương đối giống với sản phẩm chính hãng nhưng về chức năng, hệ điều hành đều có sự khác biệt và giá thành vô cùng rẻ, ví dụ nổi bật như một chiếc iPhone chạy hệ điều hành Android chẳng hạn . Đối với hàng dựng, người tiêu dùng vẫn đang sở hữu trong tay một thiết bị chứa đựng linh kiện từ nhà sản xuất nhưng đã được "mod" lại theo ý các xưởng sản xuất, bởi vậy, có nhiều trường hợp hàng dựng vẫn có thể sử dụng được bình thường và ít gặp lỗi lầm.
Cách phân biệt hàng dựng
Mỗi hãng điện thoại đều có những cách phân biệt hàng dựng khác nhau tuy nhiên vẫn có những cách cơ bản dành cho bạn, những người đang tìm mua một chiếc điện thoại cũ với mức giá tốt.
Điện thoại dựng thường có những đặc điểm sau:
- Vỏ máy còn rất mới nhưng khá ọp ẹp và chất liệu nhựa cảm giác dại, không bền.
- Trên máy thường có rất nhiều tem chằng chịt nhau, một phần vì đã qua nhiều tay buôn và một phần do lắp ráp qua nhiều bộ phận. Thông thường tem này thường có tiếng Trung Quốc.
- Sử dụng không mượt mà, các phím bấm cứng và gần như chưa có dấu hiệu sử dụng....
- Màn hình có màu sắc không đồng đều, quá ám màu và đục, các viền màn hình do làm thủ công với tốc độ cao sẽ không khít và nhiều trường hợp sẽ bị loang màu hay loang keo do chất lượng kém
- Và tất nhiên cuối cùng là hàng dựng có giá thành rất rẻ và đặc biệt được các thương gia bảo hành khá ấn tượng do giá linh kiện rẻ, dễ dàng thay thế.
Ngoài ra, nhiều người tiêu dùng có một phương pháp rất phổ thông đó là xem dấu hiệu ốc có bị mở ra hay không, song, cách này hiện nay rất lỗi thời. Theo các thương gia được đánh giá cao trên thị trường, việc họ nhập sản phẩm về cũng phải tháo ốc để xem qua linh kiện bên trong nhằm đảm bảo quyền lợi của mình cũng như quyền lợi của khách hàng, vì thế sẽ không tránh hỏi tình trạng ốc bị xước xát cũng như có dấy hiệu tháo mở.
|
Để tránh mua phải hàng dựng, người dùng nên chuẩn bị tốt các kiến thức cũng như không quá ham rẻ.
|
Bên cạnh đó, các thương gia cũng đã phân loại sản phẩm thành các mức khác nhau với giá thành giảm dần theo hình thức và chất lượng.
Loại A: Đẹp, không xước, nguyên bản như mới, thông thường loại này được nhập trực tiếp từ người dùng muốn đổi máy hay hàng refurbished từ nhà sản xuất.
Loại B: Main, màn hình, cảm ứng nguyên bản, thay vỏ mới hoặc vỏ cũ hình thức xấu
Loại C: Main nguyên bản, thay màn hình, thay cảm ứng, thay vỏ mới (không nên mua)
Loại D: Máy dập nát, rơi nước phải sửa chữa main, thay toàn bộ màn hình, cảm ứng, vỏ tàu khựa. (không nên mua).
Trên thực tế, các thương gia uy tín, các cửa hàng bán lẻ lớn sẽ chỉ nhập về loại A hay loại B mà thôi, loại C, loại D tuy số lượng về ít nhưng không phải không có. Người tiêu dùng phải hết sức cẩn thận trước những đợt khuyến mãi, giảm giá, xả hàng nhân dịp cuối năm hay một ngày lễ nào đó trong năm. Bởi bất kỳ sự cạnh tranh về giá nào cũng sẽ có những bất cập ở trong đó, dân gian có câu " không ai cho không ai cái gì cả". Bạn hãy là người tiêu dùng thông minh, hiểu biết về sản phẩm, sẵn sàng tâm lý đối mặt với các thương gia, người bán hàng trước khi mua một chiếc điện thoại và quan trọng hơn, đừng chạy theo lợi ích về giá.
Dẫu vậy, các xưởng sản xuất điện thoại dựng cũng có những chiến lược riêng của mình, họ luôn nhắm tới các mẫu sản phẩm có mức tiêu thụ cao như iPhone, Samsung Hàn Quốc, LG, các dòng Sky hay điện thoại xách tay. Bởi vậy, hàng dựng xuất hiện nhiều và tràn lan trên thị trường nhưng sẽ không thực sự đa dạng như hàng chính hãng.