Đây là kết quả nghiên cứu mới nhất
của các nhà khoa học ở Trung tâm Nghiên cứu và Triển khai công nghệ bức
xạ (Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam).
Cột lọc nước trộn bạc nano
Khi đi thực tế sản phẩm tại khu vận hành thiết bị, PGS.TS Nguyễn Quốc Hiến, Trung tâm Nghiên cứu và Triển khai công nghệ bức xạ (Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam) cho tôi xem cột lọc nước sứ xốp dạng ống đã được trộn bạc nano (AgNPs). So sánh với các loại cột lọc có trên thị trường (với cùng thời gian thử nghiệm, cùng lọc khối lượng nước như nhau - PV), bề mặt cột lọc sứ có trộn bạc nano sau khi lọc vẫn duy trì màu sáng, sạch. Còn cột sứ xốp thường thì có quá nhiều vi sinh vật phát triển, nhiều cụm mốc đen lấm tấm và rất nhanh tắc nghẽn khi lọc.
Lý giải về hiện tượng trên, PGS.TS Nguyễn Quốc Hiến cho biết, lõi lọc sứ xốp có bạc nano có hiệu lực diệt vi sinh vật cao, hạn chế hiện tượng tắc nghẽn sinh học. Nguyên vật liệu, hóa chất sử dụng trong nghiên cứu sản xuất sản phẩm này là bạc nitrat (AgN03), axit sulphurich loại tinh khiết, khối xứ xốp lọc nước hình trụ và một số vật dụng phục vụ nghiên cứu khác như nguồn chiếu xạ gamma SVST Co -60...
|
Thiết bị lọc nước quy mô hộ gia đình thường dùng lọc nước uống. |
PGS.TS Nguyễn Quốc Hiến cho biết: "Chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu chế tạo và lựa chọn loại bạc nano thích hợp để ngâm tẩm với sứ xốp hiện đang sử dụng lọc nước quy mô gia đình trên thị trường. Sau đó nghiên cứu thiết lập quy trình gắn bạc nano lên sứ xốp thông qua chất liên kết. Hàm lượng bạc khoảng 200 - 250mg/kg gắn ổn định trong sứ xốp".
Kết quả kiểm định của Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường 3 và các trung tâm phân tích về thành phần kháng khuẩn, diệt khuẩn trên nhiều mẫu nước lọc bằng loại lõi lọc này cho kết quả đạt tiêu chuẩn cho phép. Hiệu lực diệt khuẩn e.coli tốc độ lọc nước 5 lít/giờ, đạt TCVN (6096-2004) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về tiêu chuẩn nước uống, nước uống đóng chai. Hàm lượng bạc ly giải từ cột sứ xốp lọc nước vào trong nước từ 0,3 - 10microgam/lít, đạt tiêu chuẩn khuyến cáo của WHO (100microgam/lít = 0,1ppm).
|
Cột lọc nước có thành phần bạc nano có thể lọc nước uống trực tiếp. |
Thiết thực với quy mô hộ gia đình
Nhận định về sản phẩm trên, GS.TSKH Vũ Đình Huy, Khoa Công nghệ Vật liệu, trường Đại học Bách khoa TPHCM cho rằng: Về nguyên lý hoàn toàn làm được và sử dụng được những sản phẩm có kết hợp phối trộn với bạc nano. Tuy nhiên, vấn đề cần phản biện ở đây là thành phần bạc nano này có đảm bảo về độ tinh khiết. Đồng thời, phải đảm bảo về kích thước, vì kích thước bạc nano nhỏ thì càng tăng độ tiếp xúc bề mặt của sản phẩm. Hơn nữa, đây là sản phẩm liên quan đến an toàn thực phẩm, an toàn sức khoẻ người tiêu dùng về pháp lý nên phải có giấy phép của Bộ Y tế, cơ quan chức năng về an toàn thực phẩm mới được lưu hành trên thị trường.
GS.TSKH Lê Huy Bá, Viện trưởng Viện Môi trường, trường Đại học Nguyễn Tất Thành, TPHCM cho biết: Việc sử dụng vật liệu sứ xốp như bình sứ, cột sứ dạng khối, sứ rỗng bán cầu được đánh giá là hiệu quả và phổ biến. Cách làm này không ly giải bất cứ thành phần nào từ vật liệu lọc hay không tạo sản phẩm phụ ảnh hưởng xấu đến chất lượng nước và sức khoẻ con người.
|
So sánh hai loại cột lọc nước, loại không chứa bạc nano dễ bị vi sinh vật,
nấm mốc xâm nhập. |
Dù vậy, nó cũng có một số tồn tại như cột lọc sứ xốp nguyên thể không loại trừ được các ion kim loại độc hại phân tán trong nước.
Đặc biệt, một trở ngại lớn là các hiện tượng tắc nghẽn màng lọc do các chất lơ lửng hay do vi sinh vật phát triển trên bề mặt sau một thời gian lọc nước. Nó cũng không loại trừ triệt để vi sinh vật gây bệnh nhiễm vào nước thành phẩm.
Do đó, việc sử dụng vật liệu sứ xốp lọc nước gắn bạc nano được đánh giá có hiệu quả tốt trong khả năng chống hiện tượng tắc nghẽn màng lọc. Vì bạc nano có tính diệt khuẩn cao, phổ rộng, đồng thời có thể diệt virus, vi nấm, nguyên sinh vật kể cả rêu.
Hiện công nghệ sản xuất cột lọc nước kháng khuẩn đang được chuyển giao sản xuất trên quy mô công nghiệp phục vụ thị trường tiêu dùng lọc nước uống, nước sinh hoạt quy mô gia đình, với giá khoảng 200.000 - 250.000đ/cột lọc.
|
TIN LIÊN QUAN:
TIN ĐỌC NHIỀU: