Một trong những món đồ công nghệ đáng mua nhất trong vài năm trở lại đây chính là TV. Sự cạnh tranh khốc liệt của các nhà sản xuất đã đẩy giá của những chiếc TV xuống mức dễ chịu hơn bao giờ hết. Chỉ với khoảng 10 triệu đồng, bạn đã có thể mua cho mình một chiếc TV 42-inch hay thậm chí là lớn hơn.
Hầu hết người tiêu dùng đều muốn mua được một chiếc TV hoàn hảo. Tuy nhiên, không có một chiếc TV nào hoàn hảo cả, chỉ có những chiếc TV xứng đáng với số tiền mà chúng ta đã bỏ ra.
|
Thị trường TV hiện vô cùng phong phú. |
1. Không tin vào thông số kỹ thuật
Về lý thuyết, thông số kỹ thuật là các thông tin thể hiện khả năng và chất lượng của một chiếc TV. Nhưng đó chỉ là chuyện ngày xưa, còn bây giờ, chúng chỉ là công cụ để các nhà sản xuất marketing cho sản phẩm của họ.
Trừ những thông số có thể nhận biết được như kích thước hay trọng lượng, hầu hết các thông số của TV đều được đưa ra mập mờ hoặc phóng đại lên đến mức không tưởng. Hai thông số thường được khai thác mạnh nhất là tần số quét và độ tương phản.
Có 2 loại tần số quét mà bạn cần phải nắm rõ khi mua
TV là tần số quét nội suy và tần số quét thực. Tần số quét nội suy thường được gọi với những cái tên mĩ miều như Motionflow (Sony), Clear Motion Rate (Samsung), MCI (LG)... Tần số quét nội suy không giúp cho hình ảnh đẹp hơn, mà chỉ khiến cho các bộ phim trở nên giả tạo hơn.
Trong khi đó, tần số quét thực rất ít khi được công bố, chỉ một số ít hãng có đăng tải thông số này trên website của họ. Hơn nữa, những người bán hàng thường giấu diếm hoặc cũng không thể đưa ra được các thông tin đích xác.
2. Không tin vào lời nói của nhân viên bán hàng
Lương của các nhân viên bán hàng trong các siêu thị điện máy bao gồm lương cứng và hoa hồng khi bán được sản phẩm. Tất nhiên, doanh số bán hàng thì luôn tỷ lệ với hoa hồng nhận được. Chính vì điều này nên tâm lý chung của các nhân viên bán hàng đó là phải bán được hàng bằng mọi giá! Họ có thể “tán tỉnh” bạn, đưa ra các thông tin có lợi và giấu diếm những thông tin bất lợi, hoặc giới thiệu cho bạn một chiếc TV nào đó vì lý do đơn giản là nó mang đến nhiều hoa hồng hơn.
Ngoài ra, kiến thức của những nhân viên bán hàng chủ yếu đến từ các buổi training của hãng sản xuất TV. Những kiến thức này nhằm phục vụ cho công việc bán hàng, do đó, nếu cảm thấy những thông tin đưa ra chưa thỏa đáng, tốt hơn hết là bạn tìm gặp một nhân viên kỹ thuật, hoặc tham khảo từ những người quen có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
|
Nhân viên bán hàng chưa hẳn là kênh tham khảo tốt. |
3. Kích thước là quan trọng nhất
Trong bối cảnh mà các thông số chỉ là thứ giả tạo, thì kích thước của một chiếc TV lại trở nên vô cùng quan trọng. Lợi ích tốt nhất mà một chiếc TV kích thước lớn mang lại cho người dùng chính là trải nghiệm nhập vai hơn. Nó giống như là nhìn ra ngoài cửa số và cảm nhận về một thế giới hoàn toàn khác. Ngoài ra, một lợi ích không kém phần quan trọng khác đó là TV lớn sẽ khiến cho phòng khách của bạn trông sang trọng và ấn tượng hơn rất nhiều.
Với phòng ngủ, bạn có thể sử dụng những chiếc TV có kích thước tầm 32-inch. Tuy nhiên, với phòng khách thì “điểm ngọt” hiện tại là 49 hoặc 50 inch. Nếu nhiều tiền hơn, bạn có thể nghĩ đến những chiếc TV khổng lồ như 84-inch hay 90-inch.
4. Không nhất thiết là 3D
|
Nội dung 3D vẫn chưa có nhiều và khó tiếp cận. |
Mặc dù các nhà sản xuất TV lẫn nội dung vẫn đang hỗ trợ cho 3D. Tuy nhiên, rất ít người tiêu dùng hiện nay sử dụng tính năng 3D. Lý do là để thưởng thức 3D thì người dùng phải đeo kính, gây bất tiện và không thoải mái.
Một lý do khác đến từ chính nội dung. Không phải bộ phim 3D nào cũng có hiệu ứng nổi như mong đợi, hầu hết những phim 3D có hiệu ứng mãn nhãn đều là phim hoạt hình hoặc những phim có nguồn đầu tư lớn.
5. Các nguyên tắc khác
Ngoài 4 nguyên tắc kể trên, các bạn cũng nên chú ý đến các quy tắc khác như:
- TV Plasma luôn có chất lượng hình ảnh tốt hơn LCD trong cùng tầm giá.
- TV LCD có độ sáng tốt hơn TV Plasma, do đó thích hợp với phòng sáng hơn.
- Độ sâu màu đen cao đồng nghĩa với độ tương phản cao và chất lượng hình ảnh cao.
- Smart TV có thể được thay thế bằng PC, Android box hoặc HD Player.