“Tôi đã khóc vì không có giày để đi cho đến khi tôi nhìn thấy một người thậm chí không có chân để đi giày”.
Đó là câu nói từng khiến Vũ Thị Hương Giang (Ninh Bình) khóc rất nhiều khi lần đầu nghe được. Cô gái sinh năm 1999 khóc vì đồng cảm, vì một đôi chân lành lặn, khỏe mạnh cũng là điều cô mơ ước bao năm nay.
20 năm đồng hành cùng đôi chân đặc biệt, từ buồn và đôi lúc là ghét bỏ, Hương Giang dần coi đó là động lực để khiến bản thân mạnh mẽ hơn từng ngày.
Trong suốt cuộc trò chuyện với Zing, nữ sinh viên Đại học Y Hà Nội liến thoắng kể về cuộc sống của mình bằng giọng lạc quan, đôi lúc “tự dìm”. Cũng có lúc, Giang chực khóc khi nhớ về quãng thời gian khó khăn, những lời lẽ cay nghiệt nghe được từ những người không hiểu mình.
Muốn được đi giày
Ông nội, ông ngoại Hương Giang sống cùng làng, cùng tham gia kháng chiến chống Mỹ. Đến đời bố mẹ Giang, không có ai bị dị tật hay ảnh hưởng gì. Tuy nhiên, Giang và anh trai không được may mắn như vậy.
Khi sinh ra, hai chân của Giang và người anh trai sinh năm 1995 vẫn bình thường. Song càng lớn, chân càng yếu đi, teo nhỏ và không đủ sức chống đỡ cơ thể.
|
Giang có thể đi một đoạn ngắn nếu có điểm tựa. Bình thường, cô di chuyển bằng xe lăn.
|
Suốt nhiều năm, gia đình Giang đã đến không ít bệnh viện ở khắp miền Bắc nhưng vẫn không thể tìm ra nguyên nhân bệnh. Phần lớn nơi chẩn đoán là bại liệt, nhược cơ và chỉ có thể kê thuốc để tình hình không nặng thêm, kết hợp vật lý trị liệu.
“Đến tận bây giờ, gia đình mình vẫn không biết căn bệnh hai anh em mắc phải là gì, chỉ biết nguyên nhân là di truyền hoặc có thể là ảnh hưởng chất độc da cam. Mọi người đều khuyên anh em mình đi phục hồi chức năng và tập luyện để cải thiện”, Giang nói.
Những năm đầu đời, Giang vẫn có thể đi lại được một chút nhưng không nhiều. Khoảng lớp 3, lớp 4, cô tự đạp xe đến trường, dùng tay đè chân phải xuống bàn đạp tạo lực. Tuy nhiên, vì chân không có sức, mỗi khi trượt tay là cả người Giang mất đà, ngã xuống đường.
Lên cấp 2, Giang nhờ bạn cùng làng đưa đến trường vì không còn sức tự đi xe. Cũng từ thời gian này, cô gái Ninh Bình bắt đầu nhận thức được mình “khác biệt” so với các bạn.
Có lần, trường tổ chức cho các học sinh giỏi lên Hà Nội tham quan. Suốt chuyến đi, các thầy cô luôn phải cõng Giang để di chuyển giữa các địa điểm. Tội lỗi, thấy bản thân như gánh nặng là điều duy nhất đọng lại trong cô sau chuyến đi ấy.
Cô gái sinh năm 1999 trở nên tự ti, thu mình hơn hẳn.
“Lên cấp 3, các bạn thi nhau sắm giày, dép đẹp nhưng chân mình như vậy, một bên còn bị lật nên dù muốn cũng chẳng thể xỏ. Mùa đông trời lạnh, chân mình tím lại vì chỉ đi tất, nhìn các bạn chạy nhảy, mình tủi thân, cảm nhận được rõ ràng sự khác biệt giữa mình và mọi người”.
Sau ca phẫu thuật năm lớp 10, chân của Giang có thể úp lại gần như người bình thường. Khi có điểm tựa, cô đi được một đoạn ngắn, còn lại sẽ di chuyển bằng xe lăn. Vì dựa phần lớn vào sức đôi tay, dáng đi của Giang xiêu vẹo, lâu dần khiến cô cong cả cột sống.
‘Nếu khỏe mạnh, chưa chắc mình đã học y’
Trong suốt 18 năm đầu đời, đôi chân là điều khiến Giang phải đến khắp các bệnh viện lớn nhỏ chạy chữa. Tuy nhiên, cũng chính đôi chân ấy là nguyên nhân thôi thúc cô trở lại bệnh viện với một vai trò mới: sinh viên ngành y.
“Ban đầu, mình tính học ngành kinh tế để sau này kinh doanh kiếm thật nhiều tiền phụ giúp bố mẹ. Nhưng sau đó, một phần nghe lời khuyên từ bố mẹ, một phần muốn tự tìm ra phương pháp điều trị đôi chân, mình quyết định chuyển hướng thi khối B vào năm lớp 12”.
Ngày biết tin đỗ ngành Y tế dự phòng của ĐH Y Hà Nội, vui và tự hào có, nhưng Giang buồn và lo lắng nhiều hơn. Một sinh viên bình thường tự lăn lộn nơi xa đã khó, với Giang, thách thức còn lớn hơn nhiều lần.
“Khó khăn lớn nhất là bố trí thời gian học và sinh hoạt sao cho hợp lý. Ở nhà, có gia đình hỗ trợ nhưng khi đi học xa, mình phải tự làm mọi thứ, chưa kể việc học đã chiếm rất nhiều thời gian”.
|
Hương Giang hiện là sinh viên năm 4 ngành Y tế dự phòng, ĐH Y Hà Nội.
|
Hầu hết môn học ở trường đều có khối lượng kiến thức khá nặng, sinh viên còn phải đến bệnh viện thực hành ngay sau khi học lý thuyết.
Vì gặp bất tiện trong việc đi lại nên trong phần lớn buổi đi viện, Giang không có nhiều cơ hội luyện tập, khiến cô gặp khó khăn trong việc áp dụng, ghi nhớ kiến thức chuyên ngành.
Cũng chính vì thế, Giang chăm chỉ đọc sách, nghiền ngẫm các tài liệu, giáo trình.
“Nếu khỏe mạnh như người bình thường, chưa chắc mình đã học ngành y. Những gì xảy ra ở hiện tại, theo mình, chính là duyên nợ”.
Bất tiện chứ không bất hạnh
Đối với cô gái quê Ninh Bình, những đau đớn, bất tiện về thể xác không khiến cô tổn thương bằng những lời vô tình, ánh nhìn khó chịu hay sự thiếu cảm thông của người khác khi có đôi chân không lành lặn.
Đó là những lời trêu chọc vô tâm nhưng đủ sức khiến cô buồn cả ngày dài của đám trẻ con: “Cái chị kia đi đứng buồn cười thế”.
Đó là những câu hỏi: “Sao lại ngồi xe lăn vậy?”, “Lấy xe của bệnh nhân đi à?”, “Ngồi xe lăn thì mai sau làm bác sĩ kiểu gì?” khi đến bệnh viện thực tập, khiến cô nhiều lúc không dám khoác lên mình chiếc áo blouse trắng.
Đó là những ánh nhìn mỉa mai, châm chọc “Chân cẳng đã như thế rồi còn không an phận, học y làm cái gì”.
Đỉnh điểm, vào năm nhất đại học, gia đình bạn trai mới quen biết về tình trạng sức khỏe của Giang và ra sức ngăn cản bằng nhiều lời lẽ khó nghe.
“Từ bé đến giờ, mình chỉ đơn phương nhưng đây là lần đầu được một chàng trai mình thích đáp lại tình cảm. Anh ấy lớn hơn mình và cũng đến độ tuổi lập gia đình. Mình biết, với nhiều yếu tố, bọn mình không thể có tương lai”.
Nhiều lúc, Giang ước giá như mình có thể sinh ra với một đôi chân bình thường thì mọi chuyện đã khác.
“Sao lại là mình?”, câu hỏi vô thức hiện lên trong đầu cô gái sinh năm 1999 những khi ấm ức.
|
Cô gái sinh năm 1999 luôn cố gắng duy trì lối sống lạc quan.
|
Nhưng trên tất cả, những khó khăn ấy dần trở thành nguồn động lực giúp Giang mạnh mẽ hơn, trở thành người lạc quan, không dễ gục ngã. Giang nói cô không có một đôi chân bình thường, điều đó bất tiện chứ không thể khiến cô bất hạnh.
“Bây giờ mình không còn lưu tâm nhiều đến những lời trêu chọc, chê bai của mọi người, chỉ cần bản thân sống tích cực hơn và tốt hơn mình của ngày hôm qua 1% là vui rồi. Việc nhiều người có lời lẽ không hay có thể do họ chưa hiểu hoàn cảnh của mình thôi”.
Từ năm nhất đại học, nữ sinh trường y đã đi làm gia sư để tự trang trải sinh hoạt phí. 6 học kỳ qua, cô gái Ninh Bình luôn đạt điểm tổng kết trên 7, một kỳ giành học bổng của trường.
Kết thúc một ngày, Giang thường viết những điều khiến bản thân cảm thấy biết ơn. Mỗi khi buồn, cô đem ra nhìn lại và nhắn nhủ bản thân phải cố gắng, lạc quan hơn, không làm phụ lòng những người luôn yêu thương mình.
“Mình tin rằng mỗi người sinh ra đều mang một sứ mệnh và tỏa sáng theo nhiều cách khác nhau. Sau khi tốt nghiệp, ngoài công việc đúng chuyên ngành, mình hy vọng có thể trở thành diễn giả, đến nhiều nơi truyền cảm hứng và năng lượng tích cực cho mọi người”.