Khi đội tuyển Thái Lan đang hướng đến những giải đấu cấp cao hơn và chủ quan trước đối thủ khu vực, Singapore loay hoay đi tìm sự phát triển bền vững, giờ sẽ là thời điểm để đội tuyển Việt Nam hoặc Malaysia tìm lại ánh hào quang trong quá khứ.
|
Các tuyển thủ Việt Nam ăn mừng chiến thắng vào chung kết AFF Cup 2018. Ảnh: Thuận Thắng.Việt Nam thi đấu ổn định nhất giải |
Tròn 10 năm kể từ khi Việt Nam lên ngôi vô địch Đông Nam Á dưới thời HLV Henrique Calisto, và đến nay vẫn là danh hiệu duy nhất của chúng ta ở đấu trường khu vực.
Không sai khi nói rằng tại AFF Cup 2018, dưới bàn tay của "phù thủy" Park Hang-seo, đội tuyển Việt Nam mới nhận được sự tin tưởng một cách đồng thuận đến thế của người hâm mộ nước nhà. Và thực tế đã chứng minh kỳ vọng đó là có căn cứ.
Kết thúc vòng bảng, đoàn quân của HLV Park Hang-seo ghi 8 bàn, không để thủng lưới một lần nào với thành tích bất bại (3 thắng và 1 hòa, bằng thành tích của Thái Lan). Hàng phòng ngự với 3 trung vệ Quế Ngọc Hải - Trần Đình Trọng - Đỗ Duy Mạnh và thủ thành Đặng Văn Lâm được đánh giá là chắc chắn nhất giải đấu.
Phải đến phút 45 trong trận bán kết lượt đi gặp đội tuyển Philippines, Văn Lâm mới bị Patrick Reichelt sút thủng lưới, những vẫn lập kỷ lục trở thành thủ môn giữ sạch lưới lâu nhất lịch sử AFF Cup với thành tích 405 phút.
|
Hàng phòng ngự Việt Nam vẫn là đội để thủng lưới ít nhất ở giải đấu. Ảnh: Thuận Thắng. |
Hàng phòng ngự ăn ý, các cầu thủ hàng công cũng cho thấy sự yên tâm khi Quang Hải, Công Phượng và Anh Đức đều đã có 3 bàn thắng, trong khi Văn Đức với khả năng thi đấu đa dạng ở nhiều vị trí cũng sở hữu hai pha lập công.
Thầy Park chưa bao giờ phải dùng lại một đội hình trong suốt 6 trận đã qua, cho thấy những con người trong tay ông có sự đa năng nhất định cùng với những chiến thuật linh hoạt, tùy biến.
Với chiến thắng 2-1 trước Philippines trên sân Mỹ Đình, tuyển Việt Nam còn tiếp tục mở rộng thành tích đang có chuỗi trận bất bại dài nhất thế giới lên con số 14. Thất bại gần nhất cách đây hai năm khi thầy trò Nguyễn Hữu Thắng để thua 1-2 Indonesia tại AFF Cup.
Malaysia gai góc và đầy khó chịu
Trong các trận thuộc vòng bảng, chẳng một ai thừa nhận "Harimau Malaya" thi đấu thuyết phục khi luôn chiến thắng nhọc nhằn trước Campuchia, Lào trước khi "tử chiến" với Myanmar. Họ thậm chí phải nhận một gáo nước lạnh khi làm khách trên sân Mỹ Đình và bị quật ngã với tỷ số 0-2.
Tuy nhiên, ngay khi người hâm mộ mất niềm tin vào đội tuyển nhất, thầy trò Tan Cheng Hoe lại cho thấy diện mạo hoàn toàn khác. Họ tấn công như vũ bão trên sân nhà Bukit Jalil khiến Thái Lan phải vất vả chống đỡ.
Malaysia kiểm soát bóng gần gấp đôi thời gian của đối thủ, tung ra tới 23 cú dứt điểm, trong khi Thái Lan chỉ vỏn vẹn có 6. Đội bóng sở hữu hàng công tốt nhất ở vòng bảng nhưng lại không thể có nổi một cú sút trúng đích tại Bukit Jalil.
|
Malaysia xứng đáng vào chung kết sau khi cầm hòa thuyết phục Thái Lan. Ảnh: AFF Cup. |
Thậm chí, ngay cả khi phải đi làm khách với lời cảnh báo sẽ bị chôn vùi tại Rajamangala, Malaysia còn cho thấy ý chí kiên cường và bản lĩnh hơn cả đội chủ nhà.
"Voi chiến" có 2 lần vượt lên dẫn trước, thì cả hai lần "Những chú hổ Malay" đều tìm được bàn gỡ không lâu sau đó. Các cầu thủ áo vàng thi đấu đầy ý chí, gắn kết với thể lực "khủng" nhưng không hề thiếu đi tính kỹ thuật, khéo dẻo.
Sự lỳ lợm, khó chịu của Malaysia xuất phát từ tâm thế cửa dưới và thua thiệt về mọi mặt so với Thái Lan. Tuy nhiên, chính tâm lý thi đấu thoải mái đó dội sức ép ngược lại đội chủ nhà, để rồi cầu thủ sớm được gọi là "Vua phá lưới" của giải đấu Adisak Kraisorn không thể giữ được cái đầu lạnh và sút bay cơ hội vào chung kết lên trời.
Đánh bại nhà vô địch, đội bóng từng 5 lần đăng quang AFF Cup rõ ràng là chiến tích lẫy lừng của đoàn quân Tan Cheng Hoe. Trong hai trận chung kết tới khi tái đấu Việt Nam, sự tự tin cộng với vị thế "cửa dưới" sẽ biến Malaysia trở nên khó chịu hơn rất nhiều so với chính họ ở Mỹ Đình cách đây vài tuần.
Khẳng định lại vị thế sau một thập kỷ
Trong quá khứ, tính tổng số lần lọt vào chung kết AFF Cup của cả đội tuyển Malaysia và Việt Nam cũng chỉ mới có 5 lần, bằng số lần Thái Lan lên ngôi vô địch. Trong khi đó, "Hổ Mã Lai" và "Rồng Vàng" lần lượt có 8 và 9 lần lọt vào top 4, cho thấy bán kết bấy lâu nay vẫn luôn là ngọn núi cao mà cả hai khó lòng trèo qua để hướng đến đích.
Nhưng đến năm 2018, mọi thứ đã hoàn toàn thay đổi. Một đội tuyển Việt Nam ổn định suốt giải đấu, một Malaysia thất thường nhưng bản lĩnh vào đúng thời điểm quyết định, những trận chung kết sẽ mang đến rất nhiều thái cực nhưng hứa hẹn đầy hấp dẫn.
Thêm một sự trùng hợp nữa, cả Việt Nam và Malaysia đều mới chỉ một lần vô địch AFF Cup, cách đây đã gần một thập kỷ.
Đối với Malaysia, năm nay, họ rửa được mối hận với người Thái khi từng để thua ở chung kết AFF Cup 2014 với tổng tỷ số 4-3. Sẽ không còn gì hoàn hảo hơn khi ngay chính giải đấu này, "Harimau Malaya" có thể đứng trên bục cao nhất, thực hiện được điều đã bỏ lỡ cách đây 4 năm.
Còn với Việt Nam, 2018 là năm thành công với HLV Park Hang-seo và nền bóng đá nước Việt. Các cầu thủ U23 lọt vào trận chung kết châu Á, đội tuyển Olympic cũng ghi tên trong top 4 đội mạnh nhất Á vận hội. Điều duy nhất còn thiếu hiện tại chính là danh hiệu vô địch để khép lại một hành trình đep như cổ tích của bóng đá nước nhà.