Thu hồi nhang đen Trung Quốc
Căn cứ vào kết quả xét nghiệm tại Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 TPHCM về sản phẩm "nhang đen Trung Quốc", Chi cục Quản lý thị trường Cà Mau đã đồng loạt ra quân kiểm tra, xử lý triệt để và buộc ngừng lưu thông, mua bán toàn bộ nhang trừ muỗi mang nhãn hiệu Kaiho do Trung Quốc sản xuất trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Theo người dân phản ánh, loại nhang đen Trung Quốc này có tác dụng nhanh đối với muỗi, chỉ cần thắp trong thời gian rất ngắn muỗi đã chết hàng loạt. Ngoài ra, nhang có mùi hắc gây khó chịu, ngạt thở cho người dân.
Các cơ quan chức năng xác định, hương muỗi hiệu Kaiho có thành phần hoạt chất sử dụng trong sản phẩm không đúng như công bố trên nhãn mác và nghi ngờ sử dụng một số hoạt chất có thể độc hại không giống như công bố ở ngoài bao bì. Trong khi đó, với tỷ lệ 0,2 hoạt chất ghi ngoài nhãn của hộp nhang Kaiho thường sử dụng trong hương trừ muỗi là d-trans allethrin thì trên thực tế kết quả kiểm nghiệm cho thấy sự hiện diện của chất này rất thấp, chỉ có 0,057%.
Theo TS Phạm Thị Khoa, nguyên Trưởng phòng Hóa thực nghiệm, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng T.Ư, hương hay thuốc diệt muỗi có tác dụng "hạ gục nhanh tiêu diệt gọn" rất độc hại với người tiêu dùng. Bởi chúng có khả năng chứa chất propoxur, là chất cực độc với hàm lượng thấp. Theo đó, chỉ cần 0,01% chất này đã có thể làm muỗi chết trong vòng 30 giây đầu, nhưng độ độc khôn lường. Các khuyến cáo cho thấy, nếu sử dụng thuốc, nhang có chất này trong nhà có thể gây nguy cơ cho phổi, thậm chí dẫn đến ung thư. Bởi propoxur có tác dụng xông hơi nhanh sau khi thoát ra khỏi bình chứa.
|
Phối trộn hóa chất để chống đặc tính kháng thuốc của côn trùng. |
Hóa chất diệt muỗi kháng thuốc
TS Phạm Thị Khoa phân tích thêm, hiện nay tình trạng muỗi, kiến, gián... kháng thuốc cao. Theo đó sau khi phun thuốc, tỷ lệ muỗi chết từ 98 - 100% được xem là còn nhạy cảm với hóa chất. Tỷ lệ muỗi chết dưới 80% đã được xem là kháng thuốc, thậm chí tỷ lệ kháng còn được nâng lên 90%. Quá trình kháng hóa chất của côn trùng được diễn ra sau một thời gian dài tiếp xúc với hóa chất ở các liều lượng thông dụng, xác định qua bốn dạng là: Kháng tập tính, tức giảm muỗi vào nhà nhưng tăng muỗi ra khỏi nhà, đây là thay đổi thời gian hoạt động.
Kháng sinh thái, một số loài côn trùng tạo ra những lớp kitin dày hơn hoặc làm biến đổi cấu trúc nhằm làm giảm quá trình xâm nhập của hoá chất. Kháng cơ chế trao đổi chất, tức tăng enzym liên quan tới khả năng giải độc của côn trùng. Cơ chế cuối là đột biến ở những gen quy định protein ở vị trí đích di truyền cho đời sau để chống hóa chất.
"Trước các đặc tính đó, hiện hầu hết các nhóm thuốc diệt côn trùng đều đã bị kháng, kể cả nhóm Pyrethroids là dẫn xuất có nguồn gốc tự nhiên từ cây hoa họ cúc. Tại nội thành Hà Nội đã ghi nhận nhiều điểm kháng, chính vì thế bệnh do muỗi, côn trùng gây ra các năm không có dấu hiệu giảm", TS Phạm Thị Khoa nhấn mạnh.
Để tìm ra thuốc kháng, các nhà khoa học thuộc Mappacific đã cùng TS Phạm Thị Khoa nghiên cứu dưới dạng phối trộn hóa chất để chống đặc tính kháng thuốc của côn trùng. Kết quả ra đời là sản phẩm Map Cpa 500EC. Theo đó, thuốc được phối trộn một số hóa chất như Permethrin, Chlopyrifos Methyl, Alphacypermethrin... lại với nhau để tạo ra các điểm chết khác biệt so với điểm chết trước đây, tránh được đặc điểm kháng thuốc của côn trùng. Các nhà khoa học thuộc hai đơn vị đã nghiên cứu và chỉ ra rằng, hóa chất này có tác dụng gây đột quỵ cho côn trùng tại thời điểm 4 phút 43 giây, tỷ lệ đột quỵ ở phút thứ 9, tỷ lệ chết sau 24 giờ đạt 100%. Ngoài ra, chỉ 10% người thử nghiệm cảm thấy có mùi nhẹ.
Hóa chất thuộc Map Cpa 500EC đã được nghiên cứu, kết quả cho thấy, không tồn lưu trong mô mỡ, khi thấm xuống đất, nước và nhiễm vào ốc cá thì người ăn phải không bị tác động. Ngoài ra, chất này thải qua nước tiểu, không gây kích ứng nên về lâu dài không ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân.