Xu hướng nổi lên sau đại dịch
Du lịch chăm sóc sức khỏe là một ngành không quá mới, đã có giai đoạn phát triển trong nhiều năm. Nhưng trong những năm gần đây đặc biệt là sau đại dịch Covid-19 đã trở thành một xu hướng du lịch mới và thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách.
Năm 2023, trang booking.com đã ủy thác nghiên cứu trên 27 nghìn khách du lịch trên 33 quốc gia và vùng lãnh thổ, kết hợp với dữ liệu của nền tảng du lịch kỹ thuật số đã đưa ra 7 dự đoán du lịch trong năm 2024. Trong số đó, “chăm sóc sức khỏe” là một trong những xu hướng được đông đảo du khách lựa chọn.
Chia sẻ về xu hướng du lịch này, chị Bùi Thị Lan Hương – Giám đốc Công ty TNHH và TMDL Hana Travel cho biết cuộc sống hiện đại ngày càng có nhiều áp lực, du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe đang được nhiều du khách ưu tiên lựa chọn bởi nhu cầu nâng cao sức khỏe, bổ sung năng lượng, lấy lại cân bằng về thể chất lẫn tinh thần.
“Không chỉ khách quốc tế, hiện nay khách du lịch nội địa cũng rất quan tâm đến loại hình du lịch này. Thay vì muốn trải nghiệm ở nhiều điểm du lịch, du khách ngày càng có nhu cầu trải nghiệm dịch vụ và sản phẩm du lịch một cách chân thực và độc đáo.
Loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe có thể giúp các điểm đến giảm thiểu tác động tiêu cực của du lịch đại chúng bởi vì khách du lịch chăm sóc có xu hướng chi tiêu cao, sẽ có ít áp lực hơn cho các điểm đến khi tham gia vào thị trường này và giảm thiểu sự cạnh tranh về giá cả và số lượng. Đồng thời, giúp các điểm đến có thể giảm tính thời vụ nhờ dòng khách ghé thăm”, chị Lan Hương chia sẻ đồng thời cho biết xu hướng du lịch này thường không “kén” các những địa phương nằm cách xa những thành phố lớn, miễn là có sản phẩm đủ hấp dẫn.
Đối với Điện Biên, trong định hướng phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh đã xác định rõ: Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trên cơ sở khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế dựa trên ba trụ cột chính là: Du lịch lịch sử – tâm linh; du lịch bản sắc văn hóa dân tộc, khám phá cảnh quan thiên nhiên; du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khỏe.
Trong thế chân kiềng đó, du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe dù đi sau, mới chỉ có những bước phát triển đầu tiên, tuy nhiên có nhiều cơ hội bứt phá dựa trên những tài nguyên sẵn có của Điện Biên và xu hướng phát triển du lịch hiện nay.
Thiên nhiên ưu ái ban tặng cho Điện Biên không chỉ có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp mà còn có những nguồn tài nguyên giàu tiềm năng khai thác để tăng trải nghiệm nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe cho du khách. Đó là các điểm nước khoảng nóng tinh khiết như Hue Pe, U Va, là hồ Pa Khoang không khí trong lành, thoáng mát, là hệ thống các cây dược liệu bản địa gắn với công thức sử dụng trong các bài thuốc của đồng bào dân tộc thiểu số,... Đây là tiềm năng, thế mạnh và những lợi thế khác biệt mà Điện Biên sở hữu để đi đường dài với xu hướng du lịch này.
Làm sao để “đi sau, về trước”?
Thực tế cho thấy, trong những năm trở lại đây, ở nhiều địa phương trong toàn tỉnh đã dần hình thành các khu, điểm du lịch chăm sóc sức khỏe và được sự đón nhận của du khách khi đến với Điện Biên.
Ông Phan Thạch Thành – Giám đốc Công ty Du lịch Điện Biên cùng Thổ địa cho biết trước đây khi đến với Điện Biên, du khách chủ yếu chỉ tham quan các điểm di tích lịch sử, tuy nhiên du khách cũng đã hào hứng quan tâm hơn đến các loại hình du lịch trải nghiệm mới như chữa lành, tắm khoáng nóng, check-in những khung cảnh đẹp, hòa mình vào thiên nhiên.
Tuy nhiên do phát triển muộn hơn, nên loại hình du lịch này ở Điện Biên đang còn gặp một số trở ngại nếu muốn đi đường dài. Thứ nhất là sự phát triển của hạ tầng du lịch như khách sạn, homestay, các điểm tắm khoáng nóng,… chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu trải nghiệm cảnh quan của du khách. Thứ hai, các sản phẩm dịch vụ còn chưa đa dạng, chưa tạo được trải nghiệm độc đáo và ấn tượng với du khách. Thứ ba, nguồn nhân lực du lịch chưa theo kịp yêu cầu phát triển, đội ngũ lao động nghiệp vụ, đại đa số lao động trong ngành du lịch của vùng chủ yếu là lao động phổ thông ở trình độ thấp, không có tay nghề cơ bản.
Do đó, đại diện doanh nghiệp lữ hành này bày tỏ mong muốn tỉnh Điện Biên sớm có quy hoạch, kế hoạch, chương trình cụ thể để phát triển loại hình du lịch này. Đồng thời thu hút đầu tư, khuyến khích và tạo điều kiện để các doanh nghiệp phát triển hạ tầng du lịch, sản phẩm du lịch và đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
“Để phát triển du lịch nghỉ dưỡng, tôi cho rằng địa phương cần có các chính sách thúc đẩy, thu hút các nhà đầu tư rót vốn, đầu tư. Bên cạnh đó, để thúc đẩy du lịch phát triển ngoài cần sự tiên phong đi trước đón đầu của doanh nghiệp thì cần phải có sự chung sức của chính quyền địa phương nhất là trong khâu quy hoạch, quảng bá du lịch. Đặc biệt, các doanh nghiệp cũng cần có sự kết nối với nhau để cùng phát triển”, Giám đốc Công ty Du lịch Điện Biên cùng Thổ địa chia sẻ.
Bên cạnh đó, ông Phan Thạch Thành cũng cho rằng các cơ sở du lịch hiện nay cần chú trọng làm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch và nâng cao chất lượng phục vụ. Trong đó nổi bật là những loại hình như tắm rừng, tắm cát, suối nước nóng, các liệu pháp spa như massage, chăm sóc da, tắm bùn, xoa bóp bấm huyệt truyền thống, chữa bệnh bằng năng lượng hay những khoá tu tâm linh bình yên và tĩnh lặng…
Với tầm nhìn được vạch ra trong quy hoạch, kỳ vọng rằng du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khỏe ở Điện Biên sẽ “đi sau, về trước”, tạo ra bước đột phá cho ngành du lịch và đưa ngành công nghiệp không khói sớm trở thành mũi nhọn của tỉnh.