Những thay đổi của DDR4
Hiện tại, thị trường link kiện PC đang có 3 loại RAM chính: DDR3, DDR3L (dùng cho laptop) và DDR4.
Những thay đổi đáng chú ý nhất của RAM DDR4 so với người tiền nhiệm DDR3 gồm: gia tăng số tuỳ chọn xung nhịp (clock) và chu kỳ (timing), giảm điện năng tiêu thụ (power saving) và giảm độ trễ (latency). Hiện tại, DDR3 đang được giới hạn chủ yếu ở 4 mức xung nhịp 1333, 1600, 1866 MHz. Mức 2133 MHz đang là mức giới hạn xung nhịp về lý thuyết cho DDR3, trong khi các mức 800 MHz và 1066 MHz giờ đã không còn được tiếp tục sản xuất.
Trái lại, DDR4 hiện tại đang không có mức giới hạn nào cả, hay nói chính xác là chưa một nhà sản xuất nào có thể đạt tới mức xung nhịp giới hạn của DDR4. Các kỷ lục xung nhịp DDR4 liên tục bị phá vỡ. Ví dụ, mới vào tháng trước, G.Skill vừa kịp ra mắt các mẫu RAM 32 GB xung nhịp 3000 MHz thì ngay sau đó, nhà sản xuất này đã ra mắt những sản phẩm có xung nhịp lên tới 4266 MHz.
Tiếp đến là khả năng tiêu thụ điện năng hiệu quả hơn. Trong khi DDR3 sử dụng điện áp 1,5 Volt theo mặc định và 1,975 Volt trên các máy ép xung thì DDR4 lại có thể hoạt động tốt ở mức 1,2 Volt và thậm chí là giảm xuống mức tối thiểu 1,05 Volt. Ngay cả chuẩn DDR3 được thiết kế cho các máy tiết kiệm điện năng là DDR3L cũng chỉ có thể giảm tới mức 1,35 Volt.
Nói một cách dễ hiểu, RAM DDR4 hứa hẹn truyền dữ liệu ở tốc độ cao hơn trong khi vẫn có thể giúp chiếc PC của bạn hoạt động ổn định hơn (vì tiêu thụ ít điện năng hơn). Khả năng hoạt động ở điện thế thấp giúp giảm thiểu rủi ro cháy RAM khi ép xung, đồng thời giảm sức ép của các ứng dụng nặng ký lên toàn hệ thống.
Lợi thế cuối cùng của DDR4 so với DDR3 là mức dung lượng tối đa cho phép trên một bo mạch chủ: 512 GB, gấp 4 lần mức giới hạn của DDR3. Tuy vậy, trong thực tế, chưa một hệ thống PC nào có thể đạt tới các mức giới hạn này (không tính các máy trạm và máy chủ).
Thử nghiệm thực tế với Haswell-E và Skylake
Hiện tại, số lượng các chip có hỗ trợ DDR4 vẫn là chưa nhiều: chỉ một số mẫu vi xử lý thế hệ Haswell-E cũng như các chip 4 nhân Skylake của Intel.
Khi DDR4 ra mắt vào năm ngoái cùng Haswell-E, trang công nghệ Anand Tech đã tiến hành thử nghiệm chạy một loạt các tựa game nặng ký như GTA V, Shadow of Mordor và Total War trên 2 chiếc PC cùng sử dụng chip Core i7 6700K. Kết quả thử nghiệm cho thấy mức khác biệt giữa 2 thế hệ RAM (DDR4-2133 và DDR3-1866) là gần như không tồn tại.
Ví dụ, trong thử nghiệm với tựa game GTA V, mức khác biệt trên nhiều mẫu card màn hình thậm chí còn chưa đạt tới mức 1 khung hình/giây. Trong các tựa game khác, mức khác biệt cũng thường không vượt quá 3 FPS, một con số khá thấp khi xét tới mức > 100 FPS mà 2 chiếc máy thử nghiệm đạt được khi trang bị card màn hình "khủng".
Khác biệt có ý nghĩa thực tế duy nhất chỉ xuất hiện trên các ứng dụng chuyên nghiệp. Khi tiến hành thử nghiệm bung nén file RAR độ lớn 1,52 GB, DDR4 có thể đạt được mức chênh lệch vào khoảng 2 giây. Trong khi con số này là không đáng kể, những người dùng thường xuyên phải thực hiện các tác vụ xử lý dữ liệu dung lượng lớn có thể sẽ tiết kiệm được khá nhiều thời gian khi chuyển sang DDR4.
Chi phí để tận hưởng lợi ích của DDR4 vẫn là khá cao
Như vậy, sự khác biệt về hiệu năng giữa DDR4 và DDR3 là có tồn tại nhưng không đáng kể trong phần lớn các trường hợp sử dụng. Kịch bản tương tự cũng lặp lại với yếu tố giá thành: theo khảo sát của chúng tôi đối với các dòng RAM Kingstom trên các trang bán link kiện PC phổ biến tại Hà Nội, giá một thanh DDR4 dung lượng 8 GB có mức chênh lệch thấp nhất là 250.000 đồng và cao nhất là hơn 1 triệu đồng (lưu ý rằng dòng RAM Savage cao cấp của Kingston có giá thành và hiệu năng cao hơn hẳn dòng Fury). Điều đáng mừng là giá DDR4 đã liên tục giảm trong năm vừa qua, và chắc chắn sẽ tiếp tục giảm hơn nữa khi dòng RAM này được phổ biến rộng rãi.
Dù cho mức khác biệt chỉ vào khoảng vài trăm nghìn đồng sẽ là không đáng kể, phần lớn các chi phí mà bạn phải bỏ ra khi nâng cấp sẽ thuộc về vi xử lý và bo mạch chủ. Như đã khẳng định ở trên, số lượng CPU hỗ trợ DDR4 vẫn còn khá thấp và phần lớn các mẫu PC dành cho game thủ/người dùng đồ họa hiện nay vẫn tiếp tục thuộc về các thế hệ vi xử lý cũ, ví dụ như Haswell.
Bạn đã nên đầu tư vào DDR4 hay chưa?
Câu trả lời rõ ràng là chưa, ít nhất trong 2016 này. Hiện tại, số lượng game cao cấp và ứng dụng chuyên nghiệp có thể tận dụng được tối đa những lợi ích của DDR4 vẫn là quá ít ỏi. Lợi ích mà DDR4 mang lại so với DDR3 rõ ràng là có tồn tại, nhưng vẫn là chưa đủ để người dùng bỏ ra thêm các khoản chi phí đắt đỏ đi kèm khi phải nâng cấp cả CPU và bo mạch.
Ngược lại, nếu bạn buộc phải mua một chiếc PC hiệu năng cao trong năm nay thì bạn cũng không có lý do gì để tiếp tục ở lại với DDR3. Sự chênh lệch về giá giữa những các mẫu RAM DDR3 và DDR4 đang ngày một thu hẹp, và lựa chọn DDR4 sẽ cho phép bạn có thêm nhiều lựa chọn khi nâng cấp chiếc máy tính của mình trong tương lai.