Không ai trên thế giới này là hoàn hảo và chúng mình đi tìm những “cái đẹp trong sự không hoàn hảo”.
Thùy Anh đã viết như thế trong dự án đầu đời của mình, về người khuyết tật. Ở tuổi 20, cô đã nuôi ước mơ nho nhỏ, được giúp đỡ, lan tỏa thông điệp về sự trân trọng, yêu thương dành cho người khuyết tật. Những cô gái bị mất đôi chân, khuyết đôi mắt hay không còn đôi tay... đã được thể hiện qua các bộ ảnh độc đáo. Ngay lập tức, nó đã thu hút hàng trăm nghìn lượt xem và chia sẻ trên mạng xã hội, tạo tiếng vang trong cộng đồng GenZ.
Trong GenZ Talk tuần này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng Thùy Anh để hiểu hơn về những điều ý nghĩa mà cô đã làm cho Khuyết.
Những điều diệu kì quanh mình
Thùy Anh đang là sinh viên của trường Đại học Sư Phạm TP.HCM, khoa Giáo dục đặc biệt. Điều này có ý nghĩa rằng chỉ vài năm nữa thôi, cô sẽ trở thành một giáo viên dạy cho các học trò là trẻ khuyết tật. Mang trái tim đong đầy yêu thương, chứng kiến những câu chuyện diệu kì về người khuyết tật quanh mình, Thùy Anh đã tạo nên dự án Khuyết.
Theo lời cô chia sẻ, thời gian đầu thật sự khó khăn vì các bạn sinh viên đều chưa chủ động được kinh tế. Nhưng dần dần, cô đã học được cách vận hành "ngôi nhà nhỏ" của mình. Nhi, một cô nàng sinh viên, học cực giỏi nhưng có đôi mắt chỉ nhìn xa được 10 cm, hay Thư, cô gái mắc chứng vẹo cột sống nhưng lại vẽ tranh rất đẹp... Tất cả đã được Thùy Anh mời vào làm mẫu trong bộ ảnh của mình.
Lần đầu tiên, họ được điệu đà diện váy, tô son, nở nụ cười thật tươi trước ống kính. Bộ ảnh tràn đầy năng lượng tích cực đó đã khiến Khuyết trở nên lan tỏa khắp mạng xã hội. Người xem ảnh bắt đầu có sự chú ý, cảm nhận được những vẻ đẹp khuất lấp đằng sau những khiếm khuyết. Rằng con người sống với nhau bằng tình thương, tâm hồn chứ không phải những vỏ bọc khác.
Thùy Anh kể: "Nhờ có Khuyết, mình học được nhiều thứ. Đó là nghị lực sống đầy đẹp đẽ của những người bạn đồng hành. Họ không có cơ thể lành lặn, vẹn tròn nhưng sống bằng sự khát khao và mãnh mẹ, khiến mình cũng phải ngưỡng mộ".
Như Thư Trần, một cô nàng họa sĩ đã được Khuyết giới thiệu rằng, đôi khi hạnh phúc chỉ đơn giản là tìm được đam mê mà mình muốn theo đuổi. Cô lớn lên trong vòng tay của mọi người trong mái ấm và vượt qua được những khó khăn mà chị từng gặp phải, cô trở thành một người ấm áp và hoà đồng.
Có những lần cô thu mình lại với thế giới vì cảm thấy cô đơn, lạc lõng nhưng lại không vì thế lại mà bỏ cuộc.
Thùy Anh nói: "Như bông hoa hướng dương luôn cố gắng vươn mình về phía mặt trời, sự mạnh mẽ cùng với khát khao được vẽ, ước mơ trở thành hoạ sĩ đã tạo nên chị Thư của ngày hôm nay, một phiên bản tốt hơn, hoàn chỉnh hơn, một mảnh ghép còn thiếu của “vẻ đẹp hoàn hảo trong sự không hoàn hảo". Bình dị và gần gũi là những gì được chị thể hiện qua tranh vẽ của mình. Sự chỉn chu trong từng tác phẩm giúp người xem cảm nhận sâu sắc hơn về tranh của chị".
Trái tim ngập tràn yêu thương
"Giữa cái xã hội đầy ganh ghét, hơn thua nhau thế này, hên là mình vẫn tìm thấy các bạn có sự đồng điệu về tâm hồn. Giữa cái chốn mà hở 1 xíu là con người ta trở nên tàn khốc với nhau, hở 1 xíu là cuộc sống chỉ toàn màu của tiêu cực, giữa cái chốn tưởng chừng như chỉ nặng nề cơm, áo, gạo, tiền thì chúng mình, những tâm hồn trong trẻo, mang đầy sự yêu thương, nhiệt huyết, chúng mình bỏ qua tất cả mệt mỏi, sự dị nghị, mà đến đây với nhau. Cùng nhau ở đây dựng lại vẻ đẹp dịu dàng mà cuộc sống đã ẩn giấu đi", Thùy Anh tâm sự.
Theo chia sẻ của Thùy Anh, cô sẽ không bao giờ có thể làm được nhiều điều như thế nếu không có sự đồng hành, tương trợ từ tất cả các thành viên trong Khuyết. Cô chia sẻ: "Cảm ơn các bạn đã bỏ qua sự mệt mỏi, những ngày tháng mất ăn mất ngủ, cùng nhau bàn bạc ý tưởng tới tận giữa khuya".
Các bạn cùng nhau thực hiện những bộ ảnh giữa trời nắng gắt, với kinh phí eo hẹp. Với những quán cà phê có kinh phí đắt đỏ, tầm 500.000 đồng đến 1 triệu cho những buổi chụp ảnh, Thùy Anh buộc phải trao đổi và chia sẻ lại câu chuyện của Khuyết với chủ quán.
Ngày 24/4 vừa qua, cô đã tổ chức buổi workshop mà người đứng lớp dạy vẽ chính là những cô gái khuyết tật. Cô đã làm nên thành công cho buổi workshop đầu đời bằng những giá trị lay động trái tim.
"Dù bạn là ai, hay có những điều chưa hoàn thiện về bản thân mình thì hãy tỏa sáng theo cách riêng. Mình tin rằng, mỗi người đến với cuộc đời này đều có ý nghĩa đặc biệt", Thùy Anh nói.
Sắp tới, cô bày tỏ mong muốn sẽ được kết hợp với nhiều đơn vị để giới thiệu việc làm cho người khuyết tật. Khuyết không chỉ là dự án dừng lại trên mạng xã hội, truyền thông hay những buổi workshop, Khuyết mong muốn đồng hành và giúp đỡ họ cả trong đời sống.