Sau khi cân nhắc, nhà gái đã quyết định thách cưới hai mươi triệu đồng, bằng một nửa so với tục lệ ở quê. Thế nhưng, trước mặt hai bên họ hàng, nhà trai đã phản ứng, mẹ chàng trai nhất định chỉ lễ ba triệu, không hơn. Hòn bấc quăng ra, tiếng chì ném lại…
Vậy là đám hỏi ấy trở thành màn ngã giá “mua dâu”, để rồi cuối cùng không thống nhất được, cũng không thông cảm cho nhau, lễ cưới của đôi trẻ bị huỷ bỏ.
|
Hình minh hoạ |
Câu chuyện này đưa ra mô xẻ, người thì cho rằng nhà gái quá nặng nề vật chất, người thì bênh nhà trai trước việc lớn của con trai mà tính toán so đo, tiền thách cưới "cò kè như mua bó rau ngoài chợ".
Hạnh, bạn tôi cũng đã từng ở trong hoàn cảnh dở khóc dở cười như thế. Khác một điều là Hạnh và chồng vẫn bén duyên nhau. Hồi đó, nhà Hạnh không thách cưới rõ, chỉ nói tuỳ nhà trai. Nhưng khi nhà trai bỏ vào lễ năm triệu tiền mặt thì mẹ Hạnh tỏ ý không vui. Thậm chí sau này mẹ còn nhiều lần mỉa mai con rể, dù Hạnh đã góp ý với mẹ nhiều lần.
Mỗi khi nghe mẹ vợ bóng gió, chồng Hạnh lại về nhà nói vợ. Chuyện người lớn thống nhất với nhau, sao còn lôi anh vào cuộc? Mà dù sao anh cũng đã là con rể trong nhà sao mẹ vẫn chấp nê những chuyện đó.
Rồi đỉnh điểm, khi mẹ vợ vẫn nói câu chuyện cũ này tới lần thứ n, thì anh đã lấy tiền đưa mẹ hai mươi triệu: “Hồi đó nhà còn khó khăn nên chỉ đưa ba mẹ được có vậy, giờ con đưa mẹ thêm”.
Tất nhiên sau đó tổ ấm của Hạnh nổi sóng gió. Một bên là mẹ, một bên là chồng, Hạnh không thể nghiêng về bên nào, cô chỉ biết thuyết phục chồng rằng: mẹ già rồi nên khó tính, mình ở với nhau là chính chứ đâu có ở với mẹ, nhưng chồng cô vẫn không thể nguôi ngoai.
Thach cuoi ma nhu mua rau ngoai cho
Hình minh hoạ
Chuyện nhà Hoàng thì lại khác. Anh luôn bị kẹt giữa mẹ và vợ vì chuyện này. Hồi cưới nhau, nhà gái thách cưới ba mươi triệu đồng. Nhà Hoàng kinh tế bình thường. Ở quê đây lại là món tiền khá lớn, nhưng Hạnh là gái thành phố, nên bố mẹ cô cho rằng đó là bình thường. Gia đình anh đã chu tất lễ lạt trong ngày cưới. Nhưng sau này mẹ anh dằn vặt con dâu chuyện nhà cô “bán con”.
Vợ anh cũng không vừa, cô nói ba mẹ mất công sinh ra, nuôi dạy cô mấy chục năm, giờ không được con gái báo đáp mà thành quả về nhà khác thì chút lễ lạt ấy đáng gì? Vậy là mẹ thì giận, mà vợ thì ấm ức. Hoàng cứ mắc kẹt trong một chuyện đã qua mà lẽ ra khi nhớ về, nó phải là ngày vui của cuộc đời.
Chuyện thách cưới tuỳ và quan điểm, nên đúng là khó ngay ai đúng, ai... quá đáng bởi mỗi vùng miền lại có phong tục khác nhau. Nhưng trong xã hội hiện đại, đáng ra không nên nặng nhẹ chuyện ấy làm gì. Thách nhiều để rồi sau này các con về sống với nhau, nó vẫn là nỗi bực dọc âm ỉ, để lôi ra đay nghiến nhau thì hay ho nỗi gì.
Nhiều phụ huynh thật tình cũng không xem trọng thách cưới, nhưng lại sợ họ hàng, người ngoài nhìn vào, cho rằng con gái mình không có giá. Có điều, chuyện miệng lưỡi người đời biết làm sao cho vừa? Hạnh phúc gia đình đâu có thể đong đếm bằng chuyện cô gái được thách cưới bao nhiêu. Trong khi đó, tiền của còn có thể làm ra, việc báo hiếu cha mẹ hai bên cũng là câu chuyện dài ở phía trước của đôi trẻ...