Trên nền tảng mạng xã hội TikTok còn chưa hạ nhiệt với các video khẩu chiến, “bóc phốt” các quán ăn của các tài khoản sở hữu triệu lượt xem, triệu người theo dõi thì những ngày qua lại liên tục xuất hiện các video dọa ma trẻ em leo lên “top thịnh hành” và trở thành thử thách được quan tâm hàng đầu.
Theo đó, nhiều người cố tình nhốt trẻ em trong phòng, mở những tiếng động rùng rợn rồi quay lại cảnh tượng trẻ con sợ hãi. Một lần nữa các trào lưu từ mạng xã hội khiến người ta lo lắng khi nhắm vào đối tượng trẻ em.
Đầu tháng 8-2022, một em bé 12 tuổi người Anh qua đời vì tham gia thử thách “blackout challenge” trên mạng xã hội TikTok với thử thách yêu cầu người thực hiện tự siết cổ tới khi bất tỉnh. Gần đây, có hàng loạt trào lưu từ mạng xã hội lan truyền theo kiểu “tiếng xấu đồn xa hơn” và những người làm nội dung bất chấp để có được nhiều lượt xem và theo dõi như nhảy múa gần máy bay chuẩn bị cất cánh, ngồi lên băng chuyền hành lý.
|
Hình ảnh cô gái ngồi trên băng chuyền hành lý lan truyền trên mạng xã hội. |
Có thể nói, trend (trào lưu) và challenge (thử thách) là hai trong những thứ “nuôi sống” cộng đồng mạng xã hội dù ở phía người tạo ra hay tiếp nhận. Trong đó, nội dung tiêu cực và nội dung nhảm vẫn thường dễ lan tỏa hơn bởi những điều ngược ngạo, trái khoáy thường gây tò mò. Không ít bạn trẻ “định vị” mình bằng chính những lượt xem, lượng người theo dõi trên mạng xã hội dù có không ít trường hợp đã bị xử phạt.
Đa phần các nền tảng mạng xã hội hiện nay đều có máy chủ ở nước ngoài nên việc siết chặt và kiểm soát nội dung không thể một sớm một chiều. Có lẽ, đã đến lúc người trẻ cần tự ý thức và văn minh trong việc tham gia mạng xã hội. Một lượt xem, lượt thích dù là vô tình cũng có thể góp phần tiếp tay cho những nội dung không lành mạnh lan truyền nhanh hơn. Đừng nghĩ những video theo trào lưu hay thử thách là vô hại, một khi đã chia sẻ công khai lên mạng xã hội, nếu nội dung không lành mạnh nó sẽ trở thành hại vô kể. Đời sống hiện đại, mạng xã hội trở thành một phần của công dân số, nội dung chỉ vô hại khi bạn để chế độ “chỉ mình tôi”.